Toà trọng tài nhận đơn của Đông Timor kiện Úc về tranh chấp lãnh hải

26/09/2016 18:36 GMT+7

Tòa trọng tài thường trực Liên Hiệp Quốc ở The Hague ngày 26.9 chấp nhận đơn kiện của Đông Timor và sẽ thụ lý vụ tranh chấp lãnh hải ở biển Timor giữa quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á này với Úc, theo Reuters.

Đông Timor và Úc ký hiệp ước về dầu khí sau khi quốc gia nhỏ bé này giành độc lập từ Indonesia hồi năm 2002. Tuy nhiên, Đông Timor yêu cầu Úc đàm phán lại vấn đề biên giới vĩnh viễn trên biển đã được đề cập trong hiệp ước, nhưng Canberra không đồng ý, nói rằng phải đến năm... 2056 mới tính đến việc đàm phán lại.
Đông Timor đã khởi kiện Úc và yêu cầu Toà trọng tài (PCA) xem xét giải quyết tranh chấp theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Tuy nhiên Úc cho rằng PCA - tòa án quốc tế lâu đời nhất trên thế giới - không có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp.
Trong thông cáo đưa ra hôm nay 26.9, PCA nói rằng cơ quan này có đủ thẩm quyền để xem xét vụ tranh chấp và toà sẽ tiến hành giai đoạn hòa giải trong năm 2017, giai đoạn cần thiết để hai bên thương lượng trước khi toà phân xử, theo Reuters.
Người hùng mang lại độc lập cho Đông Timor, ông Xanana Gusmao hoan nghênh quyết định của PCA. Ông liên tưởng vụ tranh chấp như cuộc đấu tranh giành độc lập cho Đông Timor khỏi sự chiếm đóng của Indonesia.
"Giống như chúng ta từng chiến đấu khó khăn và chịu đựng quá nhiều cho nền độc lập của chúng ta, Đông Timor sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi có chủ quyền cả mặt đất và trên biển", ông Gusmao nói trong một tuyên bố, theo Sydney Morning Herald. Tờ báo Úc gọi đây là trận thua đầu tiên của Canberra trước Dili.
Chuyên gia Đông Timor, ông Michael Leach ở đại học công nghệ Swinburne nói hòa giải có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị cho dù nó sẽ không bị ràng buộc về mặt pháp lý. Theo giáo sư Leach, quyết định của toà yêu cầu Úc thực hiện nghĩa vụ đàm phán với Đông Timor về vấn đề biên giới trên biển theo luật pháp quốc tế đã làm sống lại các hiệp ước giữa hai nước.
Đông Timor là một quốc gia nghèo khó, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, mỗi năm nguồn tài nguyên thiên nhiên này mang lại nguồn thu 16 tỉ USD cho quốc gia non trẻ này, theo Sydney Morning Herald.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.