Tòa nhà hơn 120 năm tuổi ngay trung tâm TP.HCM liệu có bị tháo dỡ?

15/12/2014 16:44 GMT+7

(TNO) Ngày 15.12, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết sở này đã chính thức tổ chức cuộc thi tuyển chọn phương án thiết kế quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 và thiết kế kiến trúc các công trình khu trung tâm hành chính TP.HCM.

(TNO) Ngày 15.12, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết cuộc thi tuyển chọn phương án thiết kế quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 và thiết kế kiến trúc các công trình khu trung tâm hành chính TP.HCM sẽ có kết quả vào tháng 2.2015. 

Một phần tòa nhà cổ số 59 - 61 Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Tp.HCM, mục đích cuộc thi nhằm lựa chọn phương án thiết kế quy hoạch và kiến trúc đạt yêu cầu cao nhất, tối ưu nhất tại vị trí trang trọng nhất thành phố, có kiến trúc hài hòa giữa khối công trình được bảo tồn, tôn tạo với khối công trình được xây dựng mới, và hài hòa với kiến trúc của khu vực xung quanh của khu trung tâm hành chính TP.HCM.
Dự kiến công bố kết quả cuộc thi vào tháng 2.2015.
Theo đề bài mà Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM công bố, trong phần yêu cầu thiết kế kiến trúc khu trung tâm hành chính TP.HCM, thì tòa nhà trụ sở chính của UBND TP.HCM hiện nay ở 86 Lê Thánh Tôn được bảo tồn.
Trong khi đó, đối với tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng (trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương hiện nay), đề bài chỉ yêu cầu nghiên cứu bảo tồn mặt đứng.
Năm 1888, chức năng của tòa nhà này được nhập vào Thơ Ký Thống đốc Nam kỳ (vị trí 213 Đồng Khởi) và bản đồ cũ năm 1890 cho thấy một tòa nhà quy mô lớn hơn được xây dựng như hiện nay (tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng). Vào đầu thế kỷ 20, cơ quan này còn có tên là Văn phòng Chính phủ cùng các bộ phận như Thanh tra Lao động…
Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, tòa nhà có một giai đoạn ngắn được dùng làm trụ sở Bộ Nội vụ, kể từ năm 1955 là trụ sở Bộ Kinh tế của chính quyền Sài Gòn cũ. Tòa nhà này xuất hiện trong phim Người Mỹ thầm lặng (bản năm 1958).
Hiện nay tòa nhà là trụ sở của Sở Công thương và Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM.
Như vậy, tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng được xây theo kiến trúc thuộc địa Pháp này đã có hơn 120 năm tuổi.
Theo ghi nhận thực tế của PV Thanh Niên Online, tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng có hình chữ “U”, kết cấu vẫn còn nguyên vẹn và hiện là nơi làm việc của hàng trăm cán bộ, công chức.
Tòa nhà hơn 120 năm tuổi ngay trung tâm TP.HCM liệu có bị tháo dỡ? 2Vị trí xây mới trung tâm hành chính TP.HCM nhìn từ trên cao - Ảnh: Đình Phú
Tòa nhà hơn 120 năm tuổi ngay trung tâm TP.HCM liệu có bị tháo dỡ? 3Tòa nhà cổ hơn 120 năm tuổi nằm ở góc đường Lý Tự Trọng - Đồng Khởi - Ảnh chụp từ màn hình Google Maps
Tòa nhà hơn 120 năm tuổi ngay trung tâm TP.HCM liệu có bị tháo dỡ? 4
Tòa nhà hơn 120 năm tuổi ngay trung tâm TP.HCM liệu có bị tháo dỡ? 5Khu vực trung tâm TP.HCM là vùng lõi kiến trúc cổ
với nhiều công trình có giá trị như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Bảo tàng TP.HCM… - Ảnh: Đình Phú
Vùng lõi kiến trúc cổ
Khu vực trung tâm TP.HCM (thuộc địa bàn quận 1) được xem là vùng lõi hiện hữu nhiều công trình kiến trúc cổ.
Chỉ tính riêng từ khu vực Công xã Paris dọc theo trục đường Đồng Khởi về phía sông Sài Gòn, có Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, tòa nhà 47 Lê Duẩn (nay là trụ sở UBND quận 1), tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng, Khách sạn Majestic…
Xung quanh những công trình kiến trúc cổ này, còn hiện hữu nhiều công trình kiến trúc có “tuổi đời” trên dưới 100 năm như trụ sở Bảo tàng TP.HCM, Thương xá Tax…
Có một thực tế, là trước nhu cầu, áp lực của sự pháp triển, khu vực trung tâm TP.HCM đang được chỉnh trang trên nền diện mạo đô thị hiện hữu. Một số công trình, dự án mới triển khai, hoặc đang nằm trong kế hoạch triển khai, ít nhiều ảnh hưởng đến “hồn vía của Sài Gòn xưa”, như dự án xây nhà ga Nhà hát Thành phố thuộc tuyến tàu điện ngầm số 1 Bến Thành - Suối Tiên, cao ốc mới tại vị trí của Thương xá Tax…
Theo ý kiến của một số nhà chuyên môn, công trình kiến trúc cổ đóng một vai trò rất quan trọng đối với chiều sâu lịch sử hình thành, phát triển của một đô thị. Với đặc thù của khu vực trung tâm TP.HCM, việc chỉnh trang là hết sức cần thiết, nhưng phải đảm bảo phát huy được giá trị văn hóa, lịch sử, trong đó có mảng kiến trúc cổ. Nếu như chỉnh trang mà làm ảnh hưởng đến sự nguyên vẹn của những công trình kiến trúc cổ là “rất oan uổng”, và nếu không cân nhắc kỹ lưỡng, sẽ dẫn đến thực trạng hao mòn nhanh chóng những hình ảnh của Sài Gòn xưa trong đời sống đô thị ngày nay.
Cụ thể đối với tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng, nếu chỉ yêu cầu nghiên cứu bảo tồn mặt đứng, thì về căn bản, tổng thể kiến trúc sẽ không còn được nguyên vẹn. Và một vấn đề rất đáng phải quan tâm là kiến trúc mới sẽ “ăn nhập” ra sao với phần còn lại của kiến trúc cổ?...
PV Thanh Niên Online đã trao đổi với một số lãnh đạo sở ngành có liên quan về vấn đề chỉ “bảo tồn mặt đứng” của tòa nhà cổ hơn 120 tuổi này, và hầu hết ý kiến trả lời đều cho rằng là hiện giờ vẫn phải đang làm theo đề bài đã được công bố.
Trụ sở mới dự kiến sẽ bố trí 8 cơ quan, đơn vị nhà nước
Trụ sở Trung tâm hành chính mới của UBND TP.HCM dự kiến sẽ bố trí 8 cơ quan nhà nước với 95 phòng ban trực thuộc, tương lai có 1.700 người làm việc.
Các cơ quan dự kiến sẽ được bố trí tại khu trung tâm hành chính sau khi xây dựng xong gồm: Văn phòng UBND TP.HCM, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM, Sở Nội Vụ, Sở Thông tin - truyền thông, Sở Công thương, Ban đổi mới doanh nghiệp, Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Giao thông vận tải.
Theo quy hoạch, khu đất xây dựng trung tâm hành chính TP.HCM rộng khoảng 18.000 m2 và sẽ được xây dựng hơn 54.000 m2 sàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.