Tôi có ý kiến: Gia đình là nơi giáo dục tốt nhất

22/01/2016 09:00 GMT+7

Bài viết Bạo lực học đường ám ảnh học sinh: Khi tổ ấm... lạnh lẽo trên Thanh Niên số ra ngày 21.1 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc.

Bài viết Bạo lực học đường ám ảnh học sinh: Khi tổ ấm... lạnh lẽo trên Thanh Niên số ra ngày 21.1 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc.

* Tấm gương của con cái
Ba mẹ, ông bà luôn là tấm gương cho con cái noi theo. Lối sống của ba mẹ thế nào, con cái sẽ học và sống theo như thế. Một đứa trẻ sống trong gia đình đầy bạo lực, cha mẹ mắng chửi nhau thì chắc chắn đứa trẻ ấy sẽ bị bạo lực ám ảnh, có dịp là bùng phát. Vì mình là tấm gương để con cái soi vào nên các bậc cha mẹ hãy sống sao để con cái mình không bị tiêm nhiễm những cái xấu, cái không đẹp từ chính bản thân cha mẹ.
Nguyễn Duy Hải (TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long)
* Gia đình là chỗ dựa vững chắc
Xã hội bây giờ có quá nhiều cạm bẫy đối với trẻ em. Vì vậy, gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất cho các em. Một khi gia đình không còn là “tổ ấm”, là nơi để các em tìm về, dựa vào những khi yếu lòng thì chắc chắn các em sẽ dễ dàng sa vào cạm bẫy, trở thành kẻ ác, kẻ xấu lúc nào không hay. Vì vậy, các bậc cha mẹ đừng quá chạy theo đồng tiền, sự mưu sinh hay những thú vui cá nhân mà quên đi con cái.
Võ Thị Mỹ (P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM)
* Nhiều dạng bạo lực
Bạo lực học đường thể hiện dưới nhiều dạng, nhiều hình thức khác nhau. Ngày xưa, tôi từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Bản thân tôi có nhiều khiếm khuyết về ngoại hình nên lúc nào cũng bị các bạn cùng lớp, cùng trường lôi ra làm trò cười, chọc phá. Những tháng ngày đó, đến trường là một nỗi ám ảnh. Tôi sợ tiếp xúc, gặp gỡ với các bạn cùng trường, lầm lũi đến lớp, lầm lũi về. Thế nhưng, không một ai nhận ra và an ủi, động viên tôi. Rất may tôi đã đọc được một cuốn sách hay về cuộc sống, về tâm lý làm người. Cuốn sách ấy đã vực tôi dậy, tôi sống cho bản thân mình, không e sợ trước sự chọc ghẹo, những ánh mắt soi mói của bạn bè. Dần dần tôi lấy lại tự tin. Đó là một dạng bạo lực mà có thể rất nhiều trẻ con, trong đó có em, con, cháu của bạn đang bị mà bạn không nhận ra.
Đậu Thị Hương (P.3, Q.5, TP.HCM)
* Phát hiện kịp thời
Thỉnh thoảng các ông bố bà mẹ hãy ôm con vào lòng và hỏi: “Con có nỗi sợ nào khi đến trường không? Bạn bè trong trường có tốt với con không?”, đồng thời theo dõi thái độ của con mỗi ngày sau khi trở về từ trường. Điều này sẽ giúp cha mẹ phát hiện kịp thời con mình có bị bạo lực ở trường hay không. Đó có thể là bạo lực tay chân và cả bạo lực tinh thần. Đối với con cái, không có điểm tựa nào vững vàng bằng cha mẹ!
Hồ Thị Nga (P.6, Q.3, TP.HCM)
* Đừng lừa dối con cái
Ở Mỹ và các nước châu Âu, tỷ lệ ly hôn rất cao. Tuy vậy, cha mẹ rất ít làm con cái tổn thương khi tình yêu của cha mẹ không còn. Chuyện vợ chồng là chuyện của người lớn. Dù ly hôn, cả hai vẫn lo lắng cho con cái, vẫn thăm con cái mỗi tuần hoặc điện thoại thường xuyên khi vợ chồng không sống với nhau. Còn ở VN, có những cặp vợ chồng không hạnh phúc những vẫn cố sống với nhau với lý do... vì con cái. Đây là ác mộng đối với con cái. Hơn ai hết, con cái rất nhạy cảm với tình cảm của ba mẹ dành cho nhau. Một khi con cái cảm giác ba mẹ đang lừa dối mình, các cháu sẽ rất bất mãn và dẫn đến sự phản kháng bằng cách gây nên những hệ lụy bên ngoài.
Huỳnh Gia Hân (P.Cô Giang, Q.1, TP.HCM)
Khi sống trong gia đình không hạnh phúc, nhiều bạn trẻ sẽ nổi loạn bằng cách gây bạo lực trong trường học, ngoài xã hội để gây sự chú ý. Có bạn trẻ sau khi đánh nhau với bạn cùng trường đã nói rằng, phải làm như vậy thì trường sẽ gọi ba mẹ, lúc đó ba mẹ mới nhớ ra là con mình đang học ở đó, nó đánh nhau với bạn... Vì vậy, các bậc cha mẹ xin đừng “quên con” trong chính ngôi nhà của mình.
Huỳnh Duy Thịnh (Q.8, TP.HCM)
Sự ức hiếp, cô lập một thành viên nào đó trong trường, trong lớp cũng là biểu hiện của bạo lực học đường. Có rất nhiều trẻ em đang bị bắt nạt ở nhà trường mà thầy cô, gia đình không hề hay biết. Vì vậy, bên cạnh giáo dục về kiến thức, đạo đức, nhà trường cũng cần có biện pháp để phát hiện bạo lực học đường, bạo lực tinh thần trong học đường để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Một đứa trẻ bị bạo lực thời đi học sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề về tâm lý khi trưởng thành.
Đào Văn Thọ (Q.Tân Phú, TP.HCM)
T.T - Duy Khang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.