Tòa án chỉ ‘hỗ trợ’ thu thập chứng cứ, người dân có bị thiệt hại?

27/04/2024 11:36 GMT+7

Theo Viện KSND, nếu quy định tòa án 'hỗ trợ' thu thập tài liệu, chứng cứ thì có thể phát sinh không công bằng, mà phải xem đây là nhiệm vụ của tòa án.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM hôm 15.4 tổ chức hội thảo góp ý dự án luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Theo đó, điểm mới của dự thảo sửa đổi lần này là tại khoản 4, điều 15 của dự thảo quy định: "Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ bằng việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật trong trường hợp các bên đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và đề nghị tòa án hỗ trợ".

Bà Hồ Thị Thanh Hương, đại diện Viện KSND TP.HCM

Bà Hồ Thị Thanh Hương, đại diện Viện KSND TP.HCM

NGÂN NGA

Phát biểu tại hội thảo, bà Hồ Thị Thanh Hương, Phó trưởng phòng kiểm sát dân sự, đại diện Viện KSND TP.HCM không đồng tình với quy định trên. Bởi theo bà Hương, hệ thống pháp luật tố tụng Việt Nam vẫn còn thực hiện mô hình xét hỏi kết hợp tranh tụng, chưa phải đơn thuần mô hình tranh tụng như các nước khác. Dự thảo quy định tòa án không thu thập chứng cứ và tự đương sự thu thập trong một số trường hợp, thì có thể gặp khó khăn, hoặc không giải quyết được vụ án, vụ việc.

Cụ thể, tòa án thu thập chứng cứ trong việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao (điều 409 bộ luật tố tụng Hình sự, điều 359 bộ luật tố tụng Dân sự; điều 293 luật Tố tụng hành chính). Một số biện pháp tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ do bộ luật tố tụng Dân sự, luật Tố tụng hành chính quy định như: đối chất; xem xét, thẩm định tại chỗ; trưng cầu giám định, định giá tài sản; ủy thác thu thập chứng cứ; ủy thác tư pháp ở nước ngoài...

Cũng theo đại diện Viện KSND TP.HCM, về trình độ dân trí, ý thức pháp luật, hoàn cảnh kinh tế của người dân, số lượng vụ việc có luật sư tham gia bảo vệ là rất ít. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện KSND theo điều 21 bộ luật tố tụng Dân sự là tham gia phiên tòa sơ thẩm dân sự những vụ án tòa án thu thập chứng cứ.

Đối với vụ việc dân sự, vụ án hành chính (như tranh chấp quyền sử dụng đất, đòi nhà, tranh chấp chia thừa kế...) thì đương sự không thể tiếp cận và xin cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở địa phương lưu giữ tài liệu về nguồn gốc đất đai. Do đó, chỉ có tòa án yêu cầu thì các cơ quan đó mới cung cấp.

"Nếu quy định tòa án hỗ trợ đương sự thì có thể phát sinh không minh bạch, không công bằng. Do đó chúng tôi đề nghị tiếp tục quy định về nhiệm vụ, quyền hạn việc thu thập tài liệu, chứng cứ của tòa án", đại diện Viện kiểm sát nêu.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM)

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM)

NGÂN NGA

Trao đổi với báo Thanh Niên về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) đồng tình với quan điểm của đại diện Viện KSND TP.HCM. Bởi theo luật sư, đối với các vụ án phức tạp, có tính chất đặc thù, đòi hỏi chuyên môn hóa cao thì nhất thiết cần có sự tham gia của tòa án vào việc thu thập tài liệu, chứng cứ.

Hiện nay các án hành chính, án đất đai... đang phát sinh và tồn đọng rất nhiều. "Nguy cơ bất cập xảy ra sẽ tăng cao nếu hạn chế quyền thu thập tài liệu, chứng cứ của tòa án. Từ đó gây cản trở ít nhiều đến quá trình xét xử và để lại ấn tượng không tốt về hệ thống tư pháp trong tâm trí người dân", luật sư Hậu phân tích.

Luật sư - TS Nguyễn Thị Kim Vinh (Công ty luật TNJ, nguyên thẩm phán TAND tối cao) cũng cho rằng việc sửa đổi, bổ sung của dự thảo lần này không phù hợp tình hình thực tế hiện nay, cũng như không phù hợp với nguyên tắc của pháp luật.

Luật sư - TS Nguyễn Thị Kim Vinh (Công ty luật TNJ, nguyên thẩm phán TAND tối cao)

Luật sư - TS Nguyễn Thị Kim Vinh (Công ty luật TNJ, nguyên thẩm phán TAND tối cao)

NGÂN NGA

Việc sử dụng cụm từ mang tính khái quát "hỗ trợ" trong một văn bản quy phạm pháp luật mang tính chuẩn mực sẽ gây khó khăn đối với người đọc. "Hỗ trợ" không xác định rõ giới hạn, phạm vi cũng như mức độ của vấn đề, tạo nên sự mông lung trong việc giải thích cũng như áp dụng trong thực tiễn.

"Các lĩnh vực pháp luật như tố tụng Dân sự, tố tụng Hình sự và tố tụng Hành chính, đều quy định về nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ và chứng minh đều thuộc về cả người tham gia tố tụng lẫn người tiến hành tố tụng. Vì vậy việc quy định "hỗ trợ" như dự thảo sẽ tạo nên xung đột cũng như vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam", TS Kim Vinh nói.

Cũng theo luật sư, trường hợp đương sự không thể tự thu thập, cung cấp được chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình, và tòa án nói rằng chỉ hỗ trợ thu thập, thì dẫn đến yêu cầu của đương sự là không có cơ sở do không chứng minh được.

Thẩm phán đau khổ với án bị hủy

Theo Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong, trong dự thảo lần trước thì quy định thẳng tòa không thu thập chứng cứ, sẽ giúp tăng cường định đoạt của các đương sự theo cải cách tư pháp. Tuy nhiên, theo ông, với tình hình dân trí và điều kiện hiện nay khi đương sự cung cấp chứng cứ thì tòa án tiếp nhận, phải thẩm định tại chỗ. Ví dụ đối với căn nhà tranh chấp về diện tích, thì tòa cũng phải đi thẩm định.

"Thẩm phán của tôi rất đau khổ là án bị hủy do thu thập chứng cứ không đầy đủ, nhưng đương sự không đưa ra thì làm sao mà biết. Tuy nhiên, nếu tòa không thu thập chứng cứ thì không ổn với cử tri", ông Phong thừa nhận.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.