Tòa áp dụng phạt tiền thay phạt tù không đúng: Nhiều bản án bị hủy, kháng nghị

23/08/2024 06:43 GMT+7

Gần đây, điển hình nhất cho việc tòa án tuyên phạt tiền thay phạt tù nhưng bản án bị cấp trên nhận định 'sai lầm trong việc áp dụng pháp luật' là vụ phạt tiền 10 chủ doanh nghiệp trong vụ án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu xảy ra tại Đồng Nai.

Bên cạnh đó, ngày 29.7.2023, Báo Thanh Niên có phản ánh trong bài Có được phạt tiền thay phạt tù với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, về trường hợp vào tháng 7.2023, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt tiền bị cáo Bùi Hữu Lộc (quốc tịch Mỹ) 1,5 tỉ đồng về tội "buôn lậu". Trong khi bị cáo Lộc bị truy tố và xét xử ở khoản 4 điều 188 bộ luật Hình sự, phạm tội với vai trò chính trong vụ án. Tuy nhiên, HĐXX áp dụng 2 tình tiết giảm nhẹ, bao gồm tình tiết "phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại" do hàng hóa phạm pháp đã bị phát hiện thu giữ, chưa được đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường - tức điểm h khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự, để áp dụng điều 54 bộ luật Hình sự, xử dưới khung hình phạt, và tuyên phạt tiền với bị cáo. Bị cáo Lộc bị tạm giam 3 năm 5 tháng 8 ngày. Bản án này sau đó có hiệu lực pháp luật do không có kháng cáo, kháng nghị.

Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh, ngày 20.8.2024, Viện trưởng Viện KSND cấp cao (gọi tắt Viện kiểm sát) tại TP.HCM kháng nghị đối với bản án liên quan đến bị cáo Lộc, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại theo thủ tục chung.

Theo kháng nghị, bản án sơ thẩm áp dụng hình phạt chính là phạt tiền, và xử phạt dưới khung của khoản 4 điều 188 bộ luật Hình sự đối với bị cáo Bùi Hữu Lộc là vi phạm nghiêm trọng điều 35, điều 54 bộ luật Hình sự.

Tòa áp dụng phạt tiền thay phạt tù không đúng: Nhiều bản án bị hủy, kháng nghị- Ảnh 1.

Bùi Hữu Lộc tại Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM

THANH TUYỀN

Theo Viện kiểm sát, TAND TP.HCM áp dụng điểm h khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự "phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại" đối với bị cáo Bùi Hữu Lộc là chưa phù hợp với quy định pháp luật, sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật. Bởi lẽ, các bị cáo buôn lậu với tổng giá trị rất lớn, hơn 3 tỉ đồng; việc hàng hóa chưa ra thị trường tiêu thụ là do sự phát hiện, ngăn chặn kịp thời của cơ quan chức năng.

Trước đó, trong bài phản ánh trên Báo Thanh Niên cho thấy rất nhiều vụ án, HĐXX áp dụng tình tiết này làm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo nhưng đều bị TAND cấp cao hoặc TAND tối cao hủy bản án vì không đúng quy định.

Hơn nữa, Viện kiểm sát phân tích, bị cáo Bùi Hữu Lộc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, không được áp dụng hình phạt chính là phạt tiền theo điều 35 bộ luật Hình sự nhưng TAND TP.HCM vẫn áp dụng đối với bị cáo là vi phạm nghiêm trọng. Ngoài ra, bị cáo Lộc phạm tội với vai trò chính, chủ mưu, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội và phải chịu trách nhiệm với toàn bộ lô hàng, nhưng bị cáo lại được áp dụng hình phạt tiền. Trong khi bị cáo đồng phạm Phan Tấn Phát là người giúp sức vụ án, lại bị tuyên phạt tù, là không đúng với nguyên tắc xử lý người phạm tội trong vụ án có đồng phạm, tức "nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu".

Phạt tiền 10 chủ doanh nghiệp là "sai lầm trong áp dụng pháp luật"

Liên quan đến vụ án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu ở Đồng Nai, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cũng đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, về việc không cho 10 bị cáo trong vụ này được áp dụng hình phạt chính là phạt tiền thay cho phạt tù.

Hội đồng giám đốc thẩm nêu, cấp sơ thẩm TAND tỉnh Đồng Nai và phúc thẩm TAND cấp cao tại TP.HCM phạt tiền 10 bị cáo là chủ doanh nghiệp trong đại án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu là "sai lầm trong việc áp dụng pháp luật".

Cụ thể, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao tuyên hủy một phần bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM và giữ nguyên quyết định tại bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai về tuyên phạt tù đối với 4 bị cáo Lê Thị Anh Thư, Lê Thanh Tú, Nguyễn Thanh Tân, Phạm Thị Hương. Trước đó, khi xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt bị cáo Tú 5 năm tù, bị cáo Tân 6 năm tù, bị cáo Hương 3 năm tù, bị cáo Thư 4 năm tù. Sau đó, các bị cáo kháng cáo thì được TAND cấp cao tại TP.HCM chuyển từ phạt tù sang phạt tiền.

Tòa áp dụng phạt tiền thay phạt tù không đúng: Nhiều bản án bị hủy, kháng nghị- Ảnh 2.

Hai bị cáo cầm đầu vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu ở Đồng Nai: bị cáo Đào Ngọc Viễn (trên) bị tuyên 15 năm tù và Phan Thanh Hữu bị tuyên 13 năm tù

THANH NIÊN

Đối với 6 bị cáo Trần Huy Lập, Phạm Thị Cúc, Nguyễn Thanh Bình, Lê Hùng Phong, Nguyễn Thị Như Mỹ, Nguyễn Thăng Long, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hủy về phần đình chỉ xét xử phúc thẩm, và một phần bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND tỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm lại theo hướng không cho 6 bị cáo này áp dụng hình phạt chính là phạt tiền.

Hội đồng giám đốc thẩm nhận định, 6 bị cáo Lập, Cúc, Phong, Mỹ, Bình, Long phạm tội theo khoản 4 điều 188 bộ luật Hình sự, khung hình phạt từ 12 - 20 năm tù, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng không đủ điều kiện để áp dụng hình phạt tiền, nhưng tòa sơ thẩm vẫn xử phạt tiền "là sai lầm trong việc áp dụng pháp luật".

Hội đồng giám đốc thẩm nêu, cấp sơ thẩm TAND tỉnh Đồng Nai và phúc thẩm TAND cấp cao tại TP.HCM phạt tiền 10 bị cáo là chủ doanh nghiệp trong đại án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu là "sai lầm trong việc áp dụng pháp luật".

Đối với 4 bị cáo còn lại, Hội đồng giám đốc thẩm cho rằng, TAND tỉnh Đồng Nai xử phạt Thư 4 năm tù, Tú 5 năm tù, Tân 6 năm tù và Hương 3 năm tù "đã là nhẹ và dưới mức thấp nhất của khung hình phạt". Nhưng tòa phúc thẩm lại chuyển từ hình phạt tù sang hình phạt tiền (đối với loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng) "là có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật".

Theo TAND tối cao, các bị cáo đều là chủ doanh nghiệp, có vai trò chính trong việc thỏa thuận mua bán xăng nhập lậu, nhưng tòa sơ thẩm lại áp dụng "hình phạt tiền là hình phạt chính", trong khi đó những người giúp sức cho các bị cáo này (tức vai trò nhẹ hơn) thì lại bị áp dụng hình phạt tù. Như vậy, bản án sơ thẩm chưa đảm bảo nguyên tắc phân hóa, phân loại khi xử lý tội phạm có đồng phạm và không công bằng đối với các bị cáo khác thuộc nhóm giúp sức trong cùng vụ án...

"Mặt khác, TAND cấp cao tại TP.HCM vừa áp dụng hình phạt chính là phạt tiền đối với 4 bị cáo, vừa nhận định sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo đã nộp phạt bổ sung 100 triệu đồng theo quyết định của bản án sơ thẩm dẫn đến việc áp dụng cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung đều là phạt tiền là không đúng quy định", quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm nêu.

Liên quan vụ án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu, tháng 4.2023, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã giảm án cho 2 bị cáo cầm đầu đường dây, gồm: bị cáo Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh) giảm từ 17 xuống 13 năm tù, bị cáo Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) giảm từ 16 xuống 15 năm tù. Trong vụ án còn có 72 đồng phạm khác.

1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây:

a) Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do bộ luật này quy định;

b) Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do bộ luật này quy định.

2. Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do bộ luật này quy định.

3. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1 triệu đồng.

4. Hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại điều 77 bộ luật Hình sự.

(Điều 35 bộ luật Hình sự)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.