Chiều 18.9, sau 2 ngày xét xử (ngày 17 và 18.9), Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bình Định đã tuyên phạt ông Nguyễn Văn Chánh (41 tuổi, ở P.Quang Trung, TP.Quy Nhơn, Bình Định), nguyên chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Bình Định, 9 năm tù giam về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hội đồng xét xử còn buộc Cục THADS tỉnh Bình Định bồi thường cho Doanh nghiệp Huy Phương số tiền hơn 5,6 tỉ đồng và bồi thường cho Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Phú Lợi (cùng ở tỉnh Gia Lai) số tiền hơn 49,4 tỉ đồng.
Bỗng dưng bị kê biên, tạm giữ tài sản
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định, ngày 29.9.2014, TAND tỉnh Bình Định ra bản án phúc thẩm, buộc Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Phú Lợi có nghĩa vụ trả cho Công ty TNHH Thanh Phát số tiền hơn 19,2 tỉ đồng. Ngày 9.10.2014, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bình Định ký quyết định thi hành án, phân công chấp hành viên Nguyễn Văn Chánh trực tiếp tổ chức thi hành bản án này.
Ngày 21.8.2015, ông Chánh đã tổ chức cưỡng chế kê biên kho hàng sắn lát của DNTN Phú Lợi tại Khu công nghiệp Long Mỹ (TP.Quy Nhơn) nhưng lại không yêu cầu cung cấp sổ sách, chứng từ kế toán chứng minh nguồn gốc hàng hóa trong kho. Thời điểm này, trong kho hàng của DNTN Phú Lợi có hơn 1.600 tấn sắn (mì) lát của Doanh nghiệp Huy Phương gửi từ tháng 1.2014. Sau đó, chủ Doanh nghiệp Huy Phương đề nghị DNTN Phú Lợi cho nhận lại số hàng nói trên, đồng thời khiếu nại với Cục THADS Bình Định để chứng minh lô hàng bị kê biên là của mình.
Ngày 4.11.2014, Cục THADS Bình Định trả lời do chưa ban hành quyết định cưỡng chế kê biên số sắn lát nói trên nên không có cơ sở giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, khi Doanh nghiệp Huy Phương cho xe đến kho chở sắn đi giao hàng thì ông Chánh đã cho tạm giữ và niêm phong số sắn lát trong kho. Khi niêm phong, ông Chánh không kiểm tra khối lượng, chất lượng lô hàng, việc bàn giao cho tổ bảo vệ chỉ trao đổi miệng chứ không lập biên bản…
DNTN Phú Lợi có văn bản xác nhận lô hàng trên là của Doanh nghiệp Huy Phương gửi nhưng ông Chánh vẫn không chấp nhận giải phóng lô hàng vì cho rằng hai doanh nghiệp này câu kết để tẩu tán tài sản.
Doanh nghiệp Huy Phương kiện lên TAND TP.Pleiku (Gia Lai) yêu cầu công nhận quyền sở hữu tài sản với lô hàng trên, nên Cục THADS Bình Định ra quyết định tạm hoãn thi hành án.
Tháng 6.2015, TAND TP.Pleiku phán quyết công nhận lô hàng sắn lát trên thuộc sở hữu của Doanh nghiệp Huy Phương. Bản án này có hiệu lực pháp luật từ ngày 22.12.2015 nhưng mãi đến tháng 3.2016, ông Chánh mới ra quyết định trả lại tài sản tạm giữ cho Doanh nghiệp Huy Phương và thu hồi toàn bộ quyết định cưỡng chế kê biên. Cho rằng số sắn lát bị tạm giữ trong kho lâu ngày bị giảm cả về chất lượng và số lượng nên Doanh nghiệp Huy Phương không đồng ý nhận lại.
Theo chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án, ông Chánh làm các thủ tục và tổ chức bán đấu giá lô hàng được hơn 3,5 tỉ đồng. Sau khi trừ các chi phí, Cục THADS Bình Định chuyển khoảng hơn 2,49 tỉ đồng cho Doanh nghiệp Huy Phương. Theo định giá của cơ quan có chức năng, lô hàng của Doanh nghiệp Huy Phương tại thời điểm bị tạm giữ có giá trị hơn 8,156 tỉ đồng.
Cáo trạng xác định việc ông Chánh mặc nhiên công nhận số sắn lát của Doanh nghiệp Huy Phương là của DNTN Phú Lợi và không tiến hành xem xét tài liệu do đương sự cung cấp là vi phạm Luật thi hành án dân sự. Hành vi thiếu trách nhiệm của ông Chánh trực tiếp dẫn đến số sắn lát bị giam giữ lâu ngày sụt giảm cả về số lượng lẫn chất lượng, gây thiệt hại cho Doanh nghiệp Huy Phương hơn 5,6 tỉ đồng.
Nhiều vi phạm trong tổ chức thi hành án
Cáo trạng cũng xác định việc ông Chánh tổ chức cưỡng chế kê biên nhà xưởng, nhà làm việc của DNTN Phú Lợi vào ngày 21.8.2015 nhưng lại thiếu trách nhiệm trong việc xác minh sổ sách kế toán, không mở nhà kho, xưởng sản xuất (bên trong chứa gần 26.000 tấn sắn lát và hơn 33 tấn hạt ươi là tài sản không thuộc diện kê biên) mà niêm phong ngay cổng ra vào, không thực hiện theo đúng kế hoạch tổ chức kê biên đã được ban hành trước đó, không xác minh đầy đủ tài khoản của DNTN Phú Lợi cũng như tài khoản của vợ chồng ông Lê Viết Chín (chủ DNTN Phú Lợi) tại các ngân hàng… là sai quy định của Luật thi hành án dân sự.
Hành vi thiếu trách nhiệm này dẫn đến việc ông Chánh không biết bên trong nhà xưởng của DNTN Phú Lợi tại Khu công nghiệp Long Mỹ đang chứa số lượng lớn sắn lát và hạt ươi không thuộc diện bị kê biên.
Sau khi có kháng nghị của VKSND Tối cao, Cục THADS Bình Định ra thông báo tạm hoãn thi hành án và đến tháng 10.2015 mới tổ chức giao lại tài sản bị kê biên và không thuộc diện kê biên nhưng bị niêm phong cho DNTN Phú Lợi.
Hành vi thiếu trách nhiệm của ông Chánh khiến DNTN Phú Lợi bị thiệt hại hơn 49,4 tỉ đồng do không thực hiện được các hợp đồng giao hàng với đối tác và bị đối tác hủy hợp đồng…
Khiển trách kiểm sát viên kiểm sát việc thi hành bản án
Tháng 3.2019, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định đã có quyết định thi hành kỷ luật đối với kiểm sát viên Trần Ngọc Lệ với hình thức khiển trách. Ông Lệ được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định giao nhiệm vụ kiểm sát việc thi hành bản án ngày 29.9.2014 của TAND tỉnh Bình Định về việc buộc DNTN Phú Lợi có nghĩa vụ trả cho Công ty TNHH Thanh Phát số tiền hơn 19,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, ông Lệ chỉ đọc và nghiên cứu các quyết định của Cục THADS ban hành, không nghiên cứu các tài liệu xác minh, thu thập trong quá trình thi hành án của chấp hành viên khi thi hành án cho nên không phát hiện những sai phạm của ông Nguyễn Văn Chánh.
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định cũng xác định lãnh đạo Cục THADS tỉnh Bình Định đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn đốc khi ông Nguyễn Văn Chánh tổ chức thi hành bản án nói trên. Tuy nhiên, việc thiếu trách nhiệm này không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại của Doanh nghiệp Huy Phương và DNTN Phú Lợi nên cơ quan điều tra kiến nghị xử lý khắc phục vi phạm. |
Bình luận (0)