Toàn cảnh dịch Covid-19 tại Việt Nam tới 3.4: 36% bệnh nhân đã khỏi bệnh

03/04/2020 12:23 GMT+7

Tới sáng 3.4, 85 bệnh nhân trong tổng số 233 bệnh nhân kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam đã khỏi bệnh, chiếm hơn 36%.

Trong sáng nay, 3.4, Bộ Y tế công bố thêm 6 bệnh nhân Covid-19, nâng tổng số bệnh nhân được ghi nhận tại Việt Nam lên 233 người. Đồng thời, Bộ Y tế cũng cho biết, đã có thêm 10 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh lên 85 bệnh nhân, tính tới thời điểm hiện tại.
Như vậy, tính tới sáng 3.4, có hơn 36% bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam đã được công bố khỏi bệnh.
Nếu chỉ tính từ giai đoạn 2 của dịch (từ 6.3) tới nay, Việt Nam đã có 217 ca bệnh mới, trong đó, 69 bệnh nhân khỏi bệnh (chiếm 31,8%).

Bệnh nhân thứ 34 tri ân bác sĩ khi cả gia đình khỏi bệnh Covid-19

Như vậy, tới hiện tại, cả nước chỉ có 148 bệnh nhân đang điều trị bệnh Covid-19 tại 21 cơ sở y tế. Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thì hầu hết các bệnh nhân đều có sức khỏe ổn định, trong đó có nhiều bệnh nhân đã có kết quả âm tính với virus gây bệnh Covid-19. 
4 trường hợp bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) cũng đang có tiến triển tốt, chỉ còn 1 bệnh nhân phải thở máy, lọc máu. Việt Nam vẫn chưa có bệnh nhân nào tử vong do bệnh Covid-19.
Với tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh (tới hiện tại) là trên 36%, trong khi tỷ lệ trung bình trên thế giới là 20,8%, chưa ghi nhận bệnh nhân nào tử vong (tỷ lệ tử vong trên thế giới là 5,2%), Việt Nam được đánh giá rất cao trong việc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Tình hình các ca bệnh Covid-19 tại Việt Nam. Tới sáng 3.4, Việt Nam đã có thêm 6 ca bệnh, nâng tổng số ca bệnh lên 233, trong đó có 85 bệnh nhân khỏi bệnh

Đồ họa Lê Hiệp

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ bệnh nhân phục hồi cao tại Việt Nam là do số lượng bệnh nhân nhiễm mới khá thấp. Tới nay, sau hơn 2 tháng xuất hiện dịch Covid-19, Việt Nam mới chỉ ghi nhận hơn 200 bệnh nhân, đứng thứ 92 trong số 204 quốc gia trên thế giới có dịch.
Một lý do khác, được nhiều chuyên gia giải thích cho tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh cao của Việt Nam là độ tuổi trung bình của các bệnh nhân này khá thấp, chỉ khoảng 35 tuổi. Trong đó, bệnh nhân có độ tuổi từ 19 - 30 tuổi chiếm tới 44,9% (khoảng 102 bệnh nhân).
Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất tính tới thời điểm hiện tại là bé trai 3 tháng tuổi (bệnh nhân tại Vĩnh Phúc, đã khỏi bệnh). Bệnh nhân cao tuổi nhất 88 tuổi (bệnh nhân số 161, tại Hưng Yên).
Trong số 85 bệnh nhân đã khỏi bệnh, độ tuổi trung bình là 34.

Việt Nam có 233 bệnh nhân nhiễm virus corona sau khi thêm 6 ca mới

Các ổ dịch lớn "mất dấu F0"

Với số lượng ca bệnh được kiềm chế ở mức thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới, tỷ lệ bệnh nhân phục hồi cao, chúng ta có thể tin tưởng vào khả năng kiểm soát và khống chế dịch bệnh.
Tuy nhiên, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo, khẳng định Việt Nam đã bước vào giai đoạn 3 của dịch bệnh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc vào ngày 1.4.
Trong một phát biểu ngày 2.4, PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhận định rằng, nếu ở giai đoạn trước, những ca lây ra cộng đồng còn xác định được bệnh nhân đầu tiên F0 như khu vực Trúc Bạch, Hà Nội (liên quan bệnh nhân 17), khu vực Bình Thuận (liên quan bệnh nhân 34) thì đến ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai đã không xác định được đâu là ca nhiễm đầu tiên.
Theo ông Phu, các ổ dịch không tìm được F0 có nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất lớn và khuyến cáo người dân hãy ở yên tại chỗ, thực hiện “giãn cách xã hội”.

Nếu coi bệnh nhân 161 là F0 thì tới nay, các ca lây nhiễm từ bệnh nhân này đã lên tới F3. Tất cả các ca bệnh đều liên quan tới Bệnh viên Bạch Mai, song chưa rõ nguồn lây và bệnh nhân F0 tại ổ dịch này

Đồ họa Lê Hiệp

Tới nay, liên quan tới ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, đã có tới hơn 40 ca bệnh, trong đó gần 30 ca bệnh là nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh, chuyên cung cấp các suất ăn, nước sôi cho Bệnh viện Bạch Mai. Các trường hợp còn lại, ngoài 2 nữ điều dưỡng, chủ yếu là bệnh nhân và người nhà vào viện chăm sóc bệnh nhân.
Với gần 30 ca bệnh là nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh, cơ quan chức năng “nhận định bước đầu” là Công ty TNHH Trường Sinh là nguồn lây chính tại Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, tới nay, các cơ quan chức năng cũng chưa xác định và công bố đường lây nhiễm cho nhân viên của công ty này là từ đâu. Lịch sử tiếp xúc của gần 30 nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh cũng không được công bố ngoài mấy chữ ngắn gọn trong thông cáo báo chí của Bộ Y tế: “đã tiếp xúc nhiều người”.
Một trường hợp lây lan trong cộng đồng mà không thể xác định bệnh nhân F0 rất rõ là các ca bệnh liên quan tới bệnh nhân 161. Bệnh nhân này vốn là người bệnh điều trị tại Khoa Thần kinh của Bệnh viện Bạch Mai, được công bố vào ngày 27.3.
Trong cùng ngày, con dâu và cháu gái của bệnh nhân này cũng được xác định nhiễm bệnh, là các bệnh nhân 162 và 163. Tới ngày hôm qua, thêm một người con dâu khác của bệnh nhân 161, trú tại Hưng Yên, cũng được công bố nhiễm bệnh, là bệnh nhân thứ 219.
Tiếp đó, bệnh nhân 163 được cho là đã lây cho bệnh nhân 209, là nhân viên Công ty Xăng dầu khu vực I (quận Long Biên, Hà Nội) do có tiếp xúc gần. Bệnh nhân 209 được công bố nhiễm bệnh vào 1.4.
Tới ngày hôm qua, 2.4, Bộ Y tế công bố thêm bệnh nhân 227, là con trai của bệnh nhân 209.
Như vậy, ngoài 4 người thân trong gia đình bệnh nhân 161, đã có 2 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng do tiếp xúc gần. Nếu tính bệnh nhân 161 là F0 thì tới bệnh nhân 227 công bố ngày hôm qua đã là F3. Trong khi đó, bệnh nhân 161 không phải là bệnh nhân F0 tại Bệnh viện Bạch Mai.
Không xác định được bệnh nhân F0, không xác định được nguồn lây nhiễm đồng thời cũng không xác định rõ ràng lịch sử tiếp xúc của các bệnh nhân đã nhiễm bệnh thì nguy cơ lây lan trong cộng đồng từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai là rất lớn.

Ổ dịch tại quán bar Buddha cũng đã lây tới F3 và chưa xác định được bệnh nhân F0 dù nhiều ý kiến cho rằng nguồn lây là bệnh nhân 91

Đồ họa Lê Hiệp

Tương tự, ổ dịch tại quán bar Buddha cũng chưa xác định được nguồn lây nhiễm, dù nhiều ý kiến nhận định là từ bệnh nhân 91 (phi công hãng Vietnam Airlines) do bệnh nhân này được công bố nhiễm bệnh đầu tiên. Trong khi đó, các bệnh nhân lây nhiễm có liên quan tới quán bar Buddha cũng đã lây tới F3 như trường hợp bệnh nhân 124 (xem sơ đồ).
Thông tin đáng mừng là sau chưa đầy 1 tuần, toàn bộ hơn 40.000 y bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân từng tới Bệnh viện Bạch Mai từ 10 - 28.3 đã được lập danh sách, thực hiện cách ly (tại nhà hoặc tập trung) để tiến hành xét nghiệm.
Tới nay, ngoài các ca bệnh đã công bố, chưa có trường hợp y bác sĩ nào của Bệnh viện Bạch Mai nhiễm bệnh. Bệnh viện Bạch Mai cũng đã bắt đầu tiếp nhận điều trị các bệnh nhân cấp cứu. Các hoạt động bên trong bệnh viện vẫn diễn ra bình thường.
Ngoài ra, trừ các trường hợp đã được công bố nhiễm bệnh (15 bệnh nhân) gần 150 trường hợp liên quan tới quán bar Buddha (TP.HCM) cũng đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.