Tính đến nay, cụ Sanh đã làm tổ trưởng tổ dân phố (nay là tổ 37, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1) được... 46 năm. Cụ gần gũi, gắn bó nên được người dân trong tổ kính trọng, thương mến.
Nửa thế kỷ làm tổ trưởng
Ngày 2.5.1975, sau thống nhất đất nước hai ngày, cụ Đặng Thị Sanh được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ dân phố ở Q.1. Khi ấy chính quyền mới tiếp quản, khó khăn đủ thứ nên ai cũng hăng hái cống hiến. Cụ Sanh cũng vậy, hết lòng đùm bọc hàng xóm láng giềng từ miếng ăn, chỗ ở dù khi ấy cụ và hai đứa con cũng đang... ở đậu trong trường tiểu học.
Tuy cuộc sống vất vả nhưng cụ Sanh rất năng nổ. Cuối những năm 1980, cụ vận động thành lập đội dưỡng sinh dành cho người cao tuổi. 5 giờ sáng mỗi ngày, các thành viên trong tổ tập trung ở sân Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1) tập dưỡng sinh theo hướng dẫn của cụ Sanh phát trên máy cassette. Cụ Sanh kể: “Vài tháng sau khi thành lập đội dưỡng sinh đã có hàng trăm thành viên tham gia nên phải chia ra tập ở nhiều điểm khác nhau trong phường”.
|
Cũng có lẽ vì duy trì lối sống lành mạnh như thế nên dù đã 92 tuổi cụ Sanh vẫn minh mẫn. Các công việc của tổ trưởng dân phố như thu thuế nhà đất, thu thập danh sách bầu cử, nắm số lượng hộ nghèo, phát gạo, tiền hỗ trợ... đều được cụ ghi rõ ràng vào một cuốn sổ riêng. Sắp tới ngày tiếp xúc cử tri, tổ chức bầu cử cụ còn bấm chuông từng nhà lấy danh sách người tham gia bầu cử.
Trong lúc đến từng nhà, cụ lại tranh thủ hỏi han xem nhà ai thiếu cái tủ, cần cái thau hay tủ chén, biết nơi nào sắp thanh lý cụ lại mua rẻ hoặc xin. “Tôi già rồi, có xin được hay mua xong cũng không mang về được nên cứ nhờ người gom vào một nơi rồi ai cần gì họ tới lấy. Nhà thì hai ba cái bàn nhỏ cho mấy đứa trẻ con ngồi học, nhà thì cái kệ để đồ. Với người nghèo, đó là món quà quý nhất”, cụ Sanh bộc bạch.
Trước đây cụ ở tập thể, khi khu tập thể giải tỏa, chính quyền đưa mỗi người một số tiền, cộng thêm vay mượn cụ mua được căn nhà hơn 20 m2 hiện tại để ở với người con trai út (con trai thứ hai về Vĩnh Long lấy vợ sinh con). Từ ngày dọn về nhà mới tới nay gần 10 năm, cụ Sanh chưa từng sắm sửa một món đồ gì. Từ cái giường cho tới chén cơm, cái ly đều là đồ cũ. “Người dân trong tổ họ không dùng, bỏ đi thì cho tôi. Tiền để dành được dành giúp cho người khó khăn hơn mình”, cụ Sanh nói.
|
Chuyện gì cũng gọi... cụ Sanh
Thường ngày, ngoài lúc làm công tác của tổ dân phố, cụ Sanh sống bằng nghề bán đồ chơi ở cổng trường mầm non đầu hẻm 122 (đường Trần Đình Xu, Q.1). Hồi trước Tết 2021, trong lúc bán hàng, cụ Sanh bị lấy trộm chiếc ví có hơn 4 triệu đồng. Dù đây là tài sản lớn nhất của mình nhưng khi đã lấy lại bình tĩnh, cụ nghĩ lại “lỡ mất rồi thì thôi”. Không muốn ai bị tội vì việc của mình nên cụ nói với công an là mình không muốn tìm thủ phạm nữa.
Điều ngạc nhiên là mấy hôm sau có một người đàn bà ăn mặc lam lũ tìm tới. "Chị ấy không ngồi mà quỳ xuống mé giường lạy tôi rồi đặt lên giường 4 triệu đồng nói, em của chị ấy đã lấy, mong tôi tha thứ", cụ Sanh nhớ lại. Lúc đó cụ Sanh ân cần đỡ người đàn bà lên: "Tôi đã nói với công an là tôi bị mất chứ không ai lấy. Chị cứ cầm tiền về. Tôi không nhận". Tuy nhiên, người phụ nữ vẫn trả lại tiền.
Trong khi đó, công an khu vực đã kiểm tra camera rồi lần ra hình ảnh người lấy và biển số xe. Cụ Sanh lật đật tới công an nộp đơn bãi nại cho người thanh niên bị bắt. Quay về, cụ Sanh thay quần áo sạch sẽ tới nhà thờ: “Tôi xin Chúa tha thứ cho hành động của cậu thanh niên. Mong cậu ấy nhận ra sai sót và thức tỉnh để trở thành người tốt”.
Là hàng xóm cận kề, bà Nguyễn Thị Kim Phương được cụ Sanh rất mực thương mến. Trước đây, nhà bà Phương cũng khá nhưng từ khi mẹ chồng mất, ba chồng tai biến, chồng bà Phương phát bệnh tiểu đường sức khỏe suy kiệt, con trai đang làm kỹ sư bên Nhật bị tai nạn lao động phải đưa về Việt Nam chạy chữa nên kinh tế gia đình kiệt quệ.
Biết chuyện, cụ Sanh tìm mọi cách giúp đỡ, khi thì vài thứ đồ ăn, khi thì những món đồ sinh hoạt lặt vặt. Cụ chép miệng: “Có vài miếng bí đỏ nhỏ như ngón tay, hai trái trứng mà cả nhà gần chục miệng ăn lại toàn người bệnh đau cần tẩm bổ. Thương lắm”.
Bà Phương cho hay khi mẹ chồng bà mất, gia đình toàn người bệnh đau, một tay cụ Sanh lo giấy tờ khai tử, thủ tục và vận động giúp đỡ không khác gì người thân trong gia đình. Không chỉ với công việc nhà bà Phương mà với mọi người trong tổ cụ Sanh đều nhiệt tình: từ ma chay, hiếu hỷ tới việc mừng thọ cho người già, xin học bổng cho mấy cháu học sinh nghèo.
Vì thế, mọi người trong tổ dân phố và cả các tổ lân cận đều kính trọng yêu mến cụ như trưởng bối trong gia đình.
Tôi hỏi: “Cụ tính làm tổ trưởng dân phố tới khi nào?”, cụ bảo cụ đã xin nghỉ nhiều năm rồi nhưng “tôi nghỉ rồi thì công việc trong tổ ai làm, phong trào dưỡng sinh ai thay thế. Lúc khó, lúc đau, những nhà nghèo trong xóm sẽ gọi ai”.
Bởi vậy, khi người con thứ hai ở Vĩnh Long kêu mẹ về quê dưỡng già, cụ cứ lần lữa mãi. Hôm rồi, có người tặng chiếc điện thoại thông minh, cụ mang ra tiệm nhờ cài lời bài hát Tự nguyện (Trương Quốc Khánh) làm nhạc chuông. Tôi lấy số điện thoại của cụ rồi gọi thử. Giọng hát ngọt ngào từ chiếc điện thoại cất lên, lời ca cũng như tâm nguyện của cụ Sanh:
“Là chim tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm; Là hoa tôi nở tình yêu ban sớm... Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương”...
Mời bạn đọc gửi bài tham gia cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức
|
Bình luận (0)