Toàn cảnh dịch Covid-19 tới 28.3: Bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng đang tăng

28/03/2020 09:18 GMT+7

Trong hơn 1 tuần qua, đã có 23 bệnh nhân Covid-19 mới được ghi nhận là các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.

6 giờ 30 sáng nay, 28.3, Bộ Y tế công bố thêm 6 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam lên 169 bệnh nhân.
Như vậy, kể từ 6.3, khi bệnh nhân thứ 17 được xác nhận (được coi là giai đoạn mới của dịch Covid-19 tại Việt Nam), Việt Nam đã ghi nhận thêm 153 trường hợp nhiễm Covid-19.

Công bố ca 164 đến 169 nhiễm virus corona, bệnh viện Bạch Mai thêm 2 bệnh nhân

Trong số 153 ca bệnh của giai đoạn 2, hầu hết là các ca bệnh “xâm nhập” từ nước ngoài (chiếm khoảng 75%), trong đó chủ yếu là từ Anh và các quốc gia châu Âu.
Tuy nhiên, số ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng (lây do tiếp xúc với những người đã nhiễm bệnh trong cộng đồng) đang tăng lên.

Các bệnh nhân Covid-19 được ghi nhận theo ngày kể từ 6.3 tới 27.3

Đồ họa Lê Hiệp

Cụ thể, trong số 153 bệnh nhân tính từ ngày 6.3, số bệnh nhân lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng tại Việt Nam là 39 ca (chiếm khoảng 25%). Số bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng tập trung trong khoảng hơn 1 tuần trở lại đây. Cụ thể, trong số 39 ca này thì có 23 ca (chiếm gần 60%) được ghi nhận trong khoảng 1 tuần trở lại đây (từ 20.3).
Chỉ tính riêng trong 3 ngày qua (từ 26.3), trong số 28 trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 mới được công bố, thì có tới 10 ca là lây nhiễm trong cộng đồng. Trong đó, có những người F2 đã bị nhiễm bệnh (trường hợp bệnh nhân 152, chị gái của bệnh nhân 127, nhân viên quán bar Buddha ở TP.Hồ Chí Minh).
Trước đó, có 2 trường hợp lây nhiễm cộng đồng khiến nhiều bệnh nhân thuộc diện F1 (tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh), F2 (tiếp xúc với F1) là bệnh nhân số 34. Tới nay, bệnh nhân số 17 đã lây cho 3 người còn bệnh nhân số 34 đã lây cho 8 người khác.

12 bệnh nhân liên quan quán bar Buddha

Một điểm đáng lưu ý nữa là các ca bệnh Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng trong hơn 1 tuần qua đều xuất phát từ 2 “ổ dịch” lớn của Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là Bệnh viện Bạch Mai và quán bar Buddha.
Cho tới nay, ít nhất đã có 12 trường hợp bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam liên quan tới quán bar Buddha. Nguồn lây bệnh được cho là từ bệnh nhân thứ 91 (người Anh, là phi công của hãng Vietnam Airline, được xác định nhiễm bệnh ngày 20.3) do bệnh nhân này đã đi lại nhiều nơi sau khi tới Việt Nam, trong đó có quán bar Buddha ở Thảo Điền, quận 2, TP.Hồ Chí Minh.

Đã có tới 12 bệnh nhân liên quan tới quán bar Buddha, trong đó có những bệnh nhân là F2

Đồ họa Lê Hiệp

Trong số 12 bệnh nhân được ghi nhận thì có 10 trường hợp là người tiếp xúc gần với bệnh nhân số 91 tại quán bar Buddha (đều là người nước ngoài, khách hàng của quán bar Buddha).
2 bệnh nhân còn lại là F2 của các bệnh nhân lây nhiễm Covid-19 tại bar Buddha.
Cụ thể, bệnh nhân 151 là đồng nghiệp với bệnh nhân 124 (từng đến bar Buddha và bị xác định nhiễm Covid-19 ngày 24.3). Bệnh nhân 152 là chị gái của bệnh nhân 127 (là nhân viên của quán bar Buddha).

Nguồn bệnh từ bên ngoài vào Bệnh viện Bạch Mai

Một ổ dịch gây nhiều lo ngại cho các cơ quan chức năng trong những ngày qua là Bệnh viện Bạch Mai.

Tìm ra hàng ngàn người từng đến Bệnh viện Bạch Mai - ổ lây lan virus corona

Sau 2 bệnh nhân đầu tiên là bệnh nhân 86 và 87 (nữ điều dưỡng của Phòng khám ngoại trú HIV - Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai, được xác nhận nhiễm bệnh vào 20.3), trong 5 ngày qua, đã có thêm 5 trường hợp nhiễm Covid-19 từ bệnh viện này.
Bệnh nhân đầu tiên là bệnh nhân số 133 (66 tuổi, quê tại Lai Châu, là bệnh nhân Khoa Cấp cứu thần kinh Bệnh viện Bạch Mai, được xác nhận dương tính vào ngày 24.3).
Tiếp đó, ngày 27.3, Bộ Y tế công bố thêm 3 trường hợp bệnh nhân Covid-19 liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai, gồm bệnh nhân 161, 162 và 163. Trong đó, bệnh nhân 161 là người nằm cùng giường với bệnh nhân 133 tại Khoa Cấp cứu thần kinh của Bệnh viện Bạch Mai.
Các bệnh nhân 162 và 163 lần lượt là con dâu và cháu gái của bệnh nhân 161.
Sáng sớm nay, 28.3, Bộ Y tế công bố thêm 2 bệnh nhân 168 và 169, đều là nữ, 49 tuổi, là nhân viên cung cấp nước sôi tại Bệnh viện Bạch Mai.

Đã có 9 bệnh nhân liên quan tới ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai. Bộ Y tế nhận định nguồn lây bệnh là từ bên ngoài vào.

Đồ họa Lê Hiệp

Bộ Y tế nhận định có khả năng dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai là lây trong nhóm người nhà chăm sóc bệnh nhân, nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào bệnh viện.
Việc nguồn bệnh từ bên ngoài vào Bệnh viện Bạch Mai do nhân viên y tế hoặc người nhà chăm sóc bệnh nhân là khả năng cao. Vì trước đó, 2 bệnh nhân 86 và 87 cũng có nhiều khả năng nhiễm bệnh từ bên ngoài chứ không phải nhiễm bệnh từ bệnh viện, do 2 nữ điều dưỡng này không tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP.Hà Nội chiều 27.3, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng cũng đã đưa ra nhận định cho rằng, rất có thể bệnh nhân 162, con dâu bệnh nhân 161, đã mắc Covid-19 ở cộng đồng, rồi lây cho mẹ (bệnh nhân số 161) và bệnh nhân 133 ở Lai Châu chứ không phải nguồn lây là từ bệnh viện.
Tới nay, Hà Nội cũng như Bệnh viện Bạch Mai đang thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để xác định nguồn lây nhiễm tại bệnh viện này. Tất cả nhân viên y tế, bệnh nhân của bệnh viện đều được xét nghiệm Covid-19.
Hiện Bệnh viện Bạch Mai đang tiến hành các biện pháp kiểm soát, tạm dừng đón tiếp bệnh nhân và thực hiện việc cách ly toàn bệnh viện để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên bệnh viện.
Bộ Y tế đề nghị tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đã đến khám, điều trị tại bệnh viện trong vòng 14 ngày qua thực hiện tự cách ly và liên hệ cơ quan y tế gần nhất để theo dõi sức khoẻ.

Cao điểm chống dịch

Trong ngày hôm qua, 27.3, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 15 yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người từ 00 giờ 28.3 đến hết 15.4.

Tới nay, cả nước đã có 169 trường hợp nhiễm Covid-19, hơn 3.000 trường hợp nghi ngờ

Đồ họa Lê Hiệp

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu:
Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.
Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa.
Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đến các nơi khác trên toàn quốc. Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa. Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm, kỷ luật nghiêm đối với người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra việc tụ tập đông người.
Tiếp tục kiểm soát chặt mọi trường hợp nhập cảnh trên các tuyến biên giới trên bộ (nhất là biên giới với Lào, Campuchia), đường thủy, đường biển, các cảng hàng không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.