Vừa qua, không ít cá nhân đã livestream tố giác một số nghệ sĩ có hành vi ăn chặn, không minh bạch trong chuyện làm từ thiện.
Bộ Công an đang đề nghị một số địa phương báo cáo về hoạt động từ thiện của một số nghệ sĩ trong năm 2020 |
FBNV |
Hiện Bộ Công an đã chỉ đạo một số địa phương xác minh, làm rõ một số hoạt động từ thiện trong năm 2020.
Điển hình, từ tháng 6.2021, bà Nguyễn Phương Hằng (50 tuổi, Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam ở Bình Dương) bắt đầu livestream gọi tên danh hài Hoài Linh vẫn đang “ôm” 14 tỉ đồng do nhà hảo tâm quyên góp cứu trợ miền Trung từ tháng 10.2020. Sau đó Hoài Linh phải đứng ra xin lỗi và lý giải vì sao chậm trễ “giải ngân” 14 tỉ đồng.
Tiếp đến, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị bà Nguyễn Phương Hằng “réo tên”, rằng ca sĩ này đã kêu gọi “96 tỉ đồng từ thiện” chứ không phải 1,8 tỉ đồng như công bố.
Hay ngày 26.8, bà Nguyễn Phương Hằng yêu cầu vợ chồng Thủy Tiên – Công Vinh sao kê tài khoản, bởi bà cho rằng Thủy Tiên đã nhận quyên góp hơn 320 tỉ đồng, chứ không phải 178 tỉ đồng, trong đợt Thủy Tiên kêu gọi ủng hộ bão lũ miền Trung hồi tháng 10.2020; Trấn Thành cũng bị bà Nguyễn Phương Hằng nhắc, rằng Trấn Thành kêu gọi từ thiện được 9,6 tỉ đồng hay hơn 120 tỉ đồng.
Sau một loạt lùm xùm trên, những cá nhân mà bà Nguyễn Phương Hằng đề cập đều gửi đơn tố cáo bà Hằng lên cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ hành vi vu khống, bôi nhọ, xúc phạm danh dự người khác của bà Hằng. Và hiện sự việc đang được Công an TP.HCM thụ lý.
Tiếp nhận đơn tố cáo Thủy Tiên, Bộ Công an phối hợp 7 tỉnh miền Trung khẩn trương làm rõ |
Có thể bị xem xét xử lý hình sự
Theo các chuyên gia pháp luật, tố giác tội phạm là quyền của công dân. Nhưng nếu tố giác sai, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị tố giác thì người tố giác phải chịu trách nhiệm.
Cụ thể, luật sư (LS) Ngô Huỳnh Phương Thảo (Đoàn LS TP.HCM) cho hay theo Điều 34 bộ luật Dân sự 2015: “danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”, vì vậy cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan thẩm quyền khác (công an,…) bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, đồng thời xử lý người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín đến cá nhân, tổ chức.
Theo LS Thảo, song song với tố cáo đề nghị cơ quan chức năng xử lý người có hành vi vi phạm, người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể yêu cầu người có hành vi vu khống bồi thường thiệt hại. “Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định”, LS Thảo nêu.
Ngoài ra, nguyên thẩm phán TAND tối cao Phạm Công Hùng cho biết người nào bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội vu khống.
“Mỗi cá nhân đều có quyền phát ngôn, đều có quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, nếu lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì có thể bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331 bộ luật Hình sự 2015.
Trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự, thì theo LS Thảo, người tố giác sai sự thật, có thể bị xử phạt hành chính từ 10 – 20 triệu đồng theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020 của Chính phủ, về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
Bình luận (0)