Tôi đi đăng ký xe lấy biển số xe máy, cà vẹt 'siêu tốc' ở TP.HCM

17/07/2020 12:06 GMT+7

Mang chiếc xe mới mua đến điểm đăng ký xe Q.3, TP.HCM thì tôi khá bất ngờ vì khu vực đăng ký vắng tanh. Nộp đủ hồ sơ, tôi được bấm biển số liền và nhận giấy hẹn lấy cà vẹt sau 2 ngày.

Tùy đặc thù từng quận, huyện tại TP.HCM, việc đăng ký xe máy có thể diễn ra nhanh hoặc chậm phụ thuộc vào số dân ở địa phương, số lượng người đến đăng ký. Tuy nhiên khi cầm đủ giấy tờ và đóng đủ lệ phí, người dân sẽ nhận được biển số ngay trong ngày cùng giấy hẹn 2 ngày sau lên lấy cà vẹt xe.
Quy trình đăng ký xe máy mới khá đơn giản, người dân cần nắm các bước sau để tiết kiệm thời gian đi lại và không bị những người xấu lợi dụng "cò", "mồi".

Tùy theo số dân ở quận, huyện mà có những điểm đăng ký làm rất nhanh, gọn, nhưng có điểm phải chờ trong đôi phút. Tôi đến điểm đăng ký xe tại trụ sở Đội CSGT trật tự Công an Q.3, TP.HCM, các bước được thực hiện nhanh chóng, đơn giản và có cán bộ hướng dẫn

Ảnh: Độc Lập

Đầu tiên, tôi cầm hồ sơ gốc của xe được cửa hàng xe cung cấp cùng giấy đóng lệ phí trước bạ trước đó đến điểm đăng ký xe để trình cho cán bộ CSGT. Sau khi kiểm tra hồ sơ, một cán bộ cấp cho tôi Giấy khai đăng ký xe gồm 2 phần: phần chủ xe tự kê khai và phần kiểm tra xác định của cơ quan đăng ký xe.
Khá bối rối vì sợ ghi sai, tôi được cán bộ chỉ đến bàn hướng dẫn ghi tờ khai để thực hiện theo mẫu hướng dẫn. Hoàn tất giấy khai, tôi nộp lại cho cán bộ CSGT.

Tôi mua xe trên 40 triệu đồng nên phải đóng lệ phí đăng ký xe là 4 triệu đồng cho một cán bộ CSGT ngay tại phòng đăng ký. Quy trình này khá nhanh gọn và tiện lợi vì không phải đi sang phòng khác hay chờ đợi quá lâu

Ảnh: Độc Lập

Tại TP.HCM, lệ phí đăng ký xe được quy định như sau, xe từ 15 triệu đồng trở xuống đóng 1 triệu đồng; xe 40 triệu hoặc 40 triệu trở xuống nhưng trên 15 triệu đóng 2 triệu đồng; xe trên 40 triệu đóng lệ phí 4 triệu đồng

Ảnh: Độc Lập

Đóng xong, CSGT trả biên lai và yêu cầu ngồi chờ. Một CSGT đề nghị dẫn ra xe để kiểm tra số khung, số máy rồi quay trở lại phòng để được bấm biển số

Ảnh: Độc Lập

Vì không đông nên tôi không phải mất nhiều thời gian chờ đợi mà đứng đó xem CSGT nhập thông tin của mình vào hệ thống

Ảnh: Độc Lập

Một màn hình được quay về người đăng ký, các thông tin cán bộ nhập đến đâu tôi đều có thể theo dõi đến đó. Nhập xong, CSGT yêu cầu kiểm tra lại thông tin kỹ càng để tránh sai sót. Khi tôi chắc chắn các thông tin trên là chính xác, CSGT mời đặt tay vào nút đỏ để bấm biển số. 2 giây sau, số xe được cấp cho tôi hiện lên màn hình

Ảnh: Độc Lập

CSGT đưa biển số kèm giấy hẹn lên nhận cà vẹt xe là sau 2 ngày làm việc

Ảnh: Độc Lập

Mỗi quận ở TP.HCM được cấp cho từng mã biển số khác nhau, ví dụ, hiện nay, số chung cho xe máy đang là 59, các ký hiệu kèm theo, Q.1 là T, Q.2 là B, Q.3 là F, Q.4 là C1, Q.5 là H, Q.10 là U,...

Ảnh: Độc Lập

Cán bộ đăng ký xe cho biết, có những trường hợp người dân mới mua xe đến xem đang ra series số nào để chọn số bấm, không thích thì đi về, hôm sau mới mang xe ra làm biển số. Tuy nhiên, theo vị này, việc canh số rất khó khăn và xác suất được số đẹp là rất khó. Kho số tại Q.3 mỗi lần mở là 300 số, do đó, người dân chỉ có thể biết chính xác được 2 số đầu trong dãy 5 số, 3 số cuối có thể nhảy ngẫu nhiên

Ảnh: Độc Lập

Việc sang tên đổi chủ buộc phải bấm biển số mới nếu biển số cũ là 4 số. Biển 5 số sang tên cùng tỉnh bắt buộc giữ nguyên số, khác tỉnh thì bấm biển mới

Ảnh: Độc Lập

Phí sang tên đổi chủ đăng ký xe với biển số 5 số là 30.000 đồng, từ biển 4 số qua biển 5 số là 50.000 đồng

Ảnh: Độc Lập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.