Toàn cảnh: Mỹ, Anh, Pháp dội tên lửa vào Syria

14/04/2018 22:51 GMT+7

Mỹ, Anh và Pháp tiến hành tấn công vào các mục tiêu ở Syria bằng hơn 100 tên lửa. Nga coi đây là hành động gây hấn chống lại một quốc gia có chủ quyền.

Quyết định được báo trước của Tổng thống Trump

Tôi đã ra lệnh cho lực lượng vũ trang Mỹ triển khai các đợt không kích chính xác vào các mục tiêu có liên quan đến năng lực vũ khí hóa học của nhà độc tài Syria Bashar al-Assad

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Sáng 14.4 (tối 14.4 giờ Việt Nam), trên trang Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump xuất hiện dòng trạng thái: “Nhiệm vụ hoàn thành!... Cuộc tấn công đã diễn ra hoàn hảo”.
Nửa ngày trước đó, Tổng thống Trump thông báo đã ra lệnh cho quân đội Mỹ tiến hành tấn công vào các mục tiêu ở Syria có liên quan đến chương trình vũ khí hóa học, theo Reuters.
Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria là hành động leo thang nghiêm trọng và ra lệnh không kích nhằm ngăn chặn điều đó. Cuộc tấn công có sự phối hợp giữa phía Mỹ cùng 2 đồng minh là Anh và Pháp.
Khác với lần nã 59 tên lửa Tomahawk vào Syria đầy bất ngờ cách đây đúng 1 năm, cuộc tấn công lần này được ông Trump liên tục nhắc tới, thậm chí gần 2 ngày trước còn tuyên bố "tên lửa thông minh" đang bay đến Syria - hành động mà một quan chức Mỹ cho là đã khiến giới chức quân sự không còn đường lui.
110 quả tên lửa, 3 dân thường bị thương
Lầu Năm Góc cho biết các cuộc không kích bắt đầu lúc 4 giờ ngày 14.4 (theo giờ Syria) và kéo dài khoảng 45' với sự tham gia của các máy bay quân sự và tàu chiến. Anh và Pháp cũng phối hợp tham gia cuộc tấn công.
Tên lửa trên bầu trời Damascus Reuters
Tờ The New York Times dẫn lời giới chức quốc phòng Mỹ cho biết trong cuộc tấn công Syria nói trên, 3 khu trục hạm Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk, với tầm bắn khoảng 1.600 km, còn một số chiếc oanh tạc cơ B-1B của nước này phóng tên lửa hành trình tầm xa nhắm vào các mục tiêu.
Một số nguồn tin cho hay Pháp đã triển khai tiêm kích Mirage và Rafale cùng 4 tàu hộ vệ. Tên lửa Pháp dùng trong cuộc tấn công có thể là tên lửa hành trình SCALP-EG, với tầm bắn hơn 560 km.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh khẳng định 4 chiến đấu cơ Tornado nước này đã phóng tên lửa hành trình Storm Shadow, cùng loại với SCALP-EG, tại căn cứ cách thành phố Homs của Syria khoảng 24 km về phía tây, theo Reuters.
Máy bay Tornado của Anh xuất kích từ Cộng hòa Síp Reuters
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford cho biết đã làm những gì có thể để giảm thiểu tối đa nguy cơ gây thương vong cho dân thường, cũng như tránh các vị trí có quân Nga đóng trú.
Tàu chiến Pháp phóng tên lửa hành trình nhắm vào Syria trong cuộc tấn công tối 13.4 AFP
Phía Mỹ thông báo đã tấn công vào 3 mục tiêu cụ thể. Mục tiêu thứ nhất là một cơ sở nghiên cứu ở ngoại ô Damascus. Mục tiêu thứ hai là một nhà kho ở phía tây Homs, nơi Mỹ tin là trữ các chất hóa học và sarin. Mục tiêu thứ ba là một tòa nhà nghiên cứu khoa học và là "cơ sở chỉ huy quan trọng" cũng nằm tại Homs.
3 địa điểm bị tấn công Guardian

Lực lượng vũ trang Syria sau đó cho biết có 110 quả tên lửa nã vào nước này, phần lớn bị chặn. Truyền hình Syria đưa tin lực lượng phòng không nước này đã đáp trả lại cuộc tấn công và đã bắn hạ ít nhất 13 tên lửa. Syria đã dùng hệ thống phòng không S-125, S-200, Buk và Kvadrat được chế tạo từ hơn 30 năm trước, theo TASS.

Trong khi đó, quân đội Nga nói phòng không Syria đã bắn hạ 71 trong số 103 tên lửa bắn vào nước này. Ngược lại, Lầu Năm Góc cho rằng Syria không đánh chặn được tên lửa nào, và đợt tấn công "hoàn toàn chính xác và áp đảo".
Thông tấn xã nhà nước Syria cho hay có 3 dân thường bị thương ở Homs.
Nga đòi Hội đồng Bảo an họp khẩn
Tổng thống Nga Vladimir Putin coi vụ tấn công là hành động gây hấn, xâm phạm chủ quyền quốc gia. Ông Putin yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn về vụ tấn công của Mỹ và đồng minh nhằm vào Syria.
Tổng thống Nga cũng chỉ trích vụ không kích đi ngược lại hiến chương Liên Hiệp Quốc và có tác động "hủy hoại toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế" hiện nay.
Ông nói "Hành động thù địch chống lại một quốc gia có chủ quyền, vốn đang là tiền phương trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, đã được tiến hành mà không có sự đồng thuận từ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc".
Tính đến thời điểm này, Nga chưa có phản ứng quân sự nào

Hành động leo thang hôm nay tại Syria sẽ có tác động mang tính hủy hoại toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế. Lịch sử sẽ phán xét, và Washington rõ ràng phải chịu trách nhiệm cho những đổ máu tại Nam Tư, Iraq và Libya.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Alexander Sherin tuyên bố Mỹ đã vi phạm mọi quy tắc quốc tế khi tấn công vào Syria, theo Sputnik.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov lên tiếng chỉ trích vụ tấn công. Ông cho rằng những cảnh cáo của Moscow đã bị bỏ ngoài tai và hiện nay nước Nga đang bị đe dọa.
“Mọi việc đang được triển khai theo kịch bản đã được chuẩn bị trước. Một lần nữa đất nước chúng tôi đang bị đe dọa. Chúng tôi đã cảnh cáo những hành động như thế này chắc chắn phải trả giá. Tất cả mọi trách nhiệm về vụ việc, Washington, London và Paris phải gánh chịu”, ông Antonov nhấn mạnh.
Đại sứ Nga còn nói rằng Mỹ, một nước còn giữ kho vũ khí hóa học lớn nhất, không có tư cách để đổ trách nhiệm cho các nước khác.
Phản ứng của thế giới?
Bộ Ngoại giao Iran đã mạnh mẽ lên án cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh nhằm vào Syria. Tehran tuyên bố Washington và đồng minh sẽ phải chịu trách nhiệm về hậu quả của cuộc tấn công đối với khu vực và thế giới. Phía Iran cho rằng Mỹ và đồng minh tiến hành hành động quân sự chống Syria mà không có bằng chứng gì, và đây là một hành động tội phạm.
Phản ứng về vụ tấn công, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố phản đối việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đồng thời cho rằng chỉ có giải pháp chính trị mới thực tế đối với vấn đề Syria.
Trong khi đó, Israel lại đánh giá cuộc không kích nhằm vào Syria đã vạch rõ làn ranh đỏ đối với việc sử dụng vũ khí hóa học. Đức cũng đã lên tiếng về vụ tấn công, nói rằng Berlin ủng hộ sự can thiệp quân sự "thích hợp và cần thiết" ở Syria.
Là hai thành viên tham gia vụ tấn công, Anh và Pháp mạnh mẽ bảo vệ hành động của mình. Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố vụ không kích bằng tên lửa nhằm vào Syria là đúng đắn và hợp pháp. Bà nói rằng mục tiêu là nhằm ngăn chặn chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời gửi thông điệp đến toàn thế giới rằng việc dùng loại vũ khí này là không thể chấp nhận.
Thủ tướng Anh cũng cho biết các nguồn tin tình báo cho thấy chính phủ Syria đứng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào ngày 7.4 tại Douma.

Tôi kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an thống nhất và thể hiện trách nhiệm, kiềm chế trong bối cảnh nguy hiểm này, tránh mọi hành động có thể leo thang tình hình và làm tồi tệ thêm sự đau đớn của người dân Syria

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo các nước thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) không leo thang ở Syria, tránh mọi hành động có thể làm xấu hơn tình hình.

Ông Gutterres đề nghị các nước Mỹ, Pháp, Anh phải có bổn phận hành động phù hợp với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Ngày 14.4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker không nói rõ có ủng hộ hành động quân sự của Mỹ và 2 thành viên của mình không, tuy nhiên hối thúc chính quyền Syria dừng việc sử dụng vũ khí hóa học.
Cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố ủng hộ hành động của Mỹ, Anh, Pháp. "NATO xem việc sử dụng vũ khí hóa học là mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình thế giới, khối tin rằng cần thiết phải bảo vệ Công ước về vũ khí hóa học. Cộng đồng quốc tế cần có phản ứng tập thể và hiệu quả", ông nói.
Tấn công liệu có hợp pháp?
Mặc dù Thủ tướng May tuyên bố vụ tấn công là hợp pháp, tuy nhiên việc cả Anh và Mỹ không thông qua quốc hội dẫn đến nhiều tranh cãi. 
Lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn cho rằng quyết định này của chính phủ bà Theresa May cần được xem xét về mặt pháp lý. Ông nhấn mạnh “bom đạn sẽ không cứu sống được mạng người hay tái lập hòa bình”. Theo ông, cuộc không kích chỉ làm cho căng thẳng thêm leo thang, đồng thời làm giảm khả năng truy trách nhiệm tội ác chiến tranh hay sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.
Lãnh đạo đối lập Anh nhấn mạnh Thủ tướng Theresa May đáng lẽ phải xin Quốc hội chấp thuận biện pháp quân sự rồi mới được tham gia không kích. .
Cần lưu ý rằng vào năm 2013, dưới thời của Thủ tướng Anh David Cameron, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu thống nhất chính phủ Anh không được có hành động quân sự nào thêm tại Syria, theo BBC.
Thủ tướng Anh Theresa May họp báo ngày 14.4 Reuters
Trong khi đó, bà May tuyên bố: “Lịch sử dạy rằng, vào thời khắc các luật lệ và chuẩn mực toàn cầu, vốn để bảo vệ chúng ta, bị một bên đe dọa thì chúng ta phải có nghĩa vụ đứng lên và bảo vệ các luật lệ và chuẩn mực đó”.
Nước Anh cần đóng vai trò lãnh đạo thúc đẩy ngưng bắn, chứ không phải nhận chỉ thị từ Washington và đặt quân nhân Anh vào tình thế nguy hiểm
Lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn
Nữ thủ tướng cho biết bà không đưa vấn đề ra quốc hội vì bản thân tin tưởng việc không kích là cần thiết và đúng đắn, cũng như vì “các lý do an ninh của chiến dịch”.
Tại Mỹ, nhiều nghị sĩ, đa số thuộc đảng Dân chủ, chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump khi tấn công nước ngoài mà chưa được quốc hội thông qua.
Theo giáo sư luật an ninh quốc gia Mỹ Steve Vladeck, Hiến pháp Mỹ và những tài liệu trước đó không quy định rõ ràng khi nào tổng thống cần sự thông qua của quốc hội để sử dụng lực lượng quân sự.
Điều 1 của Hiến pháp cho phép quốc hội thẩm quyền tuyên bố chiến tranh, xây dựng và hỗ trợ quân đội, thành lập và duy trì hải quân. Bên cạnh đó, quốc hội cũng được quyền đưa ra những quy tắc để điều hành quân đội và tài trợ cho mọi hoạt động quân sự, theo ông Vladeck.
Tuy nhiên, Điều 2 trao cho tổng thống quyền hành pháp, xem tổng thống là tổng tư lệnh quân đội. Đây là điều mà gần như mọi tổng thống viện dẫn để làm căn cứ cho việc sử dụng quân sự mà không cần thông qua quốc hội, theo CNN.
Nguy cơ đối đầu Nga - Mỹ?
Hành động của Mỹ khiến dư luận lo ngại có thể dẫn đến nguy cơ đối đầu giữa hai nước nói riêng và rộng hơn là giữa liên quân do Mỹ dẫn đầu với Nga và đồng minh trong khu vực là Syria và Iran.
Tuy nhiên theo The Guardian, nguy cơ xảy ra chiến tranh đó không nhiều vì Mỹ đã cố tình tránh những căn cứ của Iran và Nga càng xa càng tốt để không khiến cho xung đột leo thang.
Thêm vào đó, Mỹ đã liên tục cảnh báo trước với Nga rằng cuộc tấn công sắp xảy ra.
Người Syria biểu tình phản đối vụ tấn công của Mỹ và đồng minh Reuters

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.