(TNO) Tại Israel, tôi chợt giật mình khi nhận ra rằng tiền và cuộc sống có phần dễ dàng ấy có một sức hút lớn. Càng kiếm được tiền nhanh và dễ, bạn càng muốn kiếm được nhiều hơn, và bị cuốn theo nó khi nào không hay.
>> Tôi bước vào thế giới hippie - Kỳ 3: Ấn Độ huyền bí
>> Tôi bước vào thế giới hippie - Kỳ 2: Bob Marley là ai vậy ?
>> Tôi bước vào thế giới hippie - Kỳ 1: Cuồn cuộn trong lặng thầm
Cảng Haifa, Israel
|
Sau nửa năm ở Ấn Độ, tôi khánh kiệt không còn một xu. Không phải vì mình tiêu nhiều mà vì từ ban đầu mình đi đã không có đủ tiền, nên dù tiết kiệm thế nào, ăn ngủ đi rẻ ra sao thì kết cục cạn túi là không tránh khỏi. Tuy nhiên, “trời thương người tốt”, tôi đã may mắn có cơ hội sang Israel ngay sau đó và xin được visa làm việc. Loay hoay xin việc một hồi cũng vào làm được ở một số công ty công nghệ, trong khi mình không biết chút xíu gì về công nghệ, nhưng tôi đoán là vì tiếng Anh khá và họ thấy mình cũng “dễ chơi”. Ở nơi nào làm được vài tháng tôi cũng được thăng chức, từ nhân viên quèn lên quản lý, nói chung mọi thứ suôn sẻ đáng kinh ngạc. Tiền lương của tôi mỗi tháng rất cao và tôi để dành được một khoản khá lớn sau một thời gian không dài ở Israel. Cuộc sống ở Tel Aviv lại rất tuyệt vời với bờ biển dài đẹp thơ mộng, Jaffa kiến trúc cổ kính và nhiều gallery nghệ thuật rất hấp dẫn, người dân Israel thông minh, vui tính, tốt bụng… Thật sự không có gì để chê.
Vấn đề là, tiền và cuộc sống có phần dễ dàng ấy có một sức hút lớn. Càng kiếm được tiền nhanh và dễ, bạn càng muốn kiếm được nhiều hơn, và bị cuốn theo nó khi nào không hay. Sau một thời gian ở Israel, tôi bắt quả tang bản thân mình nghĩ “Chà, nếu mình ở đây thêm từng này tháng, mình sẽ kiếm được từng này, không ở đâu có thể kiếm nhiều như vậy…” và nổi giận với bản thân. Cuối cùng tôi phải đưa ra một con số vừa đủ và hợp lý là cái đích, một khi đạt tới tôi sẽ phải dừng chặng đường Israel lại để đi tiếp. Sau một năm rưỡi, cuối cùng tôi cũng đạt cái đích này. Để bỏ một cuộc sống nhiều hứa hẹn như vậy cũng đòi hỏi rất nhiều quyết tâm. Nhưng ước mơ là ước mơ, lục địa đen châu Phi luôn là ước mơ lớn nhất của tôi từ sau Ấn Độ, và tôi nhất định phải hiện thực hóa nó. Vậy là, một ngày đẹp trời, tôi xách ba lô 15 ký bắt xe buýt đi từ Tel Aviv tới Eilat, và từ đó qua biên giới tới Sinai - Ai Cập.
Tôi đi 6 nước ở châu Phi dọc bờ Ấn Độ Dương trong vòng gần 5 tháng. Châu Phi là một câu chuyện rất khó kể, vì với tôi nó là khoảng thời gian tôi đi sâu vào nội tâm và khám phá nhiều điều kỳ bí của bản thân nhất mà tôi bỏ quên, tôi chưa biết, hoặc tôi quá bận rộn hướng ra bên ngoài nên chưa nhận ra. Ở châu Phi rất khó tìm bạn đi cùng. Đa phần dân du lịch ở đây là các cô chú bác trung niên người Mỹ và châu Âu, chủ yếu đến để làm một tour ngắm nhanh chóng các loài động vật hoang dã. Họ thường ăn mặc rất nghiêm chỉnh và chuẩn đồ Nike, North Face, máy ảnh lens dài 3 gang tay. Họ cũng rất tốt và vui vẻ, nhưng để đi chơi cùng nhau thì hơi khó, vì đa phần họ đi theo một đoàn rất đông và những mối quan tâm của chúng tôi không giống nhau mấy. Đơn giản như việc tôi vẫn lang thang châu Phi với mấy cái quần mỏng dính đũng ngang gối, dép lê loẹt quẹt và cầm theo chiếc máy ảnh kỹ thuật số cũ rích tôi mua $100 ở Mỹ cách đó 3 năm. Nhưng cũng nhờ có vậy, tôi có rất nhiều thời gian học cách ở một mình.
Đi cho đại bàng ăn trên chiếc thuyền gỗ độc đáo ở Cape Maclear, Malawi
|
Nếu phải chọn một nước, tôi nhất định chọn Malawi. Malawi nhỏ xíu thôi nhưng đẹp vô ngần. Hồ Malawi là một trong những hồ lớn nhất thế giới, phản chiếu bầu trời xanh ngắt đến chói chang. Vùng đồi núi Malawi đẹp, tuy khác, nhưng không kém đồi núi ở Ấn Độ. Đặc biệt là con người Malawi, chân thành, tốt bụng, nhiệt tình đến kinh ngạc. Đã quen với việc phải xù gai để không bị bắt nạt thì khi tới Malawi tôi đã rất bất ngờ với con người nơi đây. Nhà trọ tôi đến hôm đầu tiên ở Malawi có một chú trông coi 24/7. Nói chuyện với chú một hồi thì biết chú đang làm việc để kiếm tiền đi học đại học, tôi không nhớ chính xác con số là bao nhiêu nhưng tôi nhớ nghe chú tính toán thì xem ra phải hơn chục năm nữa mới may mắn kiếm được nửa số tiền. Ấy vậy, chú rất hào hứng khoe tôi chú đang chăm chỉ trồng khoai nữa, khoai mà được thì ra ngoài bán cũng có thêm tiền, nhưng nếu tôi đói thì cứ bảo chú nhổ khoai nấu cho tôi ăn miễn phí. Ôi chao!
Ở Tanzania tôi cũng lon ton đi safari 3 ngày 2 đêm, ở Serengeti và Ngorongoro - khu hệ sinh thái hoang dã lớn nhất thế giới. Quả là một trong những khoảng thời gian quý giá nhất của cuộc đời tôi, được ngắm nhìn thiên nhiên gần gũi và chân thực nhất. Tôi tận mắt chứng kiến cuộc rượt đuổi săn mồi của hai chú báo dũng mãnh, đứng ngay cạnh một đoàn lớn khoảng 20 con voi già trẻ đầy yêu thương, ngước mắt nhìn hàng chục chú hươu cao cổ ăn lá chậm rãi thư thái, rượt theo mấy cô cậu hà mã ục ịch đuổi nhau và nghịch bùn lấm lem, ngắm một vài trong số những chú tê giác đen quý giá hiếm hoi còn lại trên thế giới, choáng ngợp trước hàng trăm ngàn con linh dương (wildebeest) chung sống một nhà, và hoàn toàn bị chinh phục khi được dõi theo một gia đình sư tử với một sư tử đực và ba sư tử cái chạy đuổi nhau chơi đùa ngập tràn tự do và hạnh phúc trên cánh đồng cỏ vàng rực cháy nắng Phi châu.
Khi có các bạn động vật thì không được ra khỏi xe Jeep, chỉ khi không có ai mới chạy ra chụp được (ở Serengeti và Ngorongoro - Tanzania)
|
Bên cạnh những câu chuyện đẹp như mơ là những khoảng thời gian khó khăn thử thách tôi chưa bao giờ đối mặt trước đó. Khi qua biên giới từ Ethiopia đến Kenya, chẳng may vào mùa mưa, tôi đã rất vất vả chen chúc chui lên được một chiếc xe tải ngồi với hàng chục người địa phương dưới tấm vải nilon nóng bức như chở… heo. Đó là rất may mắn rồi đấy! Nóng quá không chịu được, tôi trèo lên ngồi ngay trên nóc chỗ người ta ngồi lái, bám vào cái khung ở đó cưỡi xe tải như phim, gió lồng lộng thổi tưởng bay đi mất, mưa thì lại hì hục chui xuống trốn. Tưởng thế là xong, ai dè đi được một ngày tới chiều tối xe mắc bùn, kẹt luôn không đi nổi. Mọi người chung tay đào đất đẩy xe nhưng không được. Vậy là ngủ trong xe cả tối bụng đói meo, nửa đêm nghe tiếng linh cẩu gầm gừ ngay thành xe, chúng ngửi thấy mùi người nên từ đâu mò tới dọa nạt. Sáng hôm sau dậy đi quanh mới thấy hóa ra có tới gần 5 xe tải bị kẹt ở đây. Chúng tôi lếch thếch lôi nhau đi bộ cả chục cây số tới được một cái làng nhỏ, ít ra có giường ngủ, thỉnh thoảng tắm mưa, và có một quán ăn không có gì khác ngoài cơm và mỡ. Gần 200 con người cả người già trẻ con bị tắc ở đây 5 ngày dần cũng quen biết nhau, trò chuyện, chia sẻ, và mỗi ngày đều hỏi trêu nhau một câu quen thuộc “Ơ bạn vẫn chưa thoát à?”. Đến ngày thứ 6 may mắn người ta gửi xe Jeep đến và tôi lại phải tranh đấu để lên được xe rời khỏi cái nơi mà không ai biết là đâu đó.
Rồi còn chưa kể đến những vùng hẻo lánh không có một khách du lịch nào, như Lamu ở Kenya, Zanzibar đi sai mùa ở Tanzania, ở một hòn đảo Jungle Junction ở Zambia, và nhất là lần ở Monkey Bay - Malawi. Lần ấy, tôi tới nơi mò mẫm đi tìm nhà trọ theo chỉ dẫn của cẩm nang Lonely Planet. Đi lòng vòng, ngoắt nghéo, qua một dãy núi, một cánh đồng, vòng vèo một hồi cũng đến nơi. Nhà trọ làm bằng gỗ (ở bên đó họ hay làm bằng gỗ, không phải loại xịn và đắt như ở thành thị mình đâu), gồm nhiều căn cấp 4 cạnh nhau trên bờ biển cát trắng rất đẹp và thanh bình. Không gian yên tĩnh và hòa với thiên nhiên, cả nhà trọ không sử dụng điện, nói chung đến nơi tôi rất sung sướng, mặc dù ngoại trừ tôi và hai người làm việc ở đó chẳng có ai khác nhưng tôi hào hứng có cả bãi biển cho bản thân. Lấy được giường ngủ ở dorm (phòng rộng nhiều giường ngủ cho rẻ), tôi vừa đặt lưng xuống là đánh luôn một giấc sâu vì mệt quá. Đến lúc dậy cũng phải hơn 10 giờ, trời đã tối om, nửa mơ nửa tỉnh, bụng đói, tôi ra ngoài xem có gì ăn uống không. Nhưng kinh ngạc thay, sau một hồi tìm trong vô vọng, gào thét khản cả tiếng không có ai trả lời, tôi mới hiểu người ta làm xong đã đi về hết cả, chỉ còn mỗi mình ở giữa nơi biển không mông quạnh giữa rừng giữa núi này và chẳng-hề-có-một-ai-khác. Run run nhận ra sự thật, tôi ngước lên may mắn thấy ánh trăng tròn tỏa sáng dịu dàng dẫn lối, ngồi nghịch cát một hồi nhìn trăng cho lòng bình tâm lại, tôi chui vào phòng (và không có khóa) ngồi thắp nến cố gắng thiền, thỉnh thoảng miệng lẩm nhẩm hát, xui xẻo là vì đã ngủ một giấc đẫy trước đó nên giờ phải ngồi lo lắng sợ hãi một lúc lâu mới dần ngủ lại được. Sáng hôm sau thật sự quá đỗi hạnh phúc khi thấy mặt trời lên và hai người bạn hôm qua lại xuất hiện, như chưa có điều gì xảy ra!
Trẻ con từ đâu chạy ra mà đông quá nè ?!! (ở miền Nam Ethiopia)
|
Đó là châu Phi của tôi. Nơi bức tranh đen trắng, tối sáng, giàu nghèo, tốt xấu được vẽ hòa quyện vào nhau rất điêu luyện, rất nghệ thuật nhưng lại giản dị và có phần ngây thơ đến lạ lùng. Đó cũng là điều tôi học được về bản thân, trong con đường trở thành một hippie thực thụ. Tôi cũng là tổng hợp của những điều đối lập, điều quan trọng là phải tìm được sự cân bằng giữa các cực ngược nhau. Châu Phi cho tôi quá nhiều bài học sâu sắc khiến tôi thay đổi toàn bộ kế hoạch của mình để về nhà dành thời gian suy ngẫm. Đã có một thời gian tôi bị cuốn theo cái mác “hippie” mà tôi chưa thật sự hiểu để biến nó thành mình, chứ không phải biến mình thành nó. Một thời gian tôi từ chối tất cả các giá trị cũ, những gì tôi đã học đã biết, để chạy theo các bài học mới, các giá trị mới. Tôi chưa bao giờ hối tiếc, vì nhờ có chúng mà tôi phát triển được đến ngày hôm nay, nhưng chặng đường còn quá dài và “chối bỏ” hay “chạy trốn” một cái gì đó để “đuổi theo” một cái gì khác không phải là cách làm đúng đắn. Ấy, nhưng mà này, bạn cũng phải tự làm sai thì bạn mới học được, chứ đừng tin luôn lời tôi tào lao nhé! Nghe biết chơi vậy thôi!
Bình luận (0)