Tôi có ý kiến: Đừng quản không được thì cấm

20/01/2016 07:54 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc khi đọc bài Đã khó tách thửa lại không cho bán nền trên Thanh Niên số ra ngày 19.1.

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc khi đọc bài Đã khó tách thửa lại không cho bán nền trên Thanh Niên số ra ngày 19.1.

Hạn chế cũng không được
Trước đây, cũng với quan điểm để kiểm soát tốt việc phân lô bán nền, UBND H.Cần Giuộc, Long An cũng đã hạn chế việc tách thửa, bán nền. Điều này gây bức xúc cho các hộ dân, nhất là những hộ khó khăn cần phải chuyển nhượng đất để ổn định cuộc sống. Nói là hạn chế phân lô để hạn chế những khu nhà ổ chuột, tự phát..., thế nhưng thực tế thì những khu nhà như thế vẫn mọc lên bởi đó là nhu cầu thực sự của người dân, của xã hội.
Lê Minh Trí (Q.Tân Phú, TP.HCM)
Tùy trường hợp mà hạn chế
Những năm qua trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều người dân lợi dụng chính sách cho tách thửa đất để phân lô bán nền không đúng quy định. Việc này gây nên những hệ lụy như “dự án 3 chung”: chung thửa đất, chung giấy chứng nhận, chung số nhà; xin chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở rồi tách đất ra từng miếng nhỏ xíu, bán giấy tay… Nếu tình hình này diễn ra phổ biến sẽ phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng an ninh trật tự… Chính từ thực tế này mà thành phố muốn “siết” lại việc tách thửa, bán nền. Điều này nghe có lý nhưng không nên đánh đồng tất cả. Hơn ai hết chính cán bộ nhà đất sẽ hiểu rõ hơn hết việc tách thửa, phân lô của các hộ dân nhằm mục đích gì, từ đó đề xuất có nên cho phép hay không.
Nguyễn Thanh Tuyên (Thủ Dầu Một, Bình Dương)
Sẽ phát sinh tình trạng phân lô bán nền chui
Nếu cấm phân lô, hạn chế bán nền sẽ phát sinh tình trạng phân lô bán nền chui, xây dựng trái phép... Khi đó chính quyền sẽ càng đau đầu hơn trong việc xử lý tình trạng xây dựng sai phép, nhà ổ chuột… Nhu cầu về nhà ở hiện nay tại TP.HCM là nhu cầu rất thật, nếu nhà nước không có quy hoạch nào cụ thể, chiến lược để giúp những người có nhu cầu về nhà ở ổn định cuộc sống thì phải tạo điều kiện để người dân phân lô bán nền chứ sao lại cấm?
Vũ Thị Thu Nguyệt (xã Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM)
Khó cho cán bộ
Cán bộ phụ trách hồ sơ xin tách thửa của người dân làm sao có thể phân biệt được cái nào là tách thửa đất do khó khăn về nhà ở hay để chuyển nhượng? Người dân đứng tên trên thửa đất, muốn tách thửa để cho con cái hay làm gì là quyền của họ đã được pháp luật công nhận, miễn sao làm đúng quy định, phù hợp quy hoạch, tuân thủ mọi điều kiện, yêu cầu... Giờ hạn chế, nếu người dân kiện thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Đó là những trăn trở rất thật, rất đáng để xem xét. Cán bộ làm sai sẽ bị dân kiện, nếu làm đúng theo hướng dẫn của văn bản 142 thì sai quy định. Cán bộ sẽ rất khó xử khi thụ lý.
Bùi Ngọc Phương (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Hết đất nông nghiệp đến đất ở
Tại TP.HCM trước đây cũng gặp vướng mắc ở khâu tách thửa đất nông nghiệp. Lý do chỉ có quy định tách thửa đất ở, chưa có quy định tách thửa đất nông nghiệp nên chính quyền không có căn cứ giải quyết. Việc này gây khó khăn cho bao nhiêu hộ nông dân có nhu cầu tách thửa để chuyển nhượng. Nay đến lượt chính quyền “làm khó” trong việc tách thửa, chuyển nhượng đất ở. Tại sao không tạo điều kiện để người dân thuận lợi trong tách thửa, chuyển nhượng mà lại làm khó như vậy?
Đào Ngọc Bích (P.4, Q.6, TP.HCM)
TP.HCM cần tạo cho người dân hành lang pháp lý để họ có thể làm được các dự án phân lô bán nền phù hợp với quy hoạch. Phải chỉ rõ cho dân biết, điều kiện như thế nào được làm hạ tầng, nghiệm thu, quản lý ra sao. Không nên cấm hoặc gây khó khăn cho dân trong phân lô bán nền.
Nguyễn Hoàng Thái (H.Nhà Bè, TP.HCM)
Đây là hệ lụy của tư duy quản không được thì cấm. Thiết nghĩ, thành phố cần xem xét lại việc này để dân nhờ. Nếu quy định trái pháp luật đất đai thì các cơ quan chức năng phải yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường xem xét, thu hồi lại văn bản đã ban hành. Hơn thế, văn bản này có thể sẽ tạo kẽ hở để các cán bộ biến chất đang phụ trách việc tách thửa, phân lô ở địa phương tham nhũng, vòi vĩnh người dân.
Nguyễn Đức Hữu (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
T.T - Duy Khang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.