Tờ báo thuở xưa: Tên ai trên nhật trình?

20/06/2023 07:42 GMT+7

Quanh việc dùng bút danh, bút hiệu, mỗi người khi đặt cho mình đều có cái lý riêng, hoặc thâm sâu, ý nhị, hoặc đơn giản chỉ là chơi chữ, đảo chữ mà thôi.

Ai là Ân Ngũ Tuyên trên Tao Đàn ?

Tác giả Như Hoa chuyên trị mục "Tranh xã hội" trên trang nhất báo Sài Gòn chỉ là một bút danh của Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy. Trên báo này, Hồng Tiêu còn có bút danh nữ tính là Nhất Chi Mai. Lưu Trọng Lư khi viết cho Tiểu thuyết thứ Năm, đã lấy bút hiệu Lưu Thần.

Như trên chỉ đơn cử về bút danh, bút hiệu trong thực tế. Nói về bút danh, bút hiệu, trong Giai phẩm Văn học "Tìm hiểu tên, bút hiệu của văn nghệ sĩ tiền chiến hiện đại" tháng 3.1973, Vũ Bằng giải nghĩa đó là "tên của mình đặt cho mình để nói lên sở thích, hoài bão, ý chí của mình […] là hiệu của người cầm bút, thường chỉ người làm nghề bút thiệt mới có". Tương Phố nổi tiếng với bài Giọt lệ thu đăng trên Nam Phong tạp chí số 231, ra tháng 7.1928, nhưng tên thật là Đỗ Thị Đàm. Còn Thâm Tâm quen thuộc trên Tiểu thuyết thứ Bảy, Truyền bá, tên thật là Nguyễn Tuấn Trình… Điều đó cho thấy nhiều khi độc giả nhớ tới tác giả là từ bút danh, bút hiệu, chứ họ tên thật nhiều khi lại chẳng rõ.

Tờ báo thuở xưa: Tên ai trên nhật trình? - Ảnh 1.

Nguyễn Đức Huy dùng bút danh Như Hoa trên mục “Tranh xã hội” của báo Sài Gòn

Ngay như Vũ Bằng khi viết báo cũng có bút danh riêng khi viết bài trên báo Đông Tây của Hoàng Tích Chu năm 1930. Bút danh Tiêu Liêu được Vũ Bằng tâm sự với Tạ Tỵ là được cụ cử Mai Đăng Đệ rút từ một câu trong Trang Tử, thiên "Tiêu dao": "Tiêu Liêu sào lâm, bất quá nhất chi, yến thử ẩm hà bất quá mãn phúc" (chim Tiêu Liêu làm tổ trong rừng chẳng qua một cành cây, cũng như chuột đồng uống nước sông chẳng qua đầy một bụng nhỏ), Mười khuôn mặt văn nghệ của Tạ Tỵ ghi lại.

Nguyễn Công Hoan là một trong số ít những người viết văn, viết báo mà để tên thật. Nhưng khi sách của ông bị Pháp kiểm duyệt cấm, nhà văn viết truyện trẻ con, đã lấy tên là Ngọc Oanh. Tên ấy được đảo chữ cái từ chính tên Công Hoan mà ra. Tác giả của Tấm lòng vàng đã bộc bạch như thế trong hồi ức Nhớ gì ghi nấy. Trường hợp này được Thiên Tướng trong bài Tìm hiểu nguồn gốc của các tên hiệu ở giai phẩm trên đưa vào kiểu "bút hiệu đảo lộn những chữ trong tên thật". Có nhiều người đã sử dụng cách ấy, trong đó có Khái Hưng, đảo lộn chữ Khánh Giư (Trần Khánh Giư); Thế Lữ đảo chữ Thứ Lễ (Nguyễn Thứ Lễ). Nguyễn Tuân, viết bài đăng trên tạp chí Tao đàn, đã dùng bút danh Ân Ngũ Tuyên từ số 1 (16.2.1939) về sau. Đây là chiết tự từ chữ Nguyễn Tuân mà ra, theo lời Nguyễn Khánh Đàm, chủ hiệu sách Nguyễn Khánh Đàm ở Sài Gòn, là em trai Nguyễn Tuân, tiết lộ cho Đông Hồ và Mộng Tuyết, "và cũng từ đó về sau Nguyễn Tuân không dùng chữ Ân Ngũ Tuyên nữa", hồi ký Núi Mộng gương Hồ ghi.

Tờ báo thuở xưa: Tên ai trên nhật trình? - Ảnh 2.

Bài Vờ vịt trên Vịt đực số 2, ra ngày 29.6.1938 ký tên Vịt Con

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Cô Lý Lê Văn Trương

Tâm sự về bút danh của mình, Nguyễn Công Hoan còn tiết lộ gốc tích bút danh những đồng nghiệp. Biệt hiệu từ điển tích như Nguyễn Đức Phong, chủ báo Cậu ấm, có biệt hiệu Thái Phỉ là từ rau phỉ, rau phong; trong khi ấy Lê Dư còn biết đến là Sở Cuồng, thì được hiểu là người cuồng nước Sở, tên Dư.

Viết văn viết báo, Đái Đức Tuấn được biết đến với bút danh Tchya nghe rất tây nhưng lại gốc ta từ việc viết tắt những chữ "Tôi chẳng yêu ai", mà bạn bè gọi đùa vui là Tẩy Xìa. Đái Đức Tuấn vốn là tham tá của Sở Học chánh, viết hay mà lại tài hoa nữa, theo lời Vũ Bằng ghi trong hồi ký Bốn mươi năm "nói láo". Họa sĩ NGYM nổi danh với những tranh minh họa, tranh biếm trên Cậu ấm, Bắc Kỳ thể thao… có tên thật là Trần Quang Trân. Tên NGYM được lấy từ chữ cái trong "Người yêu mợ". Mợ ở đây phải đặt trong ngữ cảnh dạo ấy với nghĩa là vợ.

Ngoài ra còn ghi nhận những cách lấy bút hiệu khác của các nhà báo theo cách phân loại của Thiên Tướng. Nào là lấy bút hiệu từ đặc điểm vật chất hoặc tinh thần, bắt gặp ở Doãn Kế Thiện lấy hiệu Bất Ác với nghĩa là thiện, cũng là tính cách của ông hiền lành; bút hiệu liên quan đến nguồn gốc địa lý, thường là gắn với địa danh như Nguyễn Khắc Hiếu có bút hiệu Tản Đà, Ngô Tất Tố có bút hiệu Côi Giang hay Dương Phượng Dực lấy bút hiệu Đông Lĩnh; bút hiệu bắt chước nhau, gặp ở nhóm Tự lực văn đoàn khi Nguyễn Tường Tam có bút hiệu Nhất Linh, Trần Khánh Giư bút hiệu Nhị Linh, Nguyễn Tường Long bút hiệu Tứ Linh; bút hiệu xuất phát từ đặc điểm riêng của bản thân, như Bùi Xuân Học - Chủ nhiệm Ngọ báo, Loa có bút hiệu Bùi Soắn Ốc vì tóc xoăn, nhưng bạn bè trêu là Bùi Xoắn Ốc, và thế là về sau ông lấy luôn bút hiệu Soắn Ốc.

Bên cạnh những cách lấy bút hiệu trên, còn nhiều cách lấy bút hiệu khác nữa được Thiên Tướng đề cập đến như bút hiệu yêu nước thương nòi. Trường hợp này gặp ở Ngô Tất Tố với bút hiệu Thục Điểu, ví mình với con chim cuốc thương nước; bút hiệu gắn với giai thoại như Lê Văn Trương ký Cô Lý trên Trung Bắc Tân văn, Đông Dương tạp chí, Nhật tân vì từng để ý đến cô Lý cùng làm việc ở Trung Bắc Tân văn…

Có bút danh lại theo cả tính chất tờ báo nữa. Khi làm Chủ nhiệm tuần báo Vịt đực, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc lấy bút danh là Vịt Con, còn Vũ Bằng trên tờ này ký tên Cô Ngã dưới các bài viết. Đinh Hùng phân rõ lĩnh vực khi ký tên, viết truyện thì ký là Hoài Điệp Thứ Lang, làm thơ châm biếm thì ký Thần Đăng, còn làm thơ tình thì ký tên thật là Đinh Hùng. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.