Ceyda đang chơi Disney Infinity với bạn bè.
Ceyda là một bé gái 9 tuổi mắc phải chứng bệnh bại não.
Trong khi bạn bè của Ceyda vui chơi với những hoạt động thể chất thì em chỉ có thể ngồi bên ngoài ngắm nhìn. Ceyda luôn muốn chơi game, nhưng do tình trạng thể chất của em thì điều đó khó có thể thành sự thật.
Và SpecialEffect xuất hiện – một tổ chức từ thiện của Anh chuyên về việc thu hẹp khoảng cách giữa trò chơi điện tử và người khuyết tật. Họ đã chế tạo một cần điều khiển dành riêng cho Ceyda có thể sử dụng thoải mái, vị trí các nút bấm được bố trí để thay thế cho các nút trên tay cầm console, giúp Ceyda có thể chơi game lần đầu tiên sau những tháng ngày mong ước.
Giờ đây, Ceyda có thể chơi Disney Infinity, với nụ cười nở rộng trên gương mặt, em vừa hạ gục kẻ xấu, vừa tương tác với bạn bè của mình. Lời nói đầu tiên của Ceyda sau khi chơi game là: “Cháu đã trở thành game thủ rồi”.
“Mục tiêu của chúng tôi là mang lại niềm vui, sự hòa nhập để tạo nên sự khác biệt lớn đến chất lượng cuộc sống của những người khuyết tật”, Mark Saville, nhân viên hỗ trợ thông tin liên lạc tại SpecialEffect cho biết. “Ý nghĩa của từ ‘game thủ’ đã thay đổi rất nhiều trong mười năm qua. Giờ đây nó đã trở nên cực kỳ thông dụng và được dùng để đại diện cho một nhóm người”.
Ceyda không phải là người duy nhất được SpecialEffect giúp đỡ. Ajay, một nhà phân tích hỗ trợ IT 35 tuổi và là một game thủ có khát khao mãnh liệt. Mắc phải chứng bệnh di truyền nên anh bị teo cơ bắp cột sống khiến cử động bị suy giảm nặng nề. Khi 17 tuổi, anh đã mất khả năng sử dụng tay cầm console. Sự nghiệp game thủ của anh tưởng chừng như chấm dứt.
SpecialEffect đã tạo ra một tay cầm điểu khiển bằng cằm, hệ thống điều khiển bằng giọng nói cho Ajay sử dụng, mang lại cho anh đam mê đã đánh mất trong những năm qua. “Đây là một thứ gì đó khiến tôi mong đợi mỗi khi đi làm về”, Ajay giải thích, “Khi tôi về nhà hay vào những ngày cuối tuần, không có gì nhiều để làm nên tôi thường hay chán nản. Tôi chỉ biết xem TV và nghe nhạc. Đối với tôi, game có thể giúp tôi thoát khỏi thực tại. Bạn có thể rời xa khỏi những vấn đề một lúc khi chơi game”.
Ajay, một nhà phân tích hỗ trợ IT 35 tuổi và là một game thủ có khát khao mãnh liệt.
“Nhiều tổ chức từ thiện xem game là một việc không đáng để ưu tiên. Đây thật là một mô hình kinh doanh điên rồ”, Mark Saville phát biểu.
Tổ chức này cũng đã phát triển một giải pháp dành cho cậu bé 6 tuổi Elliott – một fan hâm mộ Xbox. “Điều này giúp Elliott có cảm giác giống bao người khác”, mẹ cậu bé cho biết, “Elliott có tính cạnh tranh cao và việc chơi game giúp nó có vị trí tương đương với những người chơi khác”. Nhờ vào SpecialEffect, Elliott có thể chơi phối hợp chung với chị mình.
Đối với những người như Ceyda, Ajay và Elliott, game mang ý nghĩa lớn lao đối với họ. Game là một phương tiện giúp họ thoát khỏi sự buồn chán và những khó khăn của cuột sống hằng ngày, giúp họ có thể cạnh tranh và giao tiếp với người khác. Dường như khi tất cả mọi thứ bị mất đi, game lại mang một ý nghĩa sâu sắc hơn, về việc có thể cảm nhận được sự kỳ diệu. Và tác động tích cực của game lên đời sống của họ rất lớn.
Tại sự kiện Eurogamer Expo năm nay, giám đốc điều hành Mick Donegan và các tình nguyện viên đã demo rất nhiều công nghệ của họ và gây rất nhiều ấn tượng. “Phần lớn công việc chúng tôi làm đều do những gì mọi người muốn chơi”, Saville nói. “Ví dụ, một game thủ mắc bệnh teo cơ sau một thời gian cảm thấy rằng bàn tay và ngón tay của mình không đủ sức để điều khiển một tay cầm bình thường nữa, thì chúng tôi sẽ hỏi rằng anh ta muốn chơi trò gì, và dành thời gian nghiên cứu những gì có thể khai thác được trong khả năng thể chất của anh ta. Có thể là một vài chuyển động nhỏ của ngón tay, giọng nói, cử động chân hoặc đầu, thậm chí cả cử động mắt”.
“Sau đó chúng tôi sẽ kết hợp, thay đổi những gì có sẵn để tạo ra một thiết bị chơi game phù hợp với khả năng của anh ta, và anh ấy có thể điều khiển được bất cứ tựa game nào mình muốn chơi”.
Chi phí dành cho những công nghệ ấn tượng này là một con số rất lớn, nhưng SpecialEffect đã trao tặng miễn phí dành cho những người khuyết tật. Họ có thể làm được những điều này đều nhờ sức mạnh của lòng nhân ái.
“Nhiều tổ chức từ thiện xem game là một việc không đáng để ưu tiên”, Saville cho biết, “Đây là một hình thức kinh doanh điên rồ. Nhưng chúng tôi không tính phí bất kỳ sự trợ giúp nào cả, điều này chỉ tạo thêm rào cản. Chúng tôi không bán hàng. Chúng tôi thuê những chuyên gia, dành thời gian làm việc với họ. Vì vậy, sự tồn tại của chúng tôi đều nhờ vào sự rộng lượng tuyệt vời của những con người và các công ty, những người thường nói: ‘Vâng, chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ mục đích của anh, chúng tôi có thể giúp anh như thế nào?’”.
Họ cũng là tổ chức từ thiện cho sự kiện GameBlast, cuộc thi từ thiện marathon chơi game cuối tuần lớn nhất Anh, đây là một sự kiện thường niên dành cho game thủ tự tổ chức đã được các công ty tài trợ. Điều này đã gây quỹ khá nhiều cho SpecialEffect, giúp họ có thể làm tốt công việc của mình.
Trong tương lai chuyện gì sẽ xảy ra với một trong số rất ít những tổ chức từ thiện thực sự hiểu được lợi ích từ việc chơi game? Nhưng Saville lại không muốn mọi chuyện thay đổi. “Nhu cầu đang tăng cao và nhóm chúng tôi đang làm việc cật lực để theo kịp. Chúng tôi cũng có những buổi trò chuyện qua điện thoại với các nhà phát triển muốn khám phá làm cách nào để tựa game của mình dễ tiếp cận hơn”.
Nhờ vào các tổ chức từ thiện, những câu chuyện cảm động lòng người được tạo ra. Họ cho đi mà không cần trả lại. Cậu bé Conor 11 tuổi có thể trò chuyện với gia đình thông qua máy PlayStation 3. Cậu bé Tom đã có thể hạ gục anh trai mình trong trò FIFA sau nhiều năm ở kèo dưới. Và còn Becky, cô bé đã tạo ra những sinh vật kỳ diệu trong Spore. Những câu chuyện trên đều không thể thành sự thật nếu không có sự giúp đỡ của SpecialEffect.
Những nụ cười thật tươi nhờ vào SpecialEffect.
Bình luận (0)