'Tôi đã mời chuyên gia Liên Hiệp Quốc tính kế khắc phục rút BHXH một lần'

06/06/2023 14:00 GMT+7

Thừa nhận tỷ lệ rút bảo hiểm xã hội một lần đang tăng mạnh, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết ông đã mời một chuyên gia lao động được Liên Hiệp Quốc đánh giá cao sang "bày mưu tính kế" giải pháp khắc phục tình trạng này.

Tiếp tục trả lời chất vấn sáng 6.6, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) về việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, Bộ trưởng LĐ-TB-XH cho biết tình trạng này đang gia tăng nhanh.

‘Tôi đã mời chuyên gia Liên Hiệp Quốc ‘bày mưu tính kế’ khắc phục rút BHXH’ - Ảnh 1.

Trước năm 2019, số rút BHXH một lần bình quân khoảng 500.000 người/năm, nhưng như năm 2022 là hơn 900.000 người. “Đây là nguy cơ, nếu không được hạn chế và giảm bớt, người già sẽ không được hưởng lương hưu và an sinh xã hội, tới đây chế độ an sinh xã hội khó đảm đương”, ông Dung nêu.

Về lý do vì sao quá trình rút BHXH một lần tăng lên, theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH, do đời sống khó khăn và thu nhập của người lao động thấp. “Tôi đã để ý kỹ và nghiên cứu kỹ thì tuyệt đại bộ phận rút BHXH một lần rơi vào công nhân, công chức và viên chức rất ít. Đối tượng rút BHXH mấy năm vừa rồi gia tăng, chủ yếu là công nhân và khu vực phía Nam chiếm 72%, còn lại miền trung và miền bắc ít hơn”, ông Dung nói.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, “không có quốc gia nào mà cơ chế rút BHXH một lần dễ như Việt Nam”. Lý do điều 60 trong luật BHXH trước đây rất nhân văn, quy định tạo điều kiện cho người lao động ai có nhu cầu thì rút.

“Tôi đã mời một chuyên gia lao động được Liên Hiệp Quốc đánh giá giỏi nhất trong lĩnh vực BHXH sang bày mưu tính kế cho tôi giải pháp để khắc phục điều này. Ông ấy nói Việt Nam hào phóng quá về chính sách, chữa là rất khó, thông lệ quốc tế chỉ cho rút sang bệnh nan y... Nhưng ta cho rút là quyền của người dân thì không thể cấm”, ông Dung nói.

Bên cạnh đó, quyền lợi rút BHXH một lần rất cao, dù đóng bảo hiểm tỷ lệ 8% nhưng khi rút người lao động được hưởng toàn bộ phần đóng của nhà nước và doanh nghiệp, dẫn đến nhiều trường hợp chưa muốn rút nhưng vì thấy lợi ích tốt hơn nên lại rút. Dù vậy, một tín hiệu khá tích cực theo Bộ trưởng Dung là khoảng 1/3 số người rút đã quay trở lại đóng BHXH.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đã mời chuyên gia Liên Hiệp Quốc tính kế khắc phục rút BHXH một lần

Làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần trong công nhân lao động thời gian qua không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tăng cao khi có thông tin Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội phương án sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng quan trọng nhất là sự bất an đối với đối với sự ổn định của chính sách.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy

Nói thêm về nguyên nhân, theo ông Dung do thời gian qua chưa tốt công tác tuyên truyền, vận động. Ví dụ như tại Hà Nội, nếu 10 người đi rút vận động thì 6 người không rút nữa. “Tôi vào TP.HCM, Đồng Nai, công nhân đi rút nhiều, nếu tuyên truyền thì người ta không rút nữa”, ông Dung nói và cho biết đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM. 

Theo bà Lệ, đời sống người dân khó khăn, cộng thêm hiệu ứng khi đưa ra dự thảo sửa đổi luật BHXH khiến người lao động lo ngại không được hưởng quyền lợi như hiện nay nên tranh thủ rút BHXH một lần.

Ông Dung cũng khẳng định, việc sửa luật sẽ không hạn chế mà làm tăng quyền lợi của người lao động. Giải pháp xử lý cụ thể như thế nào kỳ họp tới Quốc hội sẽ bàn các phương án khác nhau để xử lý rút BHXH một lần hiệu quả nhất.

Nêu ý kiến tranh luận với phần trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP.HCM) cho rằng nếu nguyên nhân lớn nhất rút BHXH một lần tại TP.HCM tăng do chính sách tuyên truyền thì phía thành phố sẽ điều chỉnh.

‘Tôi đã mời chuyên gia Liên Hiệp Quốc ‘bày mưu tính kế’ khắc phục rút BHXH’ - Ảnh 3.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP.HCM)

GIA HÂN

Sửa luật nhiều, người lao động không an tâm tham gia BHXH

Song theo bà Thúy, mong muốn của người lao động TP.HCM là chính sách BHXH phải nhất quán và ổn định lâu dài. “10 năm sửa luật thì chính sách BHXH lại khác đi, thu dài, rút ngắn thời gian… dẫn đến người lao động không an tâm tham gia BHXH. Người ta phải tính toán lợi ích việc rút bảo hiểm một lần sau đó tham gia lại như thế nào”, bà Thúy lý giải.

Đại biểu đoàn TP.HCM cũng dẫn lại phần trả lời của Bộ trưởng Dung “sửa luật theo hướng tăng quyền lợi người lao động” là tăng theo hướng gì?

Theo Bộ trưởng LĐ-TB-XH, việc đảm bảo đời sống người lao động là nguyên nhân sâu xa nhất. Về nguyên nhân điều chỉnh chính sách, ông Dung tiếp tục cho rằng việc đưa ra dự thảo sửa luật tại khu vực phía Nam khiến nhiều người lao động lo lắng, nhất là tại khu vực phía Nam, đây là trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.

Về sửa bảo hiểm như thế nào, theo ông Dung, phải tính tổng thể các chính sách liên quan đến BHXH. Nếu người lao động đóng 20 năm như hiện nay thì không chờ được, nhất là những ngành thâm dụng lao động như dệt may, kéo dài đến 62 tuổi mới được nghỉ hưu là rất khó.

“Quan điểm là giảm số thời gian đóng BHXH xuống 15 năm tiến tới 10 năm. Nếu đóng ít thì hưởng ít. Nguyên tắc chia sẻ chỉ là một phần, còn lại phải bình đẳng”, ông Dung nói và cho rằng, các chuyên gia đã bàn nhiều và đưa ra phương án khác nhau, dừng bảo hiểm 1 lần là vấn đề rất khó khăn.

“Tôi không dám nói dù với trách nhiệm của Bộ trưởng. Quyết định trong trường hợp nào được rút, Quốc hội kỳ sau sẽ quyết định”, ông Dung nhắc lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.