Silk Talk (Trò chuyện về lụa) thuộc khuôn khổ chương trình Hành trình kết nối di sản - A Journey Connecting Heritages nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Ý.
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Ý Dương Hải Hưng khẳng định Việt Nam có nghề dệt lụa truyền thống kéo dài nhiều thế kỷ. Đây là dịp để người châu Âu nói chung và người Ý nói riêng biết thêm về nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên độc đáo này.
Đại sứ Dương Hải Hưng kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để tơ tằm Việt cùng các sản phẩm đi kèm gia nhập thị trường Ý và châu Âu. Ngoài giá trị về văn hóa, tơ tằm còn mang lại giá trị kinh tế cho hai nước.
Ông Huỳnh Tấn Phước - Chủ tịch Vietnam Silk House, đơn vị tạo ra nguyên liệu vải tơ tằm và nhiều sản phẩm đính kèm khác như trà, sirô, mỹ phẩm dưỡng da, thực phẩm chức năng, rượu… cho rằng mở rộng thị trường lụa tơ tằm Việt đến Ý và châu Âu qua lần trình diễn bộ sưu tập của nhà thiết kế Minh Hạnh tại Ý lần này là dịp để nguồn nguyên liệu dồi dào tại Bảo Lộc, Lâm Đồng gia nhập một trong những thị trường thời trang nổi danh nhất toàn cầu.
Ông Phước mong qua lần này giới truyền thông, doanh nghiệp thời trang Ý sẽ quan tâm hơn sản phẩm tơ tằm Việt, từ đó có sự kết nối văn hóa, thương mại và du lịch giữa Ý và Việt Nam.
Cô Nguyễn Kim Chi đang làm luận án tiến sĩ nghiên cứu về dâu tằm tơ thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã hướng dẫn tường tận người Ý quy trình tạo ra lụa từ tằm, lá dâu, kén… cũng như các sản phẩm từ tơ tằm Việt.
Ông Leonardo Tosti, Phó chủ tịch Liên đoàn thời trang Rome cho biết: "Tôi có nhiều người thân làm trong ngành thời trang và lụa là chất liệu mọi người luôn hướng đến. Điều quan trọng là làm sao đưa nguồn cung ứng nguyên liệu độc đáo này đến với nước Ý. Tôi tin qua bàn tay và khối óc của những nhà thời trang, nhà thiết kế Ý thì lụa Việt sẽ được nâng tầm qua những thương hiệu lừng danh của Ý".
Bà Eifviede Schallmeiner hiện là nhà cung ứng sản phẩm thương hiệu thời trang Fendi toàn cầu, chủ nhiều cửa hàng Fendi ở Ý và nhiều nơi trên thế giới nhận định: "Tôi rất quan tâm đến chất liệu vải truyền thống Việt Nam, đặc biệt là lụa. Vải lụa tơ tằm 100% từ thiên nhiên của Việt Nam rất đẹp và độc đáo. Điều quan trọng là sản phẩm thời trang hiện nay cần tập trung cho giới trẻ hơn nữa và lụa cũng là một trong những chất liệu cần hướng đến. Tôi cho rằng phụ nữ Ý rất thích những mẫu kimono may bằng chất liệu lụa tơ tằm như của Vietnam Silk House. Tôi chưa bao giờ thấy được quy trình sản xuất tơ từ tằm cũng như các sản phẩm kèm theo như các bạn vừa trình bày. Tôi tin thị trường Ý sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho tơ lụa Việt vì các nhà thiết kế Ý rất thích nguồn nguyên liệu này của Việt Nam".
Chủ tịch Hiệp hội thời trang Ý Massimo Bertoni nhận định: "Tôi biết nhiều hãng sản xuất quần áo ở Ý nhập vải 100% cotton từ Việt Nam để may áo sơ mi. Tôi nghĩ nguồn cung ứng tơ lụa sang thị trường Ý là cực kỳ quan trọng vì sản xuất công nghiệp không thể đứt gãy nguồn cung giữa chừng".
Chương trình Silk Talk mang đến người Ý một thông điệp: nguồn nguyên liệu truyền thống Việt đang sẵn sàng đón nhận những nhà thời trang hàng đầu của Ý để biến tơ lụa một ngày nào đó sẽ xuất hiện trong các bộ sưu tập của những thương hiệu thời trang lừng danh thế giới của nước Ý.
Bình luận (0)