Đoàn quân giải phóng vào Hà Nội. Sau đó, đơn vị phân tán, chia nhau đi chiếm giữ các cơ sở, làm nhiệm vụ canh gác, giữ gìn trật tự thủ đô. Tiểu đội nữ theo chi đội trưởng Lâm Kính đến doanh trại Bảo An Binh (40 Hàng Bài, Hà Nội). Bà Lê Minh Cầm nhớ lại: "Trong khi các anh đóng quân ở đây, nữ chúng tôi thỉnh thoảng cũng được phép ra phố. Các anh dặn: "Phải đề cao cảnh giác! Đề phòng bọn thân Nhật, thân Pháp ám sát". Thực ra, toàn đơn vị đã được giáo dục trước rồi, nay các anh chỉ dặn lại thôi. "Đi thành tiểu tổ. Phải mang vũ khí. Không được vào nhà dân". Chúng tôi nhất nhất tuân theo".
Tô Thúy Hải là đội viên trẻ nhất, năm ấy vừa tròn 18 tuổi. Quê ở xã Tây Lương, H.Tiền Hải, Thái Bình, nơi khởi nguồn tiếng trống Xô Viết 1930, từ nhỏ cô theo gia đình sống ở Bắc Kạn, nơi cha làm công chức bưu điện. Khi Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), được cán bộ địa phương tới giải thích, không cộng tác làm việc với chính quyền phát xít Nhật, ông đã đem cả gia đình vào khu giải phóng. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông làm Trưởng phòng Bưu điện Chợ Chu (Thái Nguyên) đến khi qua đời.
Lúc này, tất cả chị em trong tiểu đội chưa bao giờ sống ở đô thị, nay đi ra phố, ai nấy đều ngơ ngơ ngác ngác. Bà con Hà Nội thấy nữ du kích từ chiến khu về nay ra phố đều nhìn chăm chú. Thấy nữ du kích chiến khu dừng lại đứng nhìn vào tủ kính hàng tạp hóa, một chị đến bên nói:
- Các chị thích cái gì, bà con tôi biếu không đấy!
Chưa ai kịp trả lời thì lại có những bà cụ ăn mặc sang trọng, đon đả mời vào nhà:
- Nói đi! Thích cái gì chúng tôi sẵn sàng ủng hộ!
Tận mắt thấy nhiều hàng vải đẹp, nhung the, nhẫn vàng, vòng bạc, hoa tai, nhưng tất cả chị em đều lắc đầu, từ chối một cách khéo léo. Một bà lên tiếng động viên:
- Các ông chỉ huy không cho lấy phải không? Cứ lấy đi! Thích cái gì cứ lấy đi mà! Chúng tôi sẵn lòng ủng hộ mà. Chúng tôi không báo bộ chỉ huy các chị đâu mà!
Nói tiếng Kinh còn chưa sõi, Lê Minh Cầm bấm chị em rút lui ngay. Nhớ lại kỷ niệm ngày đầu về thủ đô, bà Cầm giãi bày: "Thật tình, trông cũng thích nhưng không dám lấy. Mua thì không có tiền. Chị em giữ đúng lời hứa: Không lấy cái kim sợi chỉ của dân". Chính vì thế, đồng bào rất mến phục chị em nữ du kích chiến khu. Chị em đến đâu cũng được nhân dân thủ đô nhìn bằng đôi mắt đầy thiện cảm.
Còn bản thân bà Tô Thúy Hải năm 14 tuổi phải thôi học ở nhà giúp đỡ mẹ làm công việc nội trợ gia đình. Cha được đổi lên phòng Bưu điện H.Chợ Rã, thuộc khu giải phóng đã là điều kiện thuận lợi để bà đến với cách mạng. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông Tùng Lâm (về sau công tác ở Công an Khu Việt Bắc) đã tuyên truyền giao công tác để thử thách. Hoàn thành nhiệm vụ sau nhiều lần được phân công, tháng 4.1945 bà Tô Thúy Hải xin thoát ly gia đình theo Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do ông Lê Quảng Ba (sau là thiếu tướng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương) phụ trách. Về chiến đấu ở Thái Nguyên (16.8.1945), bà được chuyển sang chi đội của ông Đàm Quang Trung (sau là thượng tướng, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước).
"Khi về Hà Nội, tôi về công tác ở đội tự vệ một thời gian ngắn, sau đó chuyển ra ngoại thành", bà Tô Thúy Hải viết trong sơ yếu lý lịch của mình. Đội tự vệ nội thành do ông Lê Trung Toản (sau làm Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước - nay là Bộ KH-ĐT) phụ trách. Một thời gian sau, bà ra công tác huấn luyện tự vệ ngoại thành. Thèm được học nghề nên bà Tô Thúy Hải đã xin thôi công tác về đi học văn hóa. Nhờ có trình độ văn hóa, bà về công tác ở Ban Chính trị trung đoàn 48 (trung đoàn Thăng Long - sư đoàn 320). Hòa bình lập lại ở miền Bắc, bà Tô Thúy Hải công tác ở ngành ngân hàng, từ Ngân hàng Trung ương, Ngân hàng TP.Hà Nội, Ngân hàng Q.Ba Đình và nghỉ hưu ở Ngân hàng Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội). (còn tiếp)
"Hình ảnh nữ giải phóng quân mới ở chiến khu về ấy đến nay tôi vẫn còn nhớ như in. Trông chị nào cũng rắn rỏi, khỏe, trẻ, tươi rói. Với tư thế sẵn sàng chiến đấu, súng trên tay, đạn lên nòng, toàn đơn vị chúng tôi ẩn nấp theo tường dọc phố hai bên đường tiến từ cầu Đuống về đến phố Gia Lâm. Đồng bào ngắm giải phóng quân mãi không chán", bà Lê Minh Cầm kể lại (1971).
Bình luận (0)