Tô phở, ổ bánh mì và chén cơm nguội

18/01/2020 08:00 GMT+7

Sài Gòn bây giờ vắng bóng những chiếc xích lô và xe lam, tuy nhiên những quán phở không hề mất đi mà ngày càng rộng khắp và hiện đại hơn.

Mỗi lần về Sài Gòn, đi ngang qua đường Nguyễn Thái Học, tôi luôn nhớ về kỷ niệm ngày xưa với lần đầu tiên được thưởng thức món phở.
Thuở ấy, từ quê ngoại – miền sông nước An Giang đến với quê nội – Sài Gòn mất cả ngày trời. Không những thế, từ bến xe Miền Tây đến nhà nội tôi ở quận 4 phải qua hai chặng đường: đi xe lam từ bến xe đến đường Nguyễn Thái Học, rồi từ đó đi xích lô hay xe lam về nhà nội. Lần ấy, hai cha con tôi xuống xe lam thì trời đã xế chiều, lại đổ mưa. Thấy vậy, ba dắt tôi vào một quán phở. Khi ấy, ba chỉ gọi một tô cho tôi và ba thì gặm ổ bánh mì mua ở góc đường. Tôi hỏi tại sao ba không ăn phở. Ba cười trả lời “Ba no rồi!”.
Tâm hồn trẻ thơ của tôi lúc ấy bị cuốn hút vào mùi vị quyến rũ của tô phở trước mặt nên để ngoài tai những lời ba vừa nói. Tôi thưởng thức tô phở đầu tiên trong đời với cảm giác tuyệt vời và sung sướng bởi vì ở quê phở đâu mà ăn: mùi nước lèo thơm một cách lạ lẫm so với tô canh rau, bánh phở dai dai chạm vào đầu lưỡi thật thú vị. Tô phở bốc khói nghi ngút, thơm lừng thịt bò tái, tiêu xay, thoáng nhẹ mùi gừng, giá, hành ngò. Điểm vào những hương vị và sắc màu ấy là tương ớt đỏ, tương ớt xanh.

Tô phở bốc khói nghi ngút, thơm lừng thịt bò tái, tiêu xay, thoáng nhẹ mùi gừng, giá, hành ngò

Ảnh: Ngọc Dương

Một hợp âm tuyệt tác của âm nhạc với những cung bậc khác nhau hòa quyện vào món phở. Vừa ăn, tôi được ba kể cho nghe những câu chuyện liên quan đến phở. Theo ông: bản thân món ăn này có nhiều cách lí giải khác nhau nhưng dù thế nào cũng là một phong cách ẩm thực Việt. Bí quyết của nó nằm ở hai khâu, một là bánh phở làm bằng bột gạo xay, tráng như bánh đa và thái thành từng sợi to, hai là nước phở nấu từ xương bò. Còn hành, thịt, trứng không quyết định vị phở nhưng cũng không thể thiếu.
Nhiều người thưởng thức phở với các khẩu vị khác nhau: tái nạm, tái gầu, tái viên … Không chỉ là như vậy, ông còn lân la qua chuyện văn chương: nào là Nguyễn Tuân trong một chuyến đi tham gia hội nghị ở thủ đô Helsinki, Phần Lan đã nhớ đến món ăn quê hương, đặc biệt là phở và “thấy cần phải trở về với món quà cổ điển rất tính chất dân tộc của ta, tức là phở ‘’, với Thạch Lam thì “ Ăn xong bát thứ nhất, lại muốn ăn luôn bát thứ hai. Và anh hàng phở chả phải gánh nặng đi đâu cả, chỉ việc đỗ một chỗ nhất định, cũng đủ bán một ngày hai gánh như chơi ‘’. Vừa được ăn món ngon vừa được nghe kể chuyện thật là thích!

Khi thưởng thức món phở, tôi luôn nhớ đến một buổi chiều mưa Sài Gòn hơn ba mươi năm về trước khi mà tôi đã có được một bài học về lòng nhân ái...

Ảnh: Ngọc Dương

Có thể nói, tôi thưởng thức tô phở đầu tiên trong đời với cả năm giác quan: thị giác để chiêm ngưỡng, xúc giác để đánh giá cảm quan, khứu giác để thưởng thức mùi hương, thính giác để lắng nghe cái hay và vị giác để cảm nhận trực tiếp. Sau khi no bụng, hai cha con lên xích lô về nhà nội. Tôi ngủ ngon lành sau một ngày đường vất vả. Đến nửa đêm, chợt giậc mình thức giấc vì nghe tiếng động và không thấy ba nằm bên cạnh, tôi lọ mọ xuống bếp và trong ánh sáng mờ ảo của bóng đèn tròn, tôi thấy ba tay đang cầm chén cơm nguội ăn ngon lành. Bất chợt, tôi thấy mình cay mắt! Hồi chiều này ba đã nói dối là no rồi để nhường tô phở cho tôi. Trong khoảng khắc ấy, tô phở, ổ bánh mì và chén cơm nguội cứ đan xen vào nhau khiến tôi trằn trọc mãi. Ba tôi là người Sài Gòn, ông đến miền cù lao Chợ Mới – An Giang và gặp mẹ tôi ở đó.
Khúc giao duyên miền sông nước đã tạo dựng nên một gia đình ấm áp trong cái khó khăn của cuộc sống đời thường. Những năm tháng trong thời bao cấp thật vất vả, ba mẹ phải làm đủ mọi việc chính đáng bên cạnh đồng lương khiêm tốn của giáo viên để nuôi dưỡng anh em tôi. Những chuyến về quê nội – Sài Gòn trong thời gian đó quả thật là tốn kém. Có nhiều khi, hai ba năm mới về một lần, thường là dịp Tết. Mỗi lần như thế là một niềm vui sướng và hãnh diện. khi trở lại nhà, cứ tung tăng khắp xóm mà kể chuyện Sài Gòn: nào là chợ Bến Thành, Dinh Độc Lập, Thảo Cầm Viên … và lần này chắc là thêm phở - món ăn với những giây phút lắng đọng trong tâm hồn với lòng biết ơn .
Giờ đây, tôi không còn là một chú nhóc nữa và mái tóc của ba tôi cũng đã bạc dần theo năm tháng nhưng kí ức mỗi lần về quê nội không bao giờ phai mờ, đặc biệt là lần đầu tiên được thưởng thức hương vị phở. Trong cuộc đời mỗi con người, khi nói đến một món ăn là người ta nhớ đến một kỷ niệm. Với riêng mình, khi thưởng thức món phở, tôi luôn nhớ đến một buổi chiều mưa Sài Gòn hơn ba mươi năm về trước khi mà tôi đã có được một bài học về lòng nhân ái, yêu thương con người từ ba.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.