Tôi có ý kiến: Một việc làm dũng cảm

30/11/2015 05:24 GMT+7

Khi nhận ra sai, nhanh chóng giải oan, đền bù thiệt hại cho người bị oan sai là một việc làm rất dũng cảm của các cơ quan chức năng.

Khi nhận ra sai, nhanh chóng giải oan, đền bù thiệt hại cho người bị oan sai là một việc làm rất dũng cảm của các cơ quan chức năng.

Đại tá Phạm Thật đọc quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén - Ảnh: Quế HàĐại tá Phạm Thật đọc quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén - Ảnh: Quế Hà
Đó là một trong nhiều ý kiến của bạn đọc khi đọc bài viết Kỳ án Huỳnh Văn Nén 2 lần bị oan sai trên Thanh Niên số ra ngày 29.11.
Xin chúc mừng
Tôi rất vui mừng vì sự tự do của ông Nén sau 17 năm bị án oan. Cuộc đời này vốn rất công bằng, tôi tin các cơ quan chức năng sẽ bồi thường thỏa đáng cho ông. Tôi cũng nghĩ rằng, tiếp theo các cơ quan sẽ nhanh chóng điều tra và xử lý nghiêm bất kỳ ai, bất kỳ cơ quan nào đã thiếu trách nhiệm.
Lê Văn Nam ([email protected])
Có trách nhiệm
Giải oan là một việc làm dũng cảm, có trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Mong sao ngoài việc bồi thường vật chất, cơ quan chức năng gây oan sai cần hỗ trợ về tinh thần cho ông Nén và gia đình nhiều hơn để ông vui sống phần đời còn lại trong tự do.
Võ Vũ Việt ([email protected])
Xử lý những ai cố tình làm sai
Ông Huỳnh Văn Nén bị oan cả hai vụ án. Theo tôi, ai gây ra oan sai phải bị xử lý. Tôi hoan nghênh việc các cơ quan chức năng đã giải oan, bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén, nhưng cũng cần xử lý đến nơi đến chốn những kẻ nhẫn tâm, làm ảnh hưởng xấu đến chế độ.
Hoàng Văn Dũng ( hvd76@gmail,com)
Hãy có trách nhiệm
Việc oan sai có thể còn kéo theo bao bi kịch của gia đình. Vì vậy mong rằng các cán bộ điều tra, truy tố, xét xử tội phạm hãy thật thận trọng trong công tác. Hãy luôn nhớ rằng chưa ai bị xem là có tội khi chưa có quyết định của tòa án. Mỗi khâu, mỗi người cứ làm tốt công việc của mình để không ai bị oan sai, không một gia đình, dòng họ nào phải đau khổ vì lỗi lầm không phải do chính họ gây nên.
Trần Văn Kiệt ([email protected])
Minh bạch trong tiến hành tố tụng
Các vụ án oan sai thường bắt nguồn từ việc ép cung, mớm cung, dùng nhục hình của cán bộ điều tra đối với nghi phạm. Theo tôi, để tránh xảy ra tình trạng oan sai, các cơ quan tiến hành tố tụng nên “minh bạch” trong công tác của mình. Cần thiết phải lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm nhắc nhở điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động tố tụng. Bên cạnh đó, việc tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người giám hộ, luật sư tham gia từ đầu của vụ án để tránh hành vi cố ý làm trái, sai phạm của các cán bộ trong cơ quan tiến hành tố tụng.
Võ Như Thảo ([email protected])
Đừng để xảy ra nữa
Với những trường hợp oan sai, trước đây là Nguyễn Thanh Chấn và giờ là Huỳnh Văn Nén, thiết nghĩ đã đến lúc nhà nước cần có những quy định pháp lý sao cho đừng xảy ra những trường hợp đau lòng như trên nữa. Làm sao, lấy gì để đền bù những mất mát không gọi tên được của gia đình ông Nén.
Nguyễn Phi Long ([email protected])
Nên đơn giản thủ tục bồi thường
Hiện nay thủ tục bồi thường khá rườm rà, sự thỏa thuận rất chậm. Thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần đơn giản thủ tục bồi thường để người bị oan sai được đền bù một cách nhanh nhất. Đó là trách nhiệm mà các cơ quan có liên quan phải làm.
Tạ Quang Thắng ([email protected])
Ban CTBĐ (tổng hợp)
 
       
Đã có rất nhiều người giúp ông Huỳnh Văn Nén được minh oan, trong đó phải kể đến vai trò của ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh lúc xảy ra vụ án; ông Nguyễn Phúc Thành người làm đơn tố cáo người giết bà Bông; các luật sư, cơ quan truyền thông và một số cá nhân khác... Nên chăng, sau khi khắc phục oan sai cho ông Nén, cơ quan tiến hành tố tụng cần có hình thức khen thưởng những cá nhân này.
Luật sư Nguyễn Văn Điệp
(Đoàn luật sư TP.HCM )
       
Các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận cần tổ chức xin lỗi công khai, đền bù oan sai theo luật định đối với ông Nén càng sớm càng tốt nhằm xoa dịu và bù đắp các tổn thất thiệt hại về vật chất và tinh thần cho ông. Đó cũng là cách sửa sai đúng đắn nhất để người dân cảm thấy yên lòng, tin vào công lý, vào hệ thống pháp luật và sự thực thi pháp luật trong xã hội ta hiện nay.
Luật sư Lê Vi
(Đoàn luật sư TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.