Cậu bé bốn tuổi mặc trên người bộ đồ bảo hộ lòa xòa, vừa đi vừa nhìn về con hẻm nơi nhà mình bị phong tỏa. Mặt cậu nhóc mếu máo, đôi mắt hoảng sợ nhìn tôi và đồng đội bên cạnh.
“Mẹ... Mẹ đâu?”. Giọng nói ngây thơ, run rẩy phát ra, kèm theo bộ đồ khiến cậu bé y hệt chú chim cánh cụt đang di chuyển làm tim tôi rụng rời.
“Mẹ ra liền. Con ngoan, đội mũ lên, đeo kính cho cô xịt khử trùng được không?”. Giọng tôi nhỏ nhẹ hết mức để dụ dỗ cậu bé. Cậu nhóc đi được vài bước thì ngã lăn ra đất. Bộ đồ bảo hộ không vừa với kích cỡ của cậu bé khiến việc di chuyển trở nên càng khó khăn.
Sự tận tụy của hàng chục ngàn tình nguyện viên góp phần chiến thắng Covid-19 |
ĐỘC LẬP |
“Mẹ... Mẹ đâu rồi?”. Có lẽ ngã quá đau hoặc do quá sợ hãi trước ánh nhìn của những người lạ, cậu bé khóc toáng lên.
Tôi đỡ tay lên trán, căng hết da đầu, tìm cách dỗ dành cậu bé: “Con ngoan, nghe cô, đừng khóc, cô đâu làm gì con đâu”.
Cậu bé ngồi luôn dưới nền đất, khóc đến đỏ gay mặt mũi, miệng liên tục gọi mẹ.
Tôi nhìn mà xót xa. Dịch bệnh khiến nhiều gia đình xa nhau, mỗi người một khu cách ly mà lòng bồn chồn lo lắng cho người thân của mình. Tội nhất là những đứa trẻ còn chưa có ký ức đã bị đem đi cách ly, xa vòng tay của cả cha lẫn mẹ.
Tôi lục trong túi lấy ra 3 viên kẹo, chìa tay ra cho cậu bé thấy, dịu dàng dỗ dành: “Con nín đi, cô cho con kẹo, được không?”.
Cậu nhóc không thèm nhìn kẹo, cứ khóc đến khàn cả giọng…
Tình nguyện viên trẻ |
ĐỘC LẬP |
Đột nhiên, bạn tình nguyện viên bên cạnh vừa hát vừa nhảy múa xoay mông khiến cậu bé nhìn mà im bặt lại: “Một con vịt xòe ra hai cái cánh, nó kêu rằng…”.
Tôi nhìn rồi phì cười, nhóc con 4 tuổi trước mặt cũng nhìn không chớp mắt. Cậu bé chắc đang nghĩ: ông chú này điên rồi chăng?
“Bây giờ đeo kính lên cho chú xịt khử khuẩn nè”. Sau khi múa may quay cuồng một hồi, bạn tình nguyện viên nhẹ nhàng nói với cậu bé.
Điều đáng mừng là cậu bé đã ngoan ngoãn đeo kính lên, đứng dậy cho chúng tôi xịt khử khuẩn. Cậu bé cũng rất nghe lời mà trèo lên xe dưới sự hướng dẫn của các tình nguyện viên.
Tự tin vượt qua Covid-19 |
ĐỘC LẬP |
Tôi xoay lưng thấy một cô gái đang loay hoay với tay lấy chiếc quai đeo vai của bình xịt khử khuẩn lưu động. Tôi vọt nhanh lại đó, giúp cô ấy đeo lên.
“Cảm ơn chị nhé!”. Cô gái nở nụ cười với tôi sau lớp khẩu trang dày, đôi mắt ánh lên niềm vui. Tôi chỉnh lại thiết bị, nói: “Tướng nhỏ mà có võ ghê ta, cả 30 kg đấy”.
Cô ấy trả lời tôi bằng một câu nói nhẹ tênh nhưng khiến tôi mãi sau này vẫn còn nhớ rõ: “Không nặng ạ! Tổ quốc gọi thì em góp sức, bảo vệ mọi người khỏe mạnh mới là chuyện lớn”.
Tôi đơ ra mất vài giây rồi khâm phục giơ ngón tay cái lên, sau đó vỗ vai cô bé cổ vũ: “Cô gái nhỏ cố lên!”.
Cô ấy gật đầu, lật đật chạy vào con hẻm, vẫy tay chào tôi, miệng la to: “Việt Nam cố lên!”.
Hình ảnh đẹp mùa dịch |
ĐỘC LẬP |
Lòng tôi phấn khởi, nhìn bóng lưng dù mang vác nặng nhưng vẫn tích cực, gặp mọi người thì cười nhẹ một tiếng. Ý chí chiến đấu càng tăng cao.
Xoay đầu, thấy trước khi cửa xe đóng lại, cậu nhóc vừa nãy mít ướt không thèm viên kẹo của tôi đang bóc vỏ kẹo, đưa viên kẹo ngọt ngào vào miệng.
Ngày thứ 37 tôi làm tình nguyện viên tuyến đầu trong chiến dịch phòng chống Covid-19…
Bầu trời đêm trở nên hiu hắt không một bóng người, chỉ có những chiếc xe chở bệnh nhân vẫn còn ra ra vào vào không ngớt. Đoàn tình nguyện viên của chúng tôi ngồi bệt bên vệ đường, người thì dựa cột điện, người thì nằm vật ra lề đường. Không biết từ bao giờ đã trở thành những đứa “bụi đời” chính hiệu không ngại bẩn mà ăn nằm trên nền đất.
Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 |
ĐỘC LẬP |
“Hạnh đang xem gì đó? Đừng có nói là bị người yêu bỏ như thằng Khoa đoàn bên kia nhé…”. Minh ngồi dựa vào cột điện, dù đã uể oải sau một ngày dài, vẫn pha trò chọc cô nhóc.
“Em xem số ca nhiễm ạ!”. Lườm một cái sắc lẹm về phía Minh, Hạnh nhẹ nhàng đáp.
“Giảm rồi nhỉ?”. Mẫn hân hoan hỏi. Chúng tôi ai cũng mong cơn đại dịch này sớm qua đi vì đã chứng kiến quá nhiều cảnh tượng đau thương, mất mát. Dù số ca chỉ giảm một ít nhưng vẫn vui mừng như điên, tự hào mình đã góp được chút sức nhỏ cho quê hương.
Hạnh không trả lời vội, tôi nhìn thấy rõ ánh sáng màn hình lướt liên tục không ngừng phản chiếu trong đôi mắt cô bé. Sau đó, nó ấp úng trả lời: “Trên… trên mười nghìn ca”.
Không gian trở nên im lặng đến đáng sợ. Con số khủng khiến chúng tôi như đang đứng trên vực sâu không thấy đáy rồi phải chơi vơi ngã xuống một cách cam chịu. Tia hy vọng tắt ngúm.
Tôi cúi mặt, mắt mơ hồ nhìn không thấy rõ mặt đường nữa. Giọt nước mặn chát nhỏ tí tách xuống. Vài giọt len lỏi vào lớp khẩu trang, khiến hơi thở càng trở nên ngột ngạt.
Cứu chữa bệnh nhân Covid-19 là sứ mệnh thiêng liêng của đội ngũ y tế |
ĐỘC LẬP |
Tôi rõ lòng đứa nào cũng buồn não nề, sự bất lực bởi số ca tăng nhanh đến chóng mặt mà mình thì chỉ có thể trơ mắt nhìn. Hơn hết, chúng tôi là người nhìn thấy có nhiều người đã tử vong mà không có gia đình bên cạnh. Lâu lâu còn thấy khu cách ly của mấy đứa nhỏ dù không có cha mẹ mà vẫn ngoan ngoãn nghe lời. Thấy cả những hộ gia đình vì không có tiền mà nhường phần cơm cho nhau…
Chợt, tôi ngẩng đầu nhìn những bạn trẻ tuổi đôi mươi quanh mình. Dù mệt mỏi đến đâu, sự nhiệt huyết của các em luôn sáng rực như sao trời. Tôi làm chị cả, vì thế mà càng phải vững vàng cùng các em băng qua những con đường cách ly đầy gian nan này.
“Mấy đứa có mệt không?”. Tôi nhìn kĩ từng đứa, tụi nó cũng ngẩng đầu lên nhìn tôi, nước mắt vẫn đang tuôn ra, hô to: “Không ạ!”.
Tôi lại hỏi: “Mấy đứa có muốn dừng lại chiến dịch này, bỏ mặc tất cả chỉ vì thấy bất lực không?”. Tất cả đều lắc đầu, lấy tay gạt bỏ đi những giọt nước mắt yếu đuối.
“Đồng lòng góp sức. Rồi đại dịch sẽ qua!”. Tôi chìa đôi tay ra, nói to rõ khẩu hiệu.
Cả nhóm lồm cồm nhích lại, chìa tay ra để lên bàn tay tôi, hô lớn: “Đồng lòng góp sức. Rồi đại dịch sẽ qua! Yeah!”.
Reng… reng…
Tôi mở điện thoại lên, thông tin của một hộ cần đưa đi cách ly hiện ra. Tôi hít vào không khí sương đêm, hít đến căng lồng ngực.
“Đi thôi! Tổ quốc lại gọi chúng ta rồi!”.
Tôi lắc lắc điện thoại, đứng dậy phủi bụi trên người. Tất cả nhanh chóng leo lên xe, cấp tốc đến hỗ trợ người dân.
Xe chạy một đoạn thì tôi thấy một hàng xe tải thức ăn từ miền Trung được chở vào tiếp tế cho khu cách ly. Dòng chữ dán trên xe khiến tôi xúc động muốn khóc: “TÌNH NGƯỜI MIỀN TRUNG HƯỚNG VỀ MIỀN NAM RUỘT THỊT!”.
Tổ quốc chúng ta thấm đẫm tình người. Sự chi viện, tiếp sức không ngại phong ba khi nơi nào có khó khăn luôn được đặt lên hàng đầu. Miền Nam ruột thịt quyết thắng nhé!
Đồng lòng góp sức. Rồi đại dịch sẽ qua!
Bình luận (0)