Tổ trác ẩm thực hải ngoại

11/02/2016 05:07 GMT+7

Đi du lịch bất kỳ nơi đâu, trong nước hoặc nước ngoài, bên cạnh việc thưởng lãm phong cảnh, vui chơi giải trí, mua sắm... còn một chuyện cực kỳ thú vị nữa, đó là ẩm thực. 'Tiết mục' này coi vậy chứ cũng lắm chuyện bi hài.

Đi du lịch bất kỳ nơi đâu, trong nước hoặc nước ngoài, bên cạnh việc thưởng lãm phong cảnh, vui chơi giải trí, mua sắm... còn một chuyện cực kỳ thú vị nữa, đó là ẩm thực. 'Tiết mục' này coi vậy chứ cũng lắm chuyện bi hài.

Món khai vị Ấn Độ ở Sydney, ÚcMón khai vị Ấn Độ ở Sydney, Úc
Phở Cali
Đó là lần đầu tiên tôi đến nước Mỹ và nghe nói món phở xứ này rất ấn tượng. Thoạt tiên tôi nghĩ phở ở đâu chắc cũng vậy, nếu do người Việt nấu thì công thức cũng như nhau thôi, đâu có gì lạ. Những tiệm phở nổi tiếng ở Sài Gòn tôi đã từng ghé qua. Phở Hà Nội cũng vậy, tuy không ăn thường xuyên nhưng nức tiếng như phở Bát Đàn cũng đã xơi rồi. Nói tóm lại, tôi thích món phở, tuần nào cũng ăn. Qua bên Mỹ, dứt khoát phải ăn phở. Đến Las Vegas (bang Nevada) và Little Saigon (California) lại chui vào tiệm phở để coi nó ngon cỡ nào.
Đó là một tiệm phở của Việt kiều ở khu Little Saigon. Đoàn nhà báo chúng tôi đến ăn sáng. Tôi kêu một tô thập cẩm, nhờ vậy mới biết món phở bên này có cả lá sách bò (dân nhậu thường gọi “khăn lông”). Khi chủ quán bưng phở ra, nhìn thấy muốn xỉu, vì cái tô to bằng... cái chậu. Phải gọi là “chậu phở” mới đúng. Cố banh bụng ra để ăn, nhưng chỉ hết nửa tô đã no cành hông. Ngồi thở một lúc lấy lại bình tĩnh, anh bạn đồng nghiệp ngồi chung bàn gợi ý mỗi đứa làm một chén bò viên cho biết thế nào, xem có ngon như ở Việt Nam không. Tôi đồng tình, kêu hai chén bò viên. Lúc sau, người phục vụ bưng hai chén bò viên ra. Cả hai đứa tụi tui muốn ngất vì chén bò viên bên này to bằng cái tô nhỏ xứ mình. Chưa hết, mỗi chén chỉ có hai cục bò viên thôi, mà viên nào cũng to bằng cái trứng ngỗng. Hai đứa nhìn nhau... ân hận, cố lắm cũng chỉ xơi đúng một viên. Hình như ở nước Mỹ cái gì cũng bự. Nói tóm lại phở Cali ngon, nhưng kinh nghiệm cho biết chỉ nên ăn tô nhỏ thôi (nếu tiệm đó có bán tô nhỏ) và hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi kêu thêm chén bò viên.
Cháo lòng Paris
Nhân chuyến đi công tác ở Ý, tôi ghé qua Paris nước Pháp ở lại 3 ngày. Cháu Quỳnh Anh, ái nữ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, hồi đó đang du học ở Paris chuyên ngành xuất bản sách, tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch cho tôi. Tối nọ, hai chú cháu rủ nhau đi ăn khuya ở quận 13. Quận này đa số là người châu Á, trong đó bà con Việt kiều định cư khá đông. Hàng quán bán cũng đủ thứ món, nhìn vào thực đơn tôi rất phấn khích vì ngoài cơm, phở, bún, bánh cuốn, chả giò..., còn có cả cháo lòng. Tôi hỏi Quỳnh Anh: “Cháo lòng bên này có gì đặc biệt không con?”. Quỳnh Anh thực lòng nói dù ở Paris nhiều năm rồi nhưng chưa thưởng thức món ấy bao giờ. Cơn đói cộng với chút tò mò về món cháo lòng thủ đô nước Pháp, chúng tôi quyết định kêu hai tô. Khi chủ quán bưng hai tô cháo lòng ra, hai chú cháu nhìn nhau “á khẩu” vì tô nào cũng to bằng... cái thau rửa mặt, “khủng” hơn “chậu phở” bên Mỹ, có thể nhảy vào “bơi” được. Cố hết sức nhưng tôi chỉ ăn được nửa tô là dội ngược, cháu Quỳnh Anh cũng rứa. Vì sao ư? Vì tô cháo lòng ấy có 50% cháo và 50% lòng.
Ở Việt Nam, phở lúc nào cũng đắt hơn cháo lòng, nhưng Paris thì ngược lại. Một tô phở ở Paris giá 10 euro, trong khi cháo lòng 11 euro (khoảng 260.000 đồng/tô). Hỏi vì sao cháo lòng lại mắc hơn phở? Chủ quán giải thích đó là do công làm sạch bộ đồ lòng của heo, rất cực, do đó giá cao hơn các món khác. Lúc tính tiền xong, tôi nói với Quỳnh Anh nếu biết trước tô cháo lòng to vật vã như vậy, hai chú cháu chỉ cần kêu một tô thôi, rồi xin một cái tô không chia ra ăn chung. Tính là tính vậy, chứ chưa chắc hai người chúng tôi xơi hết một tô cháo lòng Paris “khủng”.
Tổ trác ẩm thực hải ngoại 2
Món Ấn ở Sydney
Ở nước ngoài, một bữa trưa hoặc tối thường bao gồm 3 món: khai vị, món chính và tráng miệng. Nếu không biết trước, rất dễ ân hận và trường hợp của tôi là một ví dụ. Chuyện xảy ra ở Sydney, nước Úc. Số là sau một ngày tham quan, đoàn nhà báo Đông Nam Á về lại Sydney hơi trễ, gần 21 giờ mới bắt đầu ăn bữa tối tại một nhà hàng Ấn Độ. Đây là lần đầu tôi thưởng thức món Ấn. Người ta dọn ra bàn đủ thứ món bánh nướng, bánh kẹp, rau - củ - quả ngâm giấm (tựa như kim chi Hàn Quốc) và nhiều loại nước chấm khá lạ, trông rất “hoành tráng”. Đang cơn đói bụng, tôi và anh bạn đồng nghiệp người Singapore ngồi đối diện ăn tới tấp những món nhà hàng dọn ra, “chiến đấu” không ngơi... miệng. Sau khi no nê, chúng tôi ngồi thưởng thức ly rượu vang chờ lên xe về lại khách sạn nghỉ ngơi, đi cả ngày mệt lắm rồi. Lát sau, nhà hàng tiếp tục mang lên vô số món nữa, trong đó có nhiều loại thịt nướng xiên que. Tôi ngơ ngác như con nai vàng và hỏi ra được biết bây giờ mới là món chính, những thứ lỡ “chất” đầy bao tử chỉ là... khai vị. Trời đất ơi, làm sao ăn được nữa, no mất tiêu rồi còn gì!
Tổ trác ẩm thực hải ngoại 3Khay ớt trong toilet ở Nhật Bản - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
Câu chuyện trái ớt ở Nagasaki
Do thói quen, ăn cơm mà thiếu ớt sẽ mất ngon, do đó khi ra nước ngoài, bất kỳ đi đâu, tôi cũng mang theo một bịch ớt tươi. Ngay cả dùng bữa trên máy bay cũng phải có trái ớt.
Tối hôm đó ở Nagasaki, chúng tôi đến dùng bữa tại một nhà hàng Nhật. Tôi từ từ rút bịch ớt tươi màu đỏ ra, chia cho đồng nghiệp mỗi người một trái. Vì người Nhật không có thói quen ăn cay như người Hàn Quốc, nên mang theo ớt là hợp lý, chứ chắc gì nhà hàng Nhật Bản có món này. Trong lúc đánh chén, tôi đưa ớt lên miệng cắn ngon lành, tạo thêm vị giác cho bữa ăn. Thấy tôi ăn ớt, mấy cô tiếp viên người Nhật cười tủm tỉm một cách thân thiện. Âu cũng là văn hóa của xứ Phù Tang. Gần tàn bữa tối, một đồng nghiệp báo cho tôi biết tin động trời: trong toilet của nhà hàng có chùm ớt đỏ giống y chang bịch ớt tôi mang theo. Nghĩ chiến hữu đùa cho vui. Nhưng không, tôi lập tức vào toilet để “xác minh” thì quả đúng là có chùm ớt đỏ được đặt “trang trọng” trên một cái khay giữa... hai bồn tiểu nam. Trời ạ, không phải chuyện đùa.
Đó là lần đầu tiên trong đời và đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu người ta đặt ớt trong toilet để làm gì. Khử mùi ư? Không phải. Đuổi tà ma? Lại càng không phải. Bó tay, âu cũng là một kỷ niệm vui.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.