'Tới cuối 2025 sửa luật Thuế thu nhập cá nhân là bình thường, đúng lộ trình'

29/11/2023 12:22 GMT+7

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm nói ông cũng 'rất sốt ruột' với việc sửa thuế thu nhập cá nhân vì đã lạc hậu nhưng cho rằng việc tới 2025 mới sửa luật là bình thường, đúng lộ trình.

Tại họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sáng 29.11, Báo Thanh Niên đặt câu hỏi về việc chính sách thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu cả chục năm, người dân rất bức xúc, nhưng theo kế hoạch phải tới cuối 2025 Chính phủ mới trình Quốc hội sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân.

Trả lời câu hỏi này, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm cho biết, các nội dung đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được tính toán cân nhắc từ đầu nhiệm kỳ. Việc luật Thuế thu nhập cá nhân được xếp vào chương trình năm 2025 xem xét là bình thường, đúng lộ trình.

'Tới cuối 2025 sửa luật Thuế thu nhập cá nhân là bình thường, đúng lộ trình' - Ảnh 1.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Trần Văn Lâm trả lời tại họp báo

GIA HÂN

Không đồng tình với các ý kiến cho rằng việc chính sách dễ dàng cho quản lý nhà nước luôn trở nên cấp bách, cấp thiết, còn việc sửa các chính sách liên quan quyền lợi người dân thì rất chậm, theo ông Lâm, rất nhiều chính sách thuế liên quan quyền lợi của người dân được Chính phủ, Quốc hội tích cực đề xuất sửa đổi.

Cụ thể như việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% vừa được Quốc hội thông qua hay chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý để Chính phủ đẩy nhanh tiến độ, trình Quốc hội vào năm 2024. "Đây đều là những chính sách thuế liên quan tới người dân", ông Lâm nói.

Ông Lâm cho hay, bản thân ông cũng "rất sốt ruột" với việc sửa chính sách thuế thu nhập cá nhân và trên hội trường Quốc hội ông đã nêu vấn đề này, kiến nghị "cần sửa càng sớm càng tốt" khi nhiều chính sách thuế bất cập, trong đó có thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, khi xem xét một cách tổng thể thì thấy "việc này tới nay chưa khả thi".

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách chia sẻ thêm, các nội dung chỉnh sửa, hoàn thiện pháp luật về thuế nhiều, không thể hoàn thiện tất cả trong 1 năm, nên cần chia nhỏ để đủ thời gian thực hiện. Chưa kể, mỗi dự án luật đều phải tuân theo trình tự, quy trình làm luật chặt chẽ.

Trước đó, tại phiên thảo luận ngân sách hôm 2.11, ông Trần Văn Lâm từng cho rằng các quy định trong thuế thu nhập cá nhân như khởi điểm thu nhập chịu thuế, mức chiết trừ gia cảnh... "lạc hậu cả chục năm".

Một trong những bất cập được nêu nhiều nhất là mức giảm trừ gia cảnh. Hiện, mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng, duy trì từ tháng 7.2020.

Trong đó, 11 triệu đồng được cơ quan thuế xác định bằng "mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người", còn 4,4 triệu đồng xác định bằng 40% so với giảm trừ của bản thân người nộp thuế. Trong khi hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng khoảng 20 - 30% từ sau dịch Covid-19, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên.

Trả lời báo chí hôm 2.11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận mức giảm trừ gia cảnh dùng để tính thuế thu nhập cá nhân đang thấp, sẽ tăng mức này khi sửa luật vào cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (cuối năm 2025).

Thuế thu nhập cá nhân gồm thuế từ người làm công ăn lương (chiếm chủ yếu) và thuế thu nhập từ cá nhân kinh doanh. Đây là một trong 3 sắc thuế trụ cột, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng.

Số liệu của Bộ Tài chính tới hết quý 3 cho thấy, khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân thấp hơn 7.200 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước, giảm 6%. Nếu so với kế hoạch cả năm, tiến độ thu sắc thuế này đạt hơn 78% dự toán. 

Đây là lần đầu trong chục năm qua, thuế thu nhập cá nhân 9 tháng tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước do kinh tế khó khăn, thu nhập người làm công ăn lương giảm.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.