Bão số 3 (tức bão Yagi) và 12 tiếng càn quét miền Bắc đã để lại nhiều thiệt hại nặng nề.
Không chỉ đối mặt với những nguy hiểm trước và trong cơn bão mà sau khi bão suy yếu, những hậu quả mà cơn bão này gây ra cũng khiến người dân phải đối diện với nhiều nguy cơ như mất điện, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng đô thị.
Bão Yagi và 12 tiếng càn quét miền Bắc
Cơn bão Yagi hình thành trên vùng biển phía đông Philippines và đi vào Biển Đông ngày 3.9.2024, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2024.
Sau khi đi vào Biển Đông, do những điều kiện thuận lợi về một vùng biển nóng và đã lâu không có bão nên cơn bão này đã tăng 8 cấp chỉ trong hơn 2 ngày.
Bão Yagi đạt cấp siêu bão (tức cấp 16, giật trên cấp 17) vào ngày 5.9, thời gian duy trì cường độ cấp 16 hơn 1 ngày.
Theo các chuyên gia khí tượng, đây là một thời gian tồn tại rất dài với 1 siêu bão trên Biển Đông.
Bão Yagi cũng ghi nhận kỷ lục là siêu bão có cường độ mạnh nhất hoạt động trên Biển Đông trong khoảng 30 năm trở lại đây.
Siêu bão Yagi (số 3) mạnh nhất 30 năm qua
Sau khi đổ bộ vào đảo Hải Nam (thuộc Trung Quốc), siêu bão Yagi chỉ giảm 2 cấp (từ cấp 16 giảm xuống cấp 14) nhưng lại nhanh chóng nạp năng lượng ở vùng biển vịnh Bắc bộ và đổ bộ đất liền Việt Nam trên khu vực tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng lúc 13 giờ ngày 7.9.
Khi đổ bộ vào Việt Nam, bão Yagi dường như không suy yếu nhiều mà chỉ giảm đi 1 - 2 cấp.
Trong khoảng 6 tiếng càn quét tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, bão Yagi vẫn đạt cấp độ 12 - cấp 13 nên đã tàn phá, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho khu vực này.
Trong khi đó, một ngôi nhà 4 tầng tại huyện Thạch Thất (thuộc thành phố Hà Nội) đã bị đổ sập trong cơn mưa lớn, gió giật chiều 7.9, trước cả lúc bão Yagi quét qua Hà Nội.
Đến khoảng 20 giờ ngày 8.9, tâm bão Yagi mới bắt đầu quét qua thành phố Hà Nội, không giống như những cơn bão thông thường, bão Yagi vẫn giữ được sức gió cấp 10, giật cấp 12 dù đã đi sâu vào đất liền.
Trong khoảng 2 - 3 tiếng càn quét Hà Nội, bão Yagi giảm 2 cấp, suy yếu nhanh rồi tiếp tục đi vào khu vực các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc (vào lúc 23 giờ) và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
5 giờ sáng 8.9.2024, tại xóm Chầm (thuộc xã Tân Minh, huyện Đà Bắc) đã xảy ra sạt lở đất từ trên đồi vào nhà của gia đình ông Xa Văn Sộm (51 tuổi) làm ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Tại thời điểm nhà bị sập có 5 người trong gia đình ông Xa Văn Sộm bị vùi lấp. Cơ quan chức năng huyện Đà Bắc xác nhận đã tìm thấy 4 người đã tử vong và 1 người bị thương là ông Xa Văn Sộm.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, bão Yagi có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa (gồm 26 tỉnh, thành phố).
Bão số 3 (Yagi) càn quét miền Bắc: Những thiệt hại nặng nề
Đặc biệt, thời gian hoàn lưu bão kéo dài trên 12 tiếng nên đã gây ra thiệt hại lớn cho người và tài sản.
Tâm bão khi đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió thực đo lớn nhất trên đất liền tại Bãi Cháy (ở Quảng Ninh) cấp 14, giật cấp 17; đảo Cô Tô (ở Quảng Ninh) cấp 13, giật cấp 16; đảo Bạch Long Vĩ (ở Hải Phòng) cấp 13, giật cấp 14; Ba Lạt (ở Thái Bình) cấp 9, giật cấp 12; Hải Dương cấp 12, giật cấp 13.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết bão Yagi sau khi đổ bộ vào khu vực đất liền giữa Hải Phòng - Quảng Ninh vào khoảng 13 giờ ngày 7.9 đã duy trì cường độ mạnh gần 12 tiếng.
Đến khoảng 23 giờ đêm 7.9 (khi tâm bão ở Hà Nội), cơn bão này đã suy yếu xuống cấp 8 (tức là giảm 3 - 4 cấp so với khi đổ bộ vào đất liền).
Giải thích về vấn đề này, ông Mai Khiêm đánh giá: Khi đi qua ranh giới tỉnh Quảng Ninh - thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương, bão Yagi có 1 thời gian duy trì ở đây khá lâu. Tiếp đến, khi đi qua Hà Nội, Hải Dương bão tiếp tục chịu ma sát địa hình nên nhanh chóng giảm cấp.
Ông Mai Văn Khiêm cho rằng để giải thích rõ hơn về lý do vì sao bão suy yếu sau khi đi qua thành phố Hà Nội thì cần nghiên cứu kỹ hơn nhưng đây có thể coi là một trong những nguyên nhân bởi khi đổ bộ vào khu đô thị cũng đã có sự va đập với địa hình.
Một điểm đặc biệt trong thời gian tâm bão ở Hà Nội là khoảng lặng hơn 1 giờ trong đêm 7.9 khiến nhiều người thắc mắc, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng đó là thời điểm Hà Nội đang trong tâm bão.
Sau một cơn bão, trong cảnh tượng tan hoang trên đường phố và những vùng ngập lũ là sự nỗ lực khắc phục hậu quả của lực lượng chức năng và người dân.
Và dù cơn bão Yagi đã qua nhưng hậu quả mà cơn bão để lại là nguy cơ sạt lở, lũ quét và ngập úng đô thị vẫn hiện hữu.
Do đó, người dân cần lưu ý cảnh giác, theo dõi sát sao thông tin từ cơ quan khí tượng và tuân thủ hướng dẫn để đảm bảo an toàn.
Bình luận (0)