'Tôi đã nghi ngờ có nhầm lẫn từ trong phòng đẻ '

14/07/2018 11:28 GMT+7

Chỉ vì đẻ ra đứa con không giống ai bên nhà chồng, chị Vũ Thị Hương (35 tuổi, ở Ba Vì , Hà Nội) đã bị chồng ruồng bỏ. Một thân một mình nuôi con, chị Hương chịu bao điều tiếng dư luận.

Sau nhiều lần thuyết phục, chị Vũ Thị Hương đồng ý gặp một mình phóng viên Thanh Niên vào chiều tối ngày 13.7, vì chị rất mệt mỏi từ sau khi vụ trao nhầm con được thông tin trên báo chí và mạng xã hội, chị không muốn tiếp xúc với nhiều người.  
Trường mầm non tư thục tại quận Cầu Giấy nơi cháu M đang theo học - Ảnh: T.Hằng

Nơi hẹn gặp cũng được chị Hương giữ bí mật đến phút chót; Đó là một trường mầm non tư thục nơi chị đang làm việc ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) và cũng chính là ngôi trường mà bé Đoàn Nhật M đang theo học. Người phụ nữ xanh xao, khắc khổ trong những ngày qua đã chịu nhiều búa rìu dư luận trong vụ trao nhầm con lên tiếng: “Tôi không được khỏe nên không muốn gặp ai. Những thông tin đưa trên mạng, trên báo chí không đúng về mình khiến tôi rất buồn. Cuộc đời tôi cay đắng đã từng, thêm một lần đau nữa tôi vẫn đủ sức gánh chịu”.
Tôi bảo nhầm lẫn, bệnh viện nói không phải 
6 năm trước tại Bệnh viện Đa Khoa Ba Vì, chị Vũ Thị Hương sinh hạ đứa con trai đầu lòng. Cùng thời điểm đó, chị Phùng Thị Hiền ở xã TĐ cũng sinh hạ 1 bé trai. Sự nhầm lẫn đã được phát hiện từ trong phòng đẻ. 
Chị Hương nhớ lại: “Con nhà mình sinh 7 giờ kém 10 phút. Còn con nhà anh Sơn - chị Hiền sinh 7 giờ 10 phút, lệch nhau 20 phút, nhưng bệnh viện trao cùng 1 lúc và họ gọi nhà anh Sơn nhận trước. Khi đó tôi đang trên bàn đẻ, tôi đã thấy có gì đó “ngờ ngợ” nhưng lại nghĩ có thể do nhà Sơn có người quen ở bệnh viện nên họ cho nhận trước”.
Tuy nhiên, chị Hương cho biết, chỉ vài phút sau nhận con, cũng có ý kiến trong gia đình cho rằng có sự nhầm lẫn. “Tôi sinh thằng cu 3,8 kg, còn chị Hiền sinh cháu 3,1kg, nhưng khi nhận thấy con mình bé hơn tôi đã yêu cầu bệnh viện cân lại. Bác sĩ quát tôi nằm yên trên bàn để còn khâu. Số phận mình trong tay bác sĩ, đâu dám trái lời. Tôi vẫn nhớ như in lời y tá nói: Không phải cân, nếu tôi nhầm tôi còn phải đi tù. Vậy là mình yên tâm đón con về chuyên tâm nuôi con chẳng nghĩ ngợi gì nữa”, chị Hương kể.
Cháu M (áo cam) chơi với các bạn tại trường mầm non - Ảnh: T.Hằng
Cu M lớn lên không được khỏe mạnh như những đứa trẻ khác, theo lời chị Hương, từ 3 tháng đến 4 tuổi M. đau ốm và quấy khóc nhiều. Có thời điểm M. bị viêm phổi cấp, một mình chị Hương ôm con chạy 3 bệnh viện cấp cứu từ Ba Vì xuống Hà Nội. Mẹ con chăm bẵm nhau từ bé nên bé M. quấn mẹ, không rời nửa bước .
Đổ vỡ hôn nhân vì con không giống bố
Sau khi sinh con, vợ chồng chị Hương chỉ hạnh phúc thời gian đầu. Càng lớn M. càng không giống ai bên nội. Mỗi lần về quê chồng, chị Hương nghe những lời xì xào bán tán về đứa trẻ không giống ai. Thậm chí, người nhà chồng còn cho rằng chị Hương ngoại tình. Chị Hương kể: “Chồng mình thời gian đầu không có ý kiến gì. Sau nghe nhiều quá cũng đâm ra nghi ngờ vợ. Anh làm lái xe đi cả ngày, nhưng đến đêm về là chì chiết, nhiếc móc vợ không chung thủy. Vì con mình cắn răng chịu đựng tất cả”.
Không dừng ở bạo hành tinh thần, chồng chị Hương còn dùng bạo lực với vợ mình. Có bao nhiêu vốn liếng, chị Hương đổ vào mở trường mầm non tư thục tại Hà Nội, chồng chị đến đập phá tan tành. "Phụ huynh sợ không dám gửi con. Dần dần trường mầm non cũng phải đóng cửa. Vợ chồng ly hôn, trường mất, tôi trắng tay, vẫn nhận nuôi 2 con nhỏ. Đứa đầu 3 tuổi, đứa thứ 2 mới 6 tháng tuổi", chị Hương ngậm ngùi trong nước mắt.
Chị Hương đã chịu nhiều đắng cay, bị chồng bạo hành vì con không giống bố - Ảnh T.Hằng

Sau thời gian thất nghiệp, chị Hương gửi bé thứ 2 ở Ba Vì cho người anh trai chăm sóc. Còn chị và bé M. chuyển sang Hà Nội thuê phòng trọ sinh sống. Chị đi dạy thuê vừa kiếm tiền nuôi con, vừa trang trải cuộc sống.
“Sau khi biết tin nhầm con, mình đã gọi điện cho nhà chồng gần 50 cuộc điện thoại nhưng không ai nghe máy. Chồng mình cũng đã ra gặp con cũng không nói gì về việc chăm nuôi con như thế nào. Anh ta có gửi 2 triệu đồng bảo tôi mua vé cho con vào gặp gia đình nhà nội ở Đà Lạt”, chị Hương chia sẻ.
Hãy cho tôi và các con thời gian
Chị Hương cho biết, từ khi phát hiện ra sự thật, 6 tháng qua tinh thần chị suy sụp rất nhiều, ngày thì lo lắng, đêm thức trắng, từ 54 kg, giờ chỉ còn hơn 40kg.
Càng buồn hơn khi những ngày qua câu chuyện được chia sẻ trên báo chí và mạng xã hội có những thông tin không chính xác, nhiều người không hiểu cho rằng chị chị Hương không muốn trả con, kéo dài thời gian để đòi bồi thường. Vì chuyện này mà chị Hương tụt huyết áp, phải đi truyền nước. 
Chị Hương buồn bã nói: “Mình là giáo viên mầm non và có học chuyên ngành tâm lý, mình nuôi M. từ bé nên hiểu tính cách con. M. là cậu bé cá tính, với tình trạng hiện giờ nếu đột ngột tách con ra khỏi mẹ đưa về quê với bố mẹ ruột, tôi sợ rằng M. sẽ không chịu nổi cú sốc. Mình muốn M. được ổn định tinh thần, chuẩn bị về tâm lý trước khi về với gia đình mới”.
Với cháu H, con ruột của mình, chị Hương bộc bạch: “Là người mẹ tôi cũng muốn đón con mình về lắm chứ, nhưng tôi cũng không muốn con ở bên gia đình kia bị tổn thương. Bao giờ con về với mình, tôi sẽ dẫn dắt con dần dần. Vì vậy tôi đã xin gia đình anh Sơn cho tôi thời gian để ổn định tâm lý chứ không phải gây khó dễ, cản trở đón con về về”.
Chị Hương muốn có thêm thời gian để con ổn định tâm lý trước khi về với gia đình mới: Ảnh: T.Hằng

Trong thời gian chờ đợi các bên giải quyết, bé M vẫn được chị Hương tạo mọi điều kiện học hành. Mặc dù lương giáo viên mầm non thấp nhưng chị vẫn cố gắng cho con đi học chữ, học tiếng Anh, kỹ năng sống… “Tôi đã dạy con biết đánh vần tên bố mẹ ruột của mình. Lựa lời trò chuyện với con về gia đình mới. M "dọa", nếu phải về quê sẽ trốn lên xe buýt lên Hà Nội với mẹ. Có lần cậu bảo mẹ may một robot giống mình, rồi gửi về nhà cho cậu Sơn nuôi, còn M. vẫn được ở đây với mẹ. Tôi nghe mà đứt từng khúc ruột”, chị Hương nghẹn ngào.
Còn về thông tin chị ra giá yêu cầu Bệnh viện đa khoa Ba Vì bồi thường, chị Hương chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ mặc cả với bệnh viện. Kể cả họ có bồi thường tiền tỉ cũng không lấy lại được những gì tôi đã mất. Con tôi cần lấy lại tâm lý như bình thường, đó mới là điều tôi quan tâm. Trước đây tôi định cho con học ở Hà Nội, giờ tôi đã làm thủ tục nhập học cho con ở quê. Tất cả hồ sơ của con tôi cũng đã gửi về gia đình anh Sơn ”.

Xét về mặt tâm lý, 2 gia đình không nên đốt cháy giai đoạn. 6 năm qua, các con được 2 mẹ chăm sóc, bú mớm, ấp ủ, trải qua bao nhiêu vất vả không thể nói đùng một cái dứt ra ngay. Nếu làm không khéo chịu tổn thất lớn nhất chính là 2 bạn nhỏ.
Ở độ tuổi này các bạn chưa hiểu hết sự việc, chỉ biết người chăm sóc mình hàng ngày là mẹ mình, còn sự nhầm lẫn là của người lớn các bạn nhỏ không thể hiểu được. Vì vậy, cần phải có thời gian, tạo sự gần gũi giữa 2 gia đình, thậm chí có kéo dài đến cả năm để các bạn làm quen với gia đình mới. Sẽ phải dần dần, hàng tuần cho 2 bạn về chơi với nhau, 2 gia đình đi lại với nhau coi như người con trong gia đình. Mỗi lần tác động một chút, khi quen thân rồi sẽ dễ dàng hơn. Quan trọng nhất cả 2 gia đình nên làm là tinh thần 2 bạn thực sự thoải mái.
Tôi cũng mong gia đình anh Sơn và mọi người, hiểu cho hoàn cảnh của Hương. Trải qua bao vất vả, tai tiếng hy sinh cả sự nghiệp cô ấy vẫn cố gắng dành những gì tốt nhất cho bé M. Với một người đã mất mát rất nhiều và tổn thất rất lớn, đánh đổi cả mái ấm gia đình thì chẳng có cái giá nào trả được. Cô ấy cũng phải chuẩn bị về mặt tinh thần. (Cô giáo Vũ Thị Như Trang, Hiệu trưởng trương mầm non nơi cháu M đang học)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.