Gấp rút khắc phục
Sự số đứt 2 tuyến cáp biển AAG hôm 22.10 và APG hôm 5.12 đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng đường truyền internet tại Việt Nam thời gian qua. Người dùng thường xuyên gặp phải tình trạng chậm kết nối, nghẽn mạng, thậm chí không truy cập được đối với những website có máy chủ đặt ở nước ngoài, vào những khung giờ cao điểm. Tình trạng này diễn ra với hầu hết dịch vụ của các nhà cung cấp đường truyền internet (ISP) tại Việt Nam. Sự cố đường truyền càng gây bức xúc hơn khi nhiều học sinh vẫn đang phải học trực tuyến tại nhà.
Kỹ thuật viên VNPT lắp đặt đường truyền internet |
cao hưng |
Các nhà mạng trong nước đều đang gấp rút tiến hành khắc phục sự cố và nâng cấp mạng. Đặc biệt, việc sửa chữa các tuyến cáp quang biển đang triển khai cùng sự phối hợp của các đối tác quốc tế. Các nhà mạng cũng đồng thời thực hiện các biện pháp tăng cường chất lượng đường truyền, đảm bảo tối ưu nhu cầu của người dùng.
Theo đó, với tuyến cáp APG, nhánh S1.5, hướng đi Nhật và Mỹ gặp sự cố từ 5.12.2021 đã hoàn thành sửa chữa từ 6 giờ 50 ngày 14.1. Trước đó, nhánh cáp này được xác định bị gãy cáp gây suy giảm chất lượng giá trị Line Q trên hướng DNG-SMY (Japan).
Với tuyến APG nhánh S6, gặp sự cố lỗi cáp từ 13.12.2021, đoạn giữa trạm cập bờ TKO tại Hồng Kong và BU5, theo dự kiến sẽ được hoàn thành sửa chữa vào ngày 6.2. Với tuyến cáp quang AAG, nhánh cáp S1I, cách Hồng Kông 160 km, gặp sự cố từ ngày 22.10.2021, dự kiến quá trình sửa chữa sẽ được hoàn tất vào ngày 2.2 tới đây.
Hiện Việt Nam mới có khoảng 7 tuyến cáp quang biển (tính cả 2 tuyến đang đầu tư dự kiến sẽ khai thác vào 2022 - 2023), trong khi nhiều tuyến cáp đã xây dựng từ lâu, thường xuyên gặp sự cố. Tính trung bình gần 15 triệu dân mới có 1 tuyến cáp quang biển, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore (mật độ 200.000 dân/1 tuyến cáp), Malaysia (1,5 triệu dân/1 tuyến)...
Còn theo công bố của Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), trung bình cáp quang biển tại Việt Nam gặp sự cố 10 lần mỗi năm, mỗi lần sửa kéo dài cả tháng, gây ảnh hưởng đến kết nối internet của người dùng. Mức độ bảo đảm về hạ tầng quốc tế phục vụ kết nối internet cho người dùng Việt hiện thấp nhất trong khu vực. Do gặp sự cố cáp quang, nhiều thời điểm các nhà mạng chỉ khai thác được 3/4 khả năng của các tuyến cáp.
Việc bổ sung thêm các tuyến cáp quang biển mới bên cạnh giữ ổn định các tuyến cáp hiện có cũng là nỗ lực ưu tiên chung của các nhà mạng trong thời gian tới. Mục tiêu tới năm 2025, Việt Nam sẽ lọt top 30 thế giới về hạ tầng số, đi kèm với đó là tiêu chí mỗi người dân có 1 smartphone, mỗi hộ gia đình một đường internet cáp quang...
Đảm bảo ổn định mạng dịp tết
Mới đây, theo kết quả công bố mới nhất của hãng Speedtest - đơn vị đo lường và đánh giá tốc độ internet hàng đầu thế giới, tốc độ đường truyền băng rộng cố định của VNPT được công nhận nhanh nhất quý 4/2021 tại Việt Nam (với SpeedScore 75,49 cao nhất thị trường).
Đại diện VNPT cho biết, ngay từ đầu năm 2021 nhà mạng này đã thực hiện nhiều hạng mục phục vụ công tác đảm bảo đường truyền truy cập cho khách hàng như việc tăng cường gần 5.000 trạm 4%, dung lượng VN2 đạt hơn 100Tbps, tăng 15.91%; truyền dẫn liên tỉnh tăng 16.56%; dung lượng kênh quốc tế đạt 61.64 Gbps, tăng 17.5% so với năm 2020, tương đương 921Gbps. Tốc độ download 4G tăng 32.25% so với đầu năm. Tốc độ download trên mạng băng rộng cố định tăng 71.89%. Dự kiến trong năm 2022, VNPT sẽ tiếp tục tăng cường tỉ trọng cáp đất lên 900G (từ 4% lên 10%) ngay trong quý 2/2022 và tăng cường băng thông đến các ứng dụng dịch vụ quốc tế lớn.
Đặc biệt trước mắt, trong dịp tết Nguyên đán sắp tới, VNPT cũng đã có các phương án đảm bảo trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng như triển khai tăng cường trạm phát sóng di động và băng thông internet để đáp ứng nhu cầu thực tế, nâng cấp hệ thống để chống nghẽn mạng theo từng khu vực và thời điểm.
Tuy nhiên, để tránh tình cảnh “cá mập cắn cáp” diễn ra liên tục trong các năm qua, về lâu dài hạ tầng cáp quang biển của Việt Nam cần tiếp tục được đầu tư mạnh hơn nữa. Để đảm bảo ổn định chất lượng truy cập cũng như dung lượng kết nối internet quốc tế, các nhà mạng cần có chiến lược đầu tư hạ tầng cáp quang biển, nhất là các tuyến cáp biển mới với quy mô lớn và công nghệ tiên tiến.
Bình luận (0)