Tôi đi ăn mì ngoại ở... Sài Gòn

02/07/2016 13:08 GMT+7

Không tính đến mì ăn liền, Sài Gòn là thiên đường của những loại mì sợi mang dáng dấp đặc trưng của quốc gia sản sinh ra chúng. Mì Nhật, mì Hàn, mì Ý… có đủ cả.

Nhìn những sợi mì trà xanh Soba dài xanh mướt mát, sợi mì Thái nâu mềm trơn tuột, những cọng udon trắng mềm khiêu khích… chưa ăn đã thấy thèm.
Quan điểm ngày xưa những người “phải” ăn mì thường là những kẻ bần hàn giờ đây không còn hợp lẽ, vì cùng với sự mở cửa, ẩm thực trong nước có sự chen chân của các quán mì ngoại sang trọng mở cửa khắp nơi, từ mì Hàn, mì Nhật, mì kiểu Thái… đến các món mì kiểu Tây. Người mê ẩm thực chỉ cần dạo một vòng Sài Gòn cũng đủ được thưởng thức nhiều món mì ngon đến từ khắp nơi trên thế giới.
Đủ sắc vị của sợi mì
Người VN hẳn sẽ thiên vị sản phẩm làm từ gạo như cơm, bánh phở, nhưng không vì thế mà phủ nhận sự đa dạng phong phú của chế phẩm từ bột mì. Nếu người Việt tự hào về phở thì người Hàn Quốc vô cùng hãnh diện với món mì lạnh Naengmyeon.
Món ăn có từ triều đại Joseon, xứng với cái tên, nước dùng mì được chế biến và để lạnh, mì cũng ngâm trong nước đá, thậm chí lúc ăn người ta còn để vài viên đá nhỏ trong nước dùng cho thêm lạnh.
Nghe tả có vẻ không... tiêu, không ấm áp nhưng đây là món ăn hài hòa giữa âm và dương, món ăn lạnh nhưng bên trong có thêm củ cải giúp dễ tiêu, có ớt bột làm ấm, vài nhánh hành, tỏi tăng khẩu vị khiến người ăn lạnh mà không ngán. Món ăn được bán phổ biến tại nhiều nhà hàng như: mì Hàn Quốc, Dae Jang Gum, So Baek San, Myung Ga…
Khác với mì Hàn Quốc, món mì của Thái có vẻ cay, nóng với màu sắc đỏ vàng mạnh mẽ thu hút người ăn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tên truyền thống là Pad Thai, tại chính quốc người ta bán món này nhiều giống như Sài Gòn bán bột chiên, cơm chiên bên đường vậy.
Thành phần chủ yếu của Pad Thai là sợi mì tròn xào kèm với thịt gà xé sợi hoặc thịt heo, thêm giá, trứng, hẹ cùng gia vị, trong đó không thể thiếu ớt và giấm đi kèm. Phong cách “vừa ăn vừa khóc” cũng thể hiện rõ cách thức khi ăn, món mì phải có vị cay xé của ớt, điều hòa bởi chút chua chua của giấm đen, bùi bùi của đậu phộng giã…
Du nhập vào VN cùng với sự xâm nhập của văn hóa Thái nhưng không có vẻ quê mùa, giản dị, ở Sài Gòn muốn ăn Pad Thái phải tới nhà hàng, món ăn được bài trí theo phong cách sang hơn, cũng đắt tiền hơn. Mì xào kiểu Thái bán ở Koh Thái, Anh Tuk, Coca Suki, ai chưa ăn sẽ... sợ nhưng ăn vài lần thì nghiện từ lúc nào không hay.
Độc đáo mì Nhật
Ngoài sushi, người ta nhớ đến Nhật Bản bởi đây là quốc gia duy nhất trên thế giới có bản đồ mì ramen, vinh danh những vùng có món mì ramen nổi tiếng. Ước tính có hơn 200.000 tiệm mì ramen khắp nước Nhật, thậm chí nhiều thành phố như Yokoham còn có bảo tàng mì, với bộ sưu tập đồ đựng mì, dụng cụ làm bếp, ghi nhận sự thay đổi vị của tô mì qua các thời kỳ.
Ở mỗi vùng miền trên khắp nước Nhật, ramen được tái sinh với nhiều phiên bản khác nhau. Vùng Kyushuu nổi tiếng món mì súp trắng thần thánh Tonkatsu, vùng Hokkaido tự hào với mì ramen miso. Hay súp shio nấu bằng muối nước trong cổ điển hay nước dùng shouyu đậm vị tương Nhật nấu đen.
Vị “đại sứ” văn hóa này đã du nhập vào VN từ năm 2011, với cửa tiệm mì Ajisen Ramen, mì được nấu cùng nước súp trắng Tonkotsu chế biến từ sụn heo, thịt tươi, thảo mộc, rong biển dưới đáy đại dương ở một nhiệt độ nhất định. Sau hơn 20 giờ hầm nấu, súp Tonkotsu nổi bật màu trắng đục như sữa, thơm béo, nhìn kỹ sẽ thấy bồng bềnh những sợi collagen nhỏ xíu giàu dưỡng chất.
Do ăn cùng với loại nước súp chứa collagen làm đẹp da nên loại mì mang bí quyết làm đẹp này khiến cả nam nữ đều yêu thích. Ajisen Ramen VN đã chế biến ra 6 hương vị tuyệt hảo cho súp mì ramen như: Tonkotsu truyền thống, miso, Tom Yam, curry Nhật, bí đỏ và tôm sấy, từ đó nấu thành 32 loại mì ramen đặc trưng, trong đó có 10 món ramen khô cho những người không thích cách ăn húp xùm xụp.
Được đánh giá đầy đủ 3 cái ngon từ ánh nhìn, hương thơm và hợp khẩu vị, chuỗi cửa hàng MOF Japanese sweet & coffee trở thành nơi lui tới thường xuyên của thực khách mê mì. Cũng gọi là mì lạnh nhưng cha soba nhìn có vẻ thanh tao, nhẹ nhàng hấp dẫn.
Sợi mì màu xanh ướp lạnh dùng với chén nước chấm tensu và một ít rong biển, thanh đạm như tính cách của người Nhật. Cũng là cha soba nhưng mì Ebi tempura cha soba là mì lạnh ăn kèm với rau củ và tôm chiên tempura ăn kèm với nước chấm tensu.
Chasu ramen dùng nước súp truyền thống và thịt chasua xá xíu kèm thêm kim chi, đậu hũ, trứng luộc hồng đào. Mốt fushion cũng có dịp phát triển, tại đây các đầu bếp kết hợp kiểu Thái và Nhật tạo ra tô mì Tomyum ramen, mì ăn cùng hải sản và nước súp cay tomym. Yasai tempura udon với sợi mì tròn bóng ủn ỉn với nước dùng chay nấu từ rau củ ăn kèm các loại rau củ như khoai lang, tần ô, củ sen tempura chấm nước dùng tensu pha với gừng và củ cải.
Thách thức nhất đối với những kẻ mê mì Nhật là mì tương lên men. Giống như sầu riêng hay chao, người thích thì kêu thơm, người không ưa thì chê khó ngửi, mì tương lên men của nhà hàng Ebisu cũng “kén” khách theo một cách tương tự. Mì tương lên men cũng dùng sợi udon tròn luộc kèm theo nước xốt hơi sệt làm từ loại đậu nành tuyển chọn từng hạt lên men, khi ăn có mùi hơi chua chua, vị bùi của đậu nành ủ qua thời gian.
Văn hóa ẩm thực là vô cùng vô tận, cùng là sợi mì, cùng làm từ bột mà mỗi quốc gia, mỗi vùng miền có thêm gia vị, cải biến ít nhiều thành món mới, có món hợp, có món không thực sự hợp khẩu vị, nhưng mỗi trải nghiệm mới đều thêm phần thú vị cho người mê ẩm thực. Đôi khi học chấp nhận sự khác biệt cũng là cách làm đời sống của mỗi người phong phú hơn. Có lẽ cũng vì biết chấp nhận cái mới mà văn hóa ẩm thực của Sài Gòn ngày càng đa dạng, hấp dẫn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.