“Cú liều” quyết định sự thành bại
Ông Võ Thanh Triên tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, từng bị địch bắt giam 1 năm, sau đó tham gia du kích xã, đi bộ đội từ tháng 2.1975... Đến tháng 3.1984, ông bị thương ở chiến trường, nên được Quân khu 5 giải quyết hưởng chế độ bệnh binh. Về lại quê nhà, ông Triên tham gia công tác tại chính quyền địa phương, từng giữ chức Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Hoài Mỹ... đến năm 2010 mới nghỉ hưu.
Ông Triên kể năm 1999, chính quyền xã Hoài Mỹ có chủ trương cải tạo đầm Công Lương (ở thôn Công Lương) rộng 16 ha để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Ông Triên và 3 người bạn cùng nhận khoán 1 ha mặt nước ở đầm rồi hùn vốn, bỏ công sức đắp bờ để nuôi tôm. Tuy nhiên, nuôi tôm trong ao bùn không hiệu quả, 3 người bạn “rút lui”, ông Triên tiếp nhận luôn phần diện tích của họ. Khi về hưu, ông Triên tập trung vào nghề nuôi tôm nhưng năng suất rất thấp.
Tỉ phú nuôi tôm Võ Thanh Triên |
HOÀNG TRỌNG |
“Nhiều ngày đêm tôi trăn trở, suy nghĩ cách làm giàu. Con tôm được bà con ở địa phương nuôi hàng chục năm rồi nhưng người được thì ít mà người thua lỗ ngày càng nhiều, có người phải bán đổ bán tháo ao, hồ để chuyển sang ngành nghề khác. Tại sao nơi khác cũng ao, đầm ven biển mà dân ở đó làm giàu, thu tiền tỉ từ nuôi tôm mà ở quê mình thì nhiều người mất vốn, lâm vào cảnh khốn khó? Phải chăng là do không nắm bắt được khoa học kỹ thuật?”, ông Triên kể.
Hay tin các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế… đạt hiệu quả cao, ông Triên tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Ông còn tìm mua tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, đọc thông tin trên mạng internet… để nắm bắt kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng. Qua đó, ông nhận ra rằng con tôm thẻ chân trắng có thể thích nghi với môi trường, vùng đầm nước lợ Công Lương.
Năm 2012, ông Triên vay ngân hàng 400 triệu đồng, vay của người quen cộng với số tiền tích góp của gia đình được 1,5 tỉ đồng để đầu tư nuôi tôm. Diện tích 1 ha mặt nước được ông chia thành 4 ao nhỏ, nâng đáy, lót bạt, mua sắm trang thiết bị... để nuôi tôm. Năm 2013, ông Triên bắt đầu thả tôm giống. Thời gian đầu, tôm phát triển tốt nhưng sang tháng thứ 2 thì tôm bỏ ăn, nổi đầu, chết hàng loạt. Cuối năm này lại có trận lụt lớn, ao hồ bị sạt lở hết, trang thiết bị hư hỏng nặng... Số vốn bỏ ra 1,5 tỉ đồng xem như mất trắng, nợ nần chồng chất, sức khỏe ông Triên xuống cấp trầm trọng. Vợ, con, bạn bè đều khuyên ông bỏ nghề nuôi tôm.
“Gia đình lâm vào cảnh khốn cùng vì nợ nần nhưng tôi không chấp nhận thất bại như vậy được. Khi đó, tôi tin rằng sự nghiên cứu của mình về con tôm thẻ chân trắng là đúng, và nghĩ “chỉ có con tôm mới gỡ được nợ nuôi tôm” nên quyết tâm nuôi tôm trở lại. Lúc đó, ai cũng nghĩ tôi quá liều, nếu trật một vụ tôm nữa thôi thì gia đình khó mà gượng dậy nổi. Cũng may, cú liều đó đã đem lại sự thành công cho gia đình tôi”, ông Triên kể.
Từ năm 2018 đến nay, ông Võ Thanh Triên đã nhận được nhiều giấy khen của UBND TX.Hoài Nhơn, bằng khen của Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Định, của Bộ LĐ-TB-XH và được Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng danh hiệu Sản xuất kinh doanh giỏi trong các năm 2018, 2019, 2020.
Khi ông Triên đến thuyết phục ngân hàng cho vay thêm vốn để nuôi tôm, cán bộ tín dụng không dám đồng ý, khuyên ông chuyển nghề khác. Tuy nhiên, ông Triên kiên trì thuyết phục nên ngân hàng cho vay thêm 900 triệu đồng để khôi phục sản xuất. Khi đó, trong nhà có gì bán được là ông Triên bán hết để có tiền đầu tư vào nuôi tôm.
Tháng 4.2014, ông Triên thả tôm nuôi trên tất cả 4 ao. Vụ đó tôm phát triển tốt, chưa đầy 3 tháng nuôi đã đạt kích cỡ 50 - 60 con/kg, lại gặp lúc giá tôm lên cao nên ông Triên trúng lớn, lãi hơn 1 tỉ đồng. Nhờ vậy, gia đình ông trả hết nợ, còn dư được ít vốn. Nhận thấy hướng đi của mình là đúng đắn, cuối năm đó, ông Triên lại vay vốn ngân hàng để mua thêm 1 ha mặt nước rồi cải tạo thành 4 ao, mua thêm thiết bị để nuôi tôm. Từ năm 2015 - 2019, ông Triên nuôi mỗi năm 2 vụ tôm trên diện tích 2 ha mặt nước, vụ nào cũng thu lãi cao.
Theo tính toán của ông Triên, trong 5 năm từ 2015 - 2020, gia đình ông thu được tổng cộng khoảng 250 tấn tôm, bán được hơn 26 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 10 tỉ đồng. Nhờ con tôm, năm 2017, ông Triên đã xây được nhà lầu với chi phí 3 tỉ đồng, mua ô tô con 1,2 tỉ đồng và nhiều trang thiết bị hiện đại để phục vụ cuộc sống.
Giúp nhau làm kinh tế
Trong vùng nước lợ đầm Công Lương có 18 hộ nuôi tôm, có người thành công, có người gặp nhiều thất bại, trong đó ông Triên thành công nhất, được mọi người gọi là “vua tôm”. Ngoài tạo ra thu nhập cho gia đình, mô hình nuôi tôm của ông Triên còn giải quyết được việc làm thường xuyên cho 15 lao động ở địa phương, lương thỏa thuận mỗi tháng 7 triệu đồng/người. Khi nuôi tôm có lãi, ông Triên còn thưởng cho người lao động, có người nhận thưởng 14 - 15 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, thời điểm thu hoạch tôm, gia đình ông Triên còn thuê rất nhiều lao động thời vụ.
Ông Triên là người nuôi tôm thành công nhất ở đầm Công Lương |
Không chỉ giỏi nuôi tôm, ông Triên còn luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ người khác để cùng nhau phát triển. Trong đó, có 6 gia đình cựu chiến binh ở TX.Hoài Nhơn được ông Triên hỗ trợ về vốn (cho vay không tính lãi), mỗi trường hợp từ 40 - 200 triệu đồng để phát triển kinh tế, sửa chữa nhà ở...Đến năm 2021, tổng số tiền ông Triên cho vay không tính lãi lên đến 470 triệu đồng.
Cựu chiến binh Lê Hồng Sơn (ở thôn Kim Giao Nam, xã Hoài Hải, TX.Hoài Nhơn) cho biết, vợ chồng người con rể của mình là anh Trần Tuyết (ở thôn Kim Giao Thiện, xã Hoài Hải) được ông Triên cho mượn 200 triệu đồng không tính lãi để đầu tư nuôi tôm. Năm 2016, đánh bắt hải sản thua lỗ, tàu cá bị hư hỏng, gia đình anh Tuyết lâm cảnh khó khăn. Biết hoàn cảnh của gia đình anh Tuyết, ông Triên chủ động cho anh Tuyết mượn 200 triệu đồng, hướng dẫn kỹ thuật để nuôi tôm.
“Gia đình Tuyết nuôi tôm trúng được vài vụ đầu rồi thất bại, con gái tôi qua đời, một mình con rể nuôi 3 con còn nhỏ nên lâm cảnh nợ nần. May là anh Triên tốt bụng, không có đòi nợ chứ đòi thì biết lấy đâu mà trả”, ông Sơn tâm sự.
Cách đây hơn 10 năm, ông Triên cho anh Huỳnh Văn Hoàng (con của một cựu chiến binh) mượn 3.000 m2 đất vườn ở thôn Mỹ Khánh (xã Hoài Mỹ) để ở, phát triển kinh tế. Ban đầu anh Hoàng nuôi vịt đẻ, đến năm 2016 chuyển sang cất trại, trồng cỏ nuôi bò thịt tại mảnh đất này. Hiện mỗi năm anh Hoàng bán 7 - 8 con bò, thu về trên 300 triệu đồng. “Chú Triên đối với gia đình tôi quá tốt. Khi nuôi bò có lãi, tôi đặt vấn đề trả tiền thuê đất nhưng chú Triên đều từ chối. Không chỉ giúp gia đình tôi, chú còn hỗ trợ nhiều trường hợp khó khăn ở thôn Mỹ Khánh, hỗ trợ tiền xây dựng các công trình công cộng”, anh Hoàng nói.
Theo ông Huỳnh Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ, tại địa phương có nhiều hộ dân nuôi tôm tại các thôn gần biển như Lộ Diêu, Công Lương...So với người khác, ông Võ Thanh Triên có điều kiện đầu tư và nuôi tôm thành công hơn, đem lại thu nhập cao cho gia đình và giúp đỡ được nhiều người dân ở địa phương. Không những vậy, ông Triên còn nhiều lần giúp hỗ trợ kinh phí để địa phương làm đường bê tông, xây dựng các công trình công cộng, giúp đỡ người ốm đau ở địa phương…
(còn tiếp)
Bình luận (0)