Sau gần 2 năm trùng tu, phục dựng, di tích cấp quốc gia Hải Vân quan cơ bản hoàn thành các hạng mục quan trọng về gần nguyên trạng "thành lũy phòng thủ" thời Nguyễn, dự kiến đón khách trở lại vào cuối năm 2023.
Ngày 13.8, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết ngành chức năng 2 địa phương TP.Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực hoàn thành công việc trùng tu tại di tích quốc giaHải Vân quan. Dự kiến tháng 10.2023 hoàn thành dự án, sau đó lên phương án vận hành và đón khách du lịch.
Ghi nhận của PV Thanh Niên tại di tích Hải Vân quan, các hạng mục quan trọng như Hải Vân quan, nhà trú sở, nhà vũ khố, các vị trí pháo đài, tường đá, lối đi… cơ bản đã hoàn tất trùng tu.
Hải Vân quan được xây dựng ở độ cao 490m so với mực nước biển, vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Đây không chỉ là công trình cửa ngõ trên con đường thiên lý bắc - nam nhằm kiểm soát tàu bè ra vào vịnh Đà Nẵng, mà còn là cụm phòng thủ quân sự quan trọng với hệ thống thành lũy, pháo đài thần công..., được mệnh danh là "yết hầu" của miền Thuận Quảng.
Thành lũy này án ngữ trên con đường thiên lý độc đạo lưu thông từ kinh đô Huế đến xứ Quảng và ngược lại, được mệnh danh là "thiên hạ đệ nhất hùng quan".
Di tích Hải Vân quan từng bị "bỏ rơi", có dấu hiệu xuống cấp suốt thời gian dài, nằm trong vùng chồng lấn địa giới giữa TP.Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đến tháng 4.2017, lãnh đạo ngành VH-TT TP.Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế đã "bắt tay" nhau trùng tu, khi Hải Vân quan được công nhận di tích cấp quốc gia.
Bình luận (0)