Tội ác đằng sau vô lăng...

15/12/2019 09:00 GMT+7

Tài xế xe tải đi vào đường cấm , gây tai nạn giết chết một thiếu niên với giấc mơ cháy bỏng trước cổng trường đại học , cướp đi niềm hy vọng, nguồn sống của đôi vợ chồng hiếm muộn...

Ước mơ chôn vùi dưới bánh xe tải

Ngồi trong phòng xét xử một ngày cuối tháng 11.2019, bà N.T.K.N (49 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM) cứ nhìn mãi bộ cảnh phục của những chiến sĩ công an dẫn giải bị cáo. Trước khi vào phòng xử, bà tâm sự với tôi, nếu L.Đ.K (sinh năm 2000), con trai của bà còn sống, có lẽ thằng bé cũng sẽ khoác trên người bộ cảnh phục màu xanh với cầu vai đỏ, bước chân vào ngôi trường đại học mà K. hằng mơ ước.
Theo cáo trạng, khoảng 21 giờ ngày 5.5.2017, trên đường Tân Kỳ Tân Quý, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, bị cáo Lê Quang Vũ đã có hành vi điều khiển xe ô tô tải lưu thông vào đường cấm, thiếu chú ý quan sát khiến phần đầu xe va chạm vào đuôi xe máy do ông L.M.H điều khiển chở theo con là L.Đ.K, lưu thông cùng chiều, sát lề đường bên phải. Hậu quả, L.Đ.K tử vong, ông H. bị thương tích 44%.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ngoài tuyên phạt bị cáo Vũ 3 năm 6 tháng tù, HĐXX cũng tuyên buộc công ty sở hữu chiếc xe tải Vũ cầm lái phải bồi thường gia đình bị hại tổng cộng hơn 396 triệu đồng.
“Năm tới con sẽ thi vào Đại học Cảnh sát, sau này con muốn làm cảnh sát điều tra”, bà N. nhớ như in lời hứa đầy quyết tâm của đứa con trai khi nó đang học lớp 11 vào năm 2017. “Ai chứ thằng K. đã nói là nó sẽ thực hiện được. Nó mê làm công an, cảnh sát lắm. Biết ngành này lấy điểm cao, thằng bé cố gắng học ngày học đêm để vào được ngôi trường mơ ước”, nói đến đây, bà ngẩng đầu, ngăn dòng nước mắt chực trào trên khóe mắt thâm quầng.
Sau phiên tòa hôm ấy, khi tìm đến nhà, bà N. cho tôi xem những di vật còn sót lại của con trai. Đó là những tấm ảnh mà K. nhận giải nhất một cuộc thi vẽ cấp quận, hay giấy khen học sinh giỏi nhiều năm liền của K. trong quãng thời gian cắp sách tới trường. Cả học bạ lớp 11 còn dang dở, bà cũng đến trường xin lấy về. Chỉ cái ti vi ở phòng khách, một người bác của K. nói: “Cái ti vi kia tôi mua cho thằng K. Nó năn nỉ tôi mãi, bảo má Sáu mua ti vi bự cho con coi ít hôm, rồi con tập trung ôn đại học. Lựa được cái ti vi ở tiệm, chuẩn bị bảo người ta chở về thì ba nó điện thoại báo tin…”.
Với bà N., đứa con duy nhất L.Đ.K là niềm tự hào, là hy vọng lớn lao của đôi vợ chồng hiếm muộn. “Bốn năm liền, tôi cùng chồng đi chùa cầu nguyện, mong sinh được một đứa con. Cuối cùng thằng bé cũng xuất hiện, nhưng rồi lại chẳng thể giữ nó bên mình”, bà N. gạt nước mắt. Người mẹ đâu ngờ, chỉ trong giây phút lơ đãng của người tài xế, đứa con bà yêu quý đã ra đi mãi mãi, bỏ lại đó ước mơ còn đang cố gắng từng ngày.

Nỗi đau của người cha

Tại phiên tòa, với tư cách người bị hại, chồng bà N., ông L.M.H (49 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM) thuật lại sự việc đau lòng: “Hôm đó, chở thằng K. về nhà sau lớp học thêm lúc 9 giờ tối, tôi nhớ mình điều khiển xe đi rất chậm, sát lề đường, đột nhiên phía sau có gì đẩy tới, húc thẳng vào đuôi xe. Lúc tôi mở mắt ra, hai cha con đã nằm dưới gầm ô tô tải”. Và sau cú va chạm, ông H. may mắn thoát chết, nhưng đứa con trai của ông đã mãi mãi không về.
Ra tòa với tội danh “vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ”, bị cáo Lê Quang Vũ (39 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) được HĐXX đặt câu hỏi: “Bị cáo nghĩ như thế nào về việc mình đã gây ra?”. Nhìn HĐXX, bị cáo trả lời: “Bị cáo biết bản thân làm công việc nguy hiểm nhưng vẫn phải làm vì nuôi gia đình, con cái”.
Nhận được câu trả lời không đúng trọng tâm, HĐXX tiếp tục: “Ở đây, HĐXX muốn đánh thức lương tâm của bị cáo. Bị cáo có bằng lái ô tô tải, bị cáo đã được học rằng mình phải cẩn thận, cẩn trọng thế nào khi tham gia giao thông rồi. Bản thân bị cáo lái xe lớn thì phải chú ý an toàn vì hậu quả gây ra là cực kỳ nghiêm trọng. Bị cáo nên biết mình không thể đem tiền để mua lấy tính mạng của ai được”.
Nghe phân tích của HĐXX, bị cáo cúi gằm mặt, đáp lại bằng một câu cụt lủn: “Bị cáo không biết nói gì” khiến chủ tọa khẽ lắc đầu: “Bị cáo nói không biết thì ai có thể biết bây giờ. Phiên tòa này, HĐXX chỉ muốn đánh thức lương tâm, sự cẩn trọng của người tài xế mà thôi”. Nói xong, ông cho dừng phần xét hỏi. Có lẽ, ông cũng không còn trông đợi gì từ bị cáo, dù hậu quả người này gây ra là quá nặng nề.
Bà L.T.A.N, chị gái ông H. (bố K.), phát biểu tại tòa: “Anh ta (tức bị cáo - PV) làm sao hiểu được. Tôi phải cố gắng để vực dậy tinh thần vợ chồng thằng H. trước nỗi đau mất đứa con duy nhất”. Theo bà N., đối với vợ chồng ông H., mỗi lần mở phiên tòa là mỗi lần nỗi đau sắp lành của ông bà như bị cứa lại. Sợ bản thân không kìm chế được cảm xúc, ông H. phải ủy quyền cho bà phát biểu tại tòa. Hai năm trôi qua, mỗi lần nghĩ về con, ông vẫn dường như không chịu nổi hình ảnh giây phút kinh hoàng, bất lực nằm nhìn đứa con bị bánh xe cán ngang mà không thể làm gì. Ông đau đớn mỗi khi nghĩ về tiếng thều thào “Con đau quá ba ơi” thoáng nghe được lúc nằm dưới gầm xe tải hôm ấy.
“Em trai tôi đã hai lần tuyệt vọng đến mức muốn nhảy khỏi lan can bệnh viện để đi theo con mình. Ai cũng biết, con cái là nguồn sống của cha mẹ, giờ đứa con duy nhất qua đời, nó còn biết sống vì ai?”, nhìn ông H. tập tễnh bước vào phòng xử, bà N. nén thở dài, cố nói hết bức xúc.
Cuối cùng, TAND Q.Bình Tân (TP.HCM) tuyên bị cáo Lê Quang Vũ 3 năm 6 tháng tù. Kẻ gây tội ác đã phải lãnh hậu quả pháp lý. Nhưng đối với gia đình ông H., dù mức án có thế nào thì đứa con duy nhất của ông cũng sẽ chẳng thể trở về được nữa. “Biết đường cấm nhưng tại sao vẫn cứ đi?”, hướng mắt xuống đôi chân không còn lành lặn sau tai nạn, nhớ đến đứa con trai đã mất, ông H. lẩm nhẩm hỏi rồi như tự trả lời: “Chạy xe như thế khác nào tội ác!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.