Suốt ba năm cấp ba, riết thời gian ở trường còn nhiều hơn thời gian nó ở nhà. Nó đến bên chiếc bàn nơi gian bếp, chưa kịp mở miệng thì dì Tiếng đã hỏi:
- A! Hôm nay ngoài sân hết cỏ hay sao mà vô đây rồi?
Nó cười, bởi dì hay đùa với nó như vậy, nên nó cũng chẳng thấy lạ.
- Cho con một tô hủ tiếu "đặc biệt", nhiều giá, cho thêm nhiều nhiều hành phi, tóp mỡ.
- Khỏi nói mày, 3 năm có một màu làm tới.
Nó cười khì khì…
Ba năm, à chỉ mới có hai năm hai tháng, mà chắc đến cuối năm cũng chỉ có "một màu" trung thành với tô hủ tiếu đặc biết ấy. Dì bán ở căng tin trường cấp ba xã này hông biết bao lâu, nhưng từ ngày nó vô trường này, không biết có đứa học trò nào như nó!?
- Chắc sau này muốn ăn hủ tiếu đặc biệt, con phải về trường để ăn hủ tiếu thương hiệu "Dì Tiếng" mới có, chứ ở ngoài chắc người ta xách chổi… hihi - Nó vừa ngợi ca vừa e dè cây chổi trên tay dì.
Trong lớp nó cũng chỉ là một đứa bình thường không có gì nổi bật. Cuộc sống của nó bắt đầu đảo lộn khi bà mất. Mà lạ, nó chưa hề nghe ai nhắc tới ba má nó, tuổi thơ vất vưởng khiến nó cũng không mảy may hỏi han làm gì. Má nó mất hay bỏ đi từ hồi nẫm hồi nâm, nó không biết và cũng không ai kể cho nó biết, còn ba nó là ai - mãi mãi là câu hỏi không có lời giải đáp. Kể từ bà mất, nó chẳng biết nó là ai, thuộc về nơi nào (vì bà nắm giữ bí mật hết cuộc đời nó rồi!), nó chẳng còn ai để ê a tâm sự, chẳng còn ai chờ nó mỗi khi nó đi học về, hay nó lang thang đi chơi chỗ này chốn nọ cũng không ai kiếm, không ai la nó nữa!
Sau đận đó, nó được mợ nhận nuôi. Mà mợ là mợ lẽ nào? Nó cũng không rõ tông tích. Chỉ biết người đàn bà đó gọi nó bằng "con đen" và tự xưng mợ. Đi học, mỗi lần nhà trường yêu cầu photocopy hộ khẩu để miễn giảm học phí thì nó xin khất, lần lựa ngày này qua tháng nọ. Vì lẽ, mợ nó chẳng khi nào chìa ra sổ hộ khẩu, để nó xem có tên nó trong đó không? Cậu nó càng mù tịt vì thua bài sấp xiểng niểng với mợ, không dám hó hé đằng hắng tiếng mất tiếng để. Thành ra, mọi việc mợ cáng đáng, vung tay thấy trời. Nó lầm lũi học học hành hành, mợ cho ăn gì ăn nấy. Có khi vừa học nó phải đi lượm ve chai bán lấy tiền ăn vặt, lớn chút thì phụ quán này quán kia bán cà phê để có tiền mua dụng cụ đi học. Tiền học phí và các khoản đóng khác, giáo viên chủ nhiệm và bạn bè thấy gia cảnh vậy đều góp tiền để đóng thay. Có lần, giáo viên chủ nhiệm lớp 10, kêu nó nộp hộ khẩu hoài để làm thủ tục miễn giảm, còn đòi mời phụ huynh. Nó trình bày không rành không rẽ, vì không ai nghĩ cuộc đời nó ngoắt nghéo ngoằn ngoèo như vậy.
***
Thấy hoàn cảnh vậy, một cậu khác ở tuốt đồng sâu nhận nó về nuôi, mà hộ khẩu vẫn còn dính cựa nhà mợ. Nghe nói, để mợ nó lãnh tiền chi chi đó, hàng tháng. Bỏ tên nó ra là mất khoản tiền đấy. Nó chẳng mảy may để tâm, chỉ ráng học lấy cái chữ. Học hành sa sút hẳn từ ngày trổ giò trổ cẳng, từ một học sinh giỏi 9 năm liền, vậy mà giờ, nó xém ở mức trung bình, chỉ có niềm đam mê vẽ là không suy suyển. Nó vẽ bất chấp thời gian. Những buổi trưa ở lại trường, sau khi ăn hủ tiếu, nó thủ thỉ với cô trông coi thư viện. Thế là, nó đọc sách thoải mái. Đọc đã, lôi giấy bút ra vẽ theo tưởng tượng cảnh phố xá, đồng quê, các nhân vật trong quyển sách vừa đọc. Ai cũng thừa nhận nó có năng khiếu, vẽ đẹp, có mắt thẩm mỹ pha tô màu sắc. Niềm đam mê này giúp nó bấu víu cuộc đời chăng!? Nó từng đoạt giải nhất cuộc thi vẽ "Ngôi trường mơ ước" trong chuỗi hoạt động phong trào chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, năm đó nó còn e dè là học sinh đầu cấp. Mấy đồ dùng dạy học của giáo viên trong trường, các thầy cô cũng thường "đặt hàng" nó vẽ sơ đồ, tranh ảnh. Vậy mà, trong những bức vẽ nguệch ngoạc khi cảm thấy căng thẳng, buồn chán, chưa bao giờ nó dám vẽ một bức tranh về gia đình.
Ở nhà cậu, (vợ cậu đã mất trong cơn bạo bệnh trước khi nó được cậu thương lượng mang về), học cùng lớp với con cậu, có chị có em cũng an ủi phần nào. Nhưng quần áo, đầu tóc khi đi học thì một trời một vực. Con của cậu làm dáng làm điệu chăm chút bản thân, có nước hoa, quần áo mới, đi xe đạp điện đến trường. Phần nó, quần áo cũ thâm nhàu, lâu lâu cậu mới sắm cho một bộ hoặc xin của nhà hàng xóm. Nó cũng không cần thiết nghĩ nhiều, có quần áo mặc là được. Đến trường bằng xe đạp cọc cạch của cậu mua lại xe cũ, nó thấy cũng vui vui. Nó chỉ tự dặn lòng phải ráng học dù bất cứ giá nào. Chỉ có con đường học mới mong có sự thay đổi.
- Ráng mà học, sau này không ai lo cho đâu - Dì Tiếng hay bảo nó vậy.
- Con cũng biết vậy, con cũng ráng lắm, nhưng… - Mỗi lần động chạm đến nỗi đau thẳm sâu này là nước mắt nó bỗng dưng muốn ứa.
Vô trường, ngoài đám bạn ở lớp, nó còn thêm nguời bạn đặc biệt là dì. Nó hay tâm sự với dì. Dì thương nó như con cháu trong nhà và nó cũng quý dì lắm. Dì cứ hay la nó chỉ mỗi cái tội bỏ ăn trưa.
- Ê! Không ăn thì đi chỗ khác nha, xỉu rồi đừng có kêu tao!!!
Lúc đầu cảm thấy bị nói nặng, mà nó cũng có hơi mít ướt. Nhưng nó hiểu, tại dì sợ nó đói nên nói vậy. Riết rồi quen với những lời nói đùa hơi quá đó.
- Ăn hủ tiếu riết con thành sợi hủ tiếu luôn á!
- Vậy thì ăn cơm?
- Ở nhà ăn mỗi bữa.
- Vậy mày muốn ăn gì mày?
Dì nói lớn, gương mặt "sát thủ" của dì kèm theo con dao sắc thái thịt trên tay khiến nó gờn gợn, chỉ biết lủi thủi lên thư viện không nói một lời.
Ấy vậy mà suốt ba năm trời nó vẫn cứ hủ tiếu nước, hủ tiếu khô, hủ tiếu mì, hủ tiếu bánh canh…
- Khổ thiệt á dì, có một nỗi khổ là người ăn hoài không mập, như con nè, còn người không ăn cứ lên cân đều đều.
- Vậy mày nhịn đói cho chết, đừng kêu tao! - Dì lại ca bài ca bất hủ gần ba năm trời.
- Sao này con ra trường, không ai cho dì nói nữa đâu.
Hoàn cảnh của nó cũng giống như dì nên dì hiểu và đồng cảm với nó. Học đến lớp sáu trường làng, bỏ học ngang, đi làm công nhật. Ai thuê gì làm đó, chẳng nệ mưa gió. Hết người thuê đồng áng thì nhảy lên làm lục lộ, hoặc gánh nước mướn. Có khi đi giăng lưới, tước lá mía, lá ngô. Hông thì ngồi đừ mặt ở chợ bán cóc ổi, mía ghim.
Nghĩ vậy, nó thấy mình may mắn hơn nhiều, được đi học và được ăn hủ tiếu vầy nè, dì. Nên nó càng thương dì nhiều hơn.
- Ê, sau này mày học đại học, tiền đâu mà học?
- Con tự lo con… tại sao nhiều người khó khăn hơn mình họ làm được mà con thì không? - Nó chẳng cần phải suy nghĩ lâu, lời lẽ thốt nhanh như điện.
Cứ nghĩ đến "đại học" là nó cảm thấy có thêm động lực để theo đuổi ước mơ trở thành nhà thiết kế của mình, một ước mơ được ấp ủ từ khi còn bé. Nó hay nghĩ thầm: "Sống đừng nên lúc nào cũng nhìn lên mà hãy thử nhìn xuống, nhìn xuống nữa, thậm chí nhìn ở phía sau mình có nhiều người còn khó khăn, nghèo khổ hơn mình mà sao họ vẫn sống tốt, họ vẫn thành công. Còn mình vậy là may mắn hơn cả trăm người rồi, sao phải bi quan?". Mỗi lần nghĩ là mỗi lần thôi thúc nó bước tiếp, như người đi trên sa mạc, đã quyết đi thì phải chấp nhận bỏng chân và dò đường đến đích, dù đoạn đường đó biết chắc không được bằng phẳng và đầy xương rồng.
- Con có ước mơ thật mệt, nghèo mà mơ cao quá! - Dì hay thở dài ngao ngán cho nó.
- Mơ không tốn tiền, mất mát gì đâu mà không dám, mình đã vậy thì ráng học, để sau này có nghề nghiệp với người ta mà dì - nó hay nhoẻn miệng cười cười khi tự biện minh cho mình.
***
Đồng loạt các báo giật tít "'Gói' Sài Gòn trên xích lô, cô gái mồ côi thắng giải trị giá gần 200 triệu đồng" tại cuộc thi "Việt Nam - Nơi tôi sống 2019" mùa thứ tư do Học viện Thiết kế và thời trang London ở Hà Nội tổ chức. Nó gói ghém những thứ thuộc về biểu tượng của Sài Gòn như Nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, Bưu điện Thành phố, tòa nhà Bitexco, gánh hàng rong, Thảo cầm viên, cầu Thị Nghè, sạp báo... trên một chiếc xích lô trong bức vẽ. Sài Gòn lê la - tên tác phẩm nó đem dự thi, khi làm người Sài Gòn chỉ mới 9 tháng chứ mấy - được ban tổ chức đánh giá "… với tông màu trắng đen chủ đạo vẫn không làm mất đi vẻ lộng lẫy xa hoa mà trái lại mang một vẻ đẹp bí ẩn; vẻ đẹp cổ kính đi từ những giá trị bình dị đến hiện đại. Tác phẩm thay lời mời gọi bạn bè trong nước và quốc tế đến với những con đường, góc phố, với cà phê đá, khám phá từng nét đẹp rất riêng mang đậm chất Sài Gòn xưa và nay…". Nó ứa nước mắt mấy mươi lần trong ngày được triển lãm tranh và nhận giải.
Trở về nhà, nó thấy sao nhà cậu quá trời người đến, đem đủ thứ quà bánh, trái cây, nước yến, sữa hộp, nói để tẩm bổ cho nó vẽ đẹp hơn, đạt giải cao hơn. Rồi hỏi, tiền giải thưởng được nhiêu, nhận tiền tươi hay chuyển khoản, tiền đó con tính sao. Rồi kể, vai vế, bà con gần bà con xa, nó phải gọi bằng gì, hồi xưa thân với bà nó ra sao, cho bà nó những thứ gì, giúp đỡ nhà bà nó, cậu nó ra sao... Nó đâu trả lời gì, chỉ gật gật chào thưa mọi người, rồi cười cười. Vậy đó, mà lòng nó chen lẫn nỗi buồn khôn tả. Làm sao và bằng cách nào để ước mơ thành hiện thực là được theo học tại Học viện Thiết kế và thời trang khi bản thân không có gì lận lưng!? Khoản tiền thưởng đạt được là toàn bộ chi phí nó sẽ được chi trả khi tham gia học 3 năm tại Hà Nội, chứ ban tổ chức không phát tiền mặt. Nếu nó không theo học thì chịu mất trắng toàn bộ. Chuyện này, trong số bà con đến nhà cậu đang nhận họ hàng này nọ, chắc không mấy ai được biết và hiểu.
Đằng trước rôm rả, xôm tụ, nó lấy cớ ra sau nhà rửa mặt rồi băng đồng vừa đi vừa chạy một mạch tới nhà dì Tiếng.
- Chèn ơi! Người nổi tiếng về rồi đó hen!?
- Trời, dì đừng giễu con mà. Con đang mệt lắm. Dì có hủ tiếu đặc biệt không? Dì nấu cho con một tô! Hi hi…
- Mồ tổ mày! Ngồi đó đi… có liền… có liền.
Thể lệ
Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng
Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.
Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.
Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.
Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).
Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.
Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.
Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.
Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.
Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: [email protected] hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)