Tổ quốc nơi đầu sóng

03/06/2014 10:07 GMT+7

Trước thời sự nóng hiện nay về việc Trung Quốc đặt giàn khoan 981 gần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đọc lại tập sách ảnh Tổ quốc nơi đầu sóng do NXB Kim Đồng ấn hành vào tháng 12.2013, lòng càng dậy lên tình yêu biển đảo Việt Nam.

 

Đây là sáng kiến của những người làm sách, tuy nói là “dành cho các em nhỏ” nhưng xem xong, người lớn càng thấy mình hiểu biết hơn về biển đảo và chủ quyền biển đảo. Lại càng mong muốn sớm xua đuổi cho được cái giàn khoan ấy ra khỏi bờ cõi nước nhà.

Từ các chuyến công tác của hơn 60 tác giả là nhà báo, nhà văn, nhà khoa học... trong và ngoài nước, sách tập hợp hàng trăm bức ảnh sinh động, chân thật về lịch sử, thiên nhiên, cuộc sống của đồng bào và chiến sĩ ta trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Xen trong đó là hình ảnh và tư liệu lịch sử khẳng định chủ quyền của cha ông ta đối với hai quần đảo này.

Ngay ở chương đầu, Biển trời của ta, trước trang ảnh toàn cảnh bản đồ Việt Nam gồm đất liền và biển đảo kèm hằng chục ảnh đảo, là chú thích: “Nước Việt Nam là một quốc gia ven biển với bờ biển dài hơn 3.260 km và diện tích mặt biển trên 1 triệu km2 với khoảng 3.000 đảo lớn nhỏ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Tiếp đó, ngoài hàng loạt ảnh màu đẹp mê hồn về nhiều hòn đảo, cồn cát, bãi ngầm, rạn san hô ở khu bảo tồn biển đảo Nam Yết, là hình ảnh về các tư liệu cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là bản đồ Việt Nam trong cuốn Từ điển La tinh - Việt Nam của giám mục Jean Louis Taberb xuất bản năm 1838 vẽ một phần của “Paracel hay Cát Vàng” - đảo Hoàng Sa ngày nay. Hoặc tấm ảnh chụp bản đồ vùng biển Đông Nam Á do nhà địa lý Hà Lan Jodocus Hondius vẽ và ghi chú bằng chữ La tinh vào năm 1606 chỉ rõ vùng quần đảo Paracel (Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay) thuộc xứ Cauchin (Việt Nam). Rồi tới Đại Nam nhất thống toàn đồ năm 1840 của nhà Nguyễn có vẽ rõ ràng Hoàng Sa chử (bãi Cát Vàng) và Vạn lý Trường Sa. Ở đây còn có hình đội tàu chiến của Việt Nam đúc trên đỉnh đồng ở kinh thành Huế, được đưa vào bộ sách giáo khoa Hán - Nôm in năm 1853.

Các chương kế tiếp, Đây Trường Sa kia Hoàng Sa, Khởi nguồn sự sống, Theo cha xuống biển, Những cư dân nhí, Chúng tôi đứng đây, Sức sống giữa trùng khơi... như chính tên gọi ấy, là những câu chuyện bằng hình ảnh xao động lòng người. Nhìn từ trên không, ta như không muốn rời mắt trước toàn cảnh các cụm đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa đang trải mình dưới nắng. Có một tấm ảnh chụp bản đồ cổ, Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ (thời vua Lê Hy Tông, năm 1686) vẽ và ghi chép chuyện người Việt khi đó đã ra khai thác Hoàng Sa. Một ảnh bản đồ khác chú dẫn, Hoàng Sa là nơi vào năm 1816 vua Gia Long đã chính thức đặt chủ quyền cho đất Việt. Còn có 2 tấm ảnh trắng đen gợi nhiều suy nghĩ: ảnh bia chủ quyền đặt trên đảo khắc dòng chữ “Cộng hòa Pháp, Vương quốc An Nam, Quần đảo Hoàng Sa 1816 - Đảo Pattle 1938” và tấm ảnh mô tả khu hành chính trên đảo Hoàng Sa thời Việt Nam Cộng hòa.

Phía quần đảo Trường Sa, là những câu chuyện bằng ảnh sống động về tiềm năng kinh tế, về cuộc sống của người dân và chiến sĩ giữ đảo đang diễn ra hằng ngày trên các đảo nổi và đảo chìm. Có một tấm ảnh chụp cảnh hai cha con người lính biển ngồi bên nhau với chú thích: “Hè này các bác, các chú sẽ đưa con về đất liền để học tiếp lên lớp 6 đấy nhé. Con lớn quá rồi!”. 

Khép lại tập sách là chương Làm giàu từ biển với ghi chú: “Biển Đông là tuyến đường hàng hải chiến lược chuyên chở khoảng 50% sản lượng dầu thô và các sản phẩm của toàn cầu. Các cụm dịch vụ - kinh tế - kỹ thuật và giàn khoan dầu khí đang khai thác hiệu quả nguồn lợi của thềm lục địa phía Nam”. Xung quanh là những tấm ảnh màu kể các câu chuyện khác nhau: chuyện một đoàn tàu đánh cá của Việt Nam với khoảng 25.000 chiếc công suất lớn hoạt động thường xuyên trên biển Đông; chuyện nuôi cá lồng bè trên đảo Đá Tây để bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chuyện lập khu bảo tồn đa dạng sinh học biển ở cụm đảo Nam Yết; ảnh giàn khoan DK1 thế hệ mới; ảnh mỏ Bạch Hổ - mỏ dầu lớn nhất hiện nay của Việt Nam; ảnh âu tàu và đơn vị dịch vụ hậu cần nghề cá nhân dân ở đảo Song Tử Tây…

Huỳnh Kim

>> Tổ quốc nơi đầu sóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.