Tòa án sẽ xét xử trực tuyến ?

13/06/2021 05:47 GMT+7

Một số ý kiến cho rằng xét xử trực tuyến là mô hình tiến bộ và Việt Nam có thể áp dụng được.

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay, thì cân nhắc thí điểm một số vụ xét xử trực tuyến đơn giản, để tiến tới nền tư pháp hiện đại.
Từ khi TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng (từ ngày 31.5), riêng Q.Gò Vấp và P.Thạnh Lộc (Q.12) áp dụng theo Chỉ thị 16, TAND Q.Gò Vấp buộc phải tạm dừng xét xử các vụ án. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, TAND cấp cao tại TP.HCM cũng vừa phát đi thông báo khẩn về việc yêu cầu tạm dừng các phiên tòa xét xử phúc thẩm và giám đốc thẩm, bắt đầu từ ngày 9.6 đến khi có thông báo mới. Với quy định không tập trung quá 5 người, TAND TP.HCM, TAND TP.Thủ Đức và các quận, huyện ở TP.HCM cũng buộc phải thông báo hoãn nhiều phiên xét xử.
Việc tạm dừng các phiên tòa đã ảnh hưởng đến công tác xét xử cũng như quyền lợi của bị can, bị cáo, đương sự và người liên quan. Để giải quyết tình thế này, liên ngành tố tụng TP.Thủ Đức thống nhất đưa ra phương án sẽ đề xuất cấp trên chấp thuận chủ trương cho thí điểm xét xử trực tuyến những vụ án hình sự đối với các bị cáo đang bị tạm giam tại nhà giam giữ của Công an TP.Thủ Đức.
Theo các chuyên gia, đây là mô hình mà tòa án cần tiếp cận từ lâu để tổ chức thực hiện khi cần thiết. Ví như nếu áp dụng vào thời điểm này sẽ góp phần hạn chế rủi ro lây nhiễm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Mô hình tiến bộ, có thể áp dụng được

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Thành Vinh, Chánh án TAND TP.Thủ Đức, cho rằng đề xuất trên nhằm vừa đảm bảo công tác xét xử đúng tiến độ, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, giảm thiểu một khoản chi phí khi di chuyển, áp giải bị cáo đến phiên tòa. Qua đó, sẽ tiến tới đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật tố tụng hình sự trong việc xét xử hình sự đối với vụ án theo thủ tục rút gọn hoặc những vụ án đơn giản.
Thạc sĩ Lê Đức Anh cho biết, mô hình xét xử trực tuyến đã xuất hiện ở một số nước như: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Úc, Singapore... để tránh lây nhiễm Covid-19.
Trong khi đó, ông Quách Thanh Giang, Viện trưởng Viện KSND TP.Thủ Đức, cho hay nếu được thực hiện thí điểm thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng vẫn tham gia phiên xử tại phòng xét xử của tòa án; các bị cáo bị xét xử sẽ vẫn ở nơi giam giữ, và có đường truyền trực tiếp với nơi tạm giam của bị cáo để tiến hành thủ tục xét xử bình thường. “Xét xử mô hình trực tuyến có thể áp dụng cho cả vụ án đơn giản hoặc phức tạp, vụ có nhiều hoặc ít bị cáo, miễn sao các thủ tục tố tụng và công tác xét xử được đảm bảo theo đúng quy định pháp luật”, ông Giang nhìn nhận.
Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Trung, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, khẳng định đây là mô hình tiến bộ và Việt Nam có thể áp dụng được, “nhưng cần sự thống nhất, phối hợp giữa liên ngành Bộ Công an, Viện KSND tối cao và TAND tối cao, và cụ thể hóa thông qua một văn bản hướng dẫn, nhằm áp dụng, điều hành phiên tòa đảm bảo các quy định pháp luật và quyền lợi các bên tham gia phiên tòa”, ông Trung nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Đình Trung, với điều kiện công nghệ hiện nay, thì các vụ án đơn giản, rõ ràng, không có sự xung đột lớn về quyền các bên thì bị cáo, hoặc đương sự không đến tòa vẫn có thể xét xử được. Vì vậy, trước mắt không quá “tham vọng” là xét xử trực tuyến tất cả các vụ án, vụ việc nhưng trong giai đoạn dịch Covid-19 đang ảnh hưởng công tác xét xử như hiện nay, thì cân nhắc thí điểm một số vụ đơn giản, để tiến tới nền tư pháp hiện đại.

“Như một hội nghị video trực tuyến”

Thạc sĩ Lê Đức Anh, Tòa hình sự TAND cấp cao tại TP.HCM, xác nhận xét xử trực tuyến là một trong những mô hình “Tòa án điện tử” theo Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử của tòa án.
Theo ông Lê Đức Anh, với việc xét xử tại TAND cấp cao thì phòng xét xử trực tuyến (điện tử) là phòng xử án có hình thức bố trí theo quy định của luật Tố tụng và được trang bị thêm thiết bị ghi âm, ghi hình, màn hình ti vi, máy tính, mạng internet, mạng truyền hình trực tuyến và các trang thiết bị khác phục vụ hoạt động phiên tòa, phiên họp…
Các chủ thể là thành phần của một phiên tòa sẽ tham gia vào phiên xét xử giống như một hội nghị video trực tuyến. Người tiến hành xét xử ngồi ở phòng xét xử tại trụ sở tòa án (điểm cầu trung tâm) và người tham gia tố tụng đang ở các tỉnh, thành sẽ ngồi ở phòng xét xử tại trụ sở tòa án địa phương (điểm cầu địa phương). Bị cáo thì ở trại tạm giam. Khi đó, thông qua các thiết bị điện tử được thiết lập, liên kết nhau bằng internet và hoạt động bằng một chương trình phần mềm ứng dụng mà không cần các chủ thể phải có mặt tập trung tại một phòng xử án như thông thường. Hơn nữa, việc xét xử sẽ không bị ảnh hưởng, bởi các bước tố tụng phiên xử như phần thủ tục, đọc bản án sơ thẩm, tranh tụng... vẫn tiến hành theo luật định.
“Thay vì tiêu tốn thời gian, tài chính, sức khỏe để di chuyển, trong khi đó phiên xử có thể bị hoãn. Đồng thời, sẽ hạn chế rủi ro trong việc bị nhiễm Covid-19 vì phòng xử án không tập trung đông người, thì việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của đơn vị để xét xử trực tuyến là phù hợp”, ông Lê Đức Anh chia sẻ.
Đối với đề xuất thí điểm xét xử trực tuyến, Chánh án TAND Q.Gò Vấp Trần Đăng Tân cho hay, về cơ sở vật chất và con người, TAND Q.Gò Vấp sẵn sàng xét xử được. Quan trọng là phải có sự đồng ý thí điểm và có hướng dẫn quy trình, thủ tục thống nhất của cấp trên để thực hiện.

Không nên xét xử trực tuyến đại trà

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, đánh giá việc xét xử trực tuyến không nên áp dụng đại trà, “bởi thực tế, không có gì bằng việc mặt đối mặt thẩm vấn. Hơn nữa, xét xử công khai và trực tiếp là nguyên tắc hoạt động của tòa án nhằm bảo đảm sự giám sát của nhân dân, của công luận đối với hoạt động xét xử của tòa án; mọi chứng cứ quan trọng đều được xem xét công khai tại phiên tòa”, ông Nghiêm nói.
Vì vậy, theo luật sư Nghiêm, đối với các tòa án được xây dựng trụ sở mới, phòng xét xử khang trang, rộng, có thể xét xử công khai theo mô hình truyền thống, nhưng vẫn đảm bảo phòng dịch Covid-19 và phù hợp Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, thì các tòa nên tiếp tục. Và chỉ nên áp dụng xét xử trực tuyến với các vụ án theo thủ tục rút gọn, đơn giản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.