Tôi đi metro ở TP.HCM: Nếu đi làm từ Thủ Đức, cân nhắc ví tiền khi chạy xe máy

02/01/2025 16:03 GMT+7

Anh Nguyễn Trọng Thức đã rút ra được một số kinh nghiệm khi có nhiều ngày đi làm bằng metro số 1 từ nhà ở P.Long Thạnh Mỹ đến trung tâm Q.1, TP.HCM.

LTS: Ngày 22.12 vừa qua, tuyến metro số 1 đã vận hành chính thức sau 17 năm chờ đợi. Đây được xem là cột mốc quan trọng, kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển giao thông công cộng ở TP.HCM. Metro số 1 sẽ giúp người dân có thêm lựa chọn phương tiện công cộng khi đi lại, giảm thiểu tai nạn giao thông, kẹt xe, tiết kiệm thời gian, chi phí… Do đó, ngay từ những ngày đầu, hàng trăm ngàn người đã đến và lựa chọn metro để đi làm, đi học, trải nghiệm và cho rằng trong tương lai sẽ lấy đây làm phương tiện di chuyển xuyên suốt.

Vừa theo chân những người đi làm, đi học và vừa trải nghiệm thực tế, các phóng viên Báo Thanh Niên sẽ khắc họa sơ lược, gửi đến bạn đọc mọi miền đất nước về một ngày đi metro ở TP.HCM trông ra sao.

Tập thói quen đi làm bằng metro

5 ngày qua, đúng 6 giờ 30, anh Nguyễn Trọng Thức đều đặn rời khỏi căn hộ của mình tại chung cư Vinhomes Grand Park (P.Long Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức) để đi làm. Lần này, lộ trình di chuyển của anh thật khác so với mọi ngày, đó là lên tuyến metro số 1 để tới công sở.

Đứng dưới chung cư, anh mở ứng dụng đặt xe ôm công nghệ để đến ga Khu Công nghệ cao cách đó khoảng 8 km. Sau đó, anh vào ga, đợi tàu để về ga Nhà hát Thành phố. Thời điểm sáng, trên chuyến tàu metro rất ít người. Đa phần là dân công sở sống ở TP.Thủ Đức vào trung tâm để làm việc giống anh.

Tôi đi metro ở TP.HCM: Nếu đi làm từ Thủ Đức, cân nhắc ví tiền khi chạy xe máy- Ảnh 1.

Những ngày qua, anh Trọng Thức thử nghiệm bắt xe công nghệ đến nhà ga Khu Công nghệ cao để lên metro số 1 đi làm. Tuy vậy, bắt đầu từ ngày 1.1 anh sẽ bỏ đi xe ôm công nghệ chuyển sang xe máy để đến nhà ga nhằm tiết kiệm tiền

Ảnh: Phạm Hữu

Tôi đi metro ở TP.HCM: Nếu đi làm từ Thủ Đức, cân nhắc ví tiền khi chạy xe máy- Ảnh 2.

Như nhiều dân công sở khác, anh cũng đứng đợi tàu vào sáng sớm

Một lúc sau, tàu đến các ga Thủ Đức, Bình Thái, Phước Long thì bên trong các khoang tàu cũng nhanh chóng được lấp đầy. Ngồi trên tàu, anh Thức đọc sách, xem điện thoại một cách thảnh thơi mà không bị làm phiền. 16 phút sau, tàu đến ga Nhà hát Thành phố, anh nhanh chóng rời ga cùng nhiều người và tiếp tục đi bộ 1,5 km đến công ty nằm tại Hồ Con rùa.

"Với tôi, đi metro rồi đi bộ đến công ty không hề bất tiện hay mệt mỏi gì. Bởi riêng tôi là người mê thể thao, thường xuyên chạy bộ nên việc đi bộ đến công ty như việc thư giãn và ngắm cảnh thành phố vào buổi sáng. Do đó, tổng hợp lại tôi thấy phương án đi làm bằng metro với tôi rất hợp lý", anh Thức chia sẻ.

Đến 7 giờ 26 phút anh đã có mặt tại cổng công ty trong lần đi làm bằng metro của mình.

Nguyện ước trên chuyến tàu metro xuyên năm mới: ‘Bình an, thông suốt’

Anh Thức cho biết, trước đây, mỗi ngày anh đều đi làm bằng xe máy từ nhà đến công ty nằm tại khu vực Hồ Con rùa. Thông thường, hành trình này kéo dài khoảng 25 – 30 phút, với quãng đường trên dưới 25 km.

Tôi đi metro ở TP.HCM: Nếu đi làm từ Thủ Đức, cân nhắc ví tiền khi chạy xe máy- Ảnh 3.

Anh Thức cho biết ngồi tàu metro rất thoải mái, có thể làm nhiều việc mà đi xe máy không thể làm được. Đồng thời sức khoẻ, tinh thần cũng được cải thiện nhiều hơn

Tôi đi metro ở TP.HCM: Nếu đi làm từ Thủ Đức, cân nhắc ví tiền khi chạy xe máy- Ảnh 4.

Cũng trong buổi sáng trên tàu cũng có nhiều hành khách là dân công sở đi làm bằng metro

Tiếp tục đi bộ đến công ty

Theo anh Thức, khó khăn của đi làm bằng xe máy ở TP.HCM là nắng mưa, khói bụi và nhất là kẹt xe, ngập nước triền miên vào giờ cao điểm. Vì vậy, nhiều lần đi làm và trở về nhà bằng xe máy như vậy khiến anh mệt mỏi. Lúc đến công sở đã không còn năng lượng làm việc hoặc về nhà rất trễ vì kẹt xe.

Do đó, từ ngày metro số 1 xuất hiện, anh dần thay đổi suy nghĩ, lựa chọn metro để đi làm. Thế là, từ ngày 23.12 đến nay, mỗi sáng, anh đều bắt xe ôm công nghệ từ nhà rồi di chuyển ra ga Khu Công nghệ cao để lên tàu vào trung tâm Q.1. Nơi anh đến là ga Nhà hát Thành phố, rồi sau đó anh tiếp tục đi bộ khoảng 1,5 km mới đến công ty nằm ở Hồ Con rùa.

Sau vài ngày trải nghiệm, anh Thức nói rằng đi metro và xe máy rất khác nhau về chi phí nhưng tương đồng về thời gian. Tuy vậy, anh vẫn chọn metro đi làm vì phương tiện này hiện đại, tránh được khói bụi dọc đường và các loại xe lớn. Chưa kể, làm giao thông của thành phố bớt ùn tắc, anh còn cảm thấy thư thái hơn khi ngồi máy lạnh, đọc sách và tinh thần phấn chấn hơn.

Anh thức cho rằng, nếu đi làm bằng xe máy chỉ chạy một mạch từ nhà đến công ty., không mất thêm công đoạn hay chặn đường nào. Mỗi tháng anh chỉ mất chi phí từ 500.000 – 600.000 đồng cho tiền xăng.

Trong khi đó, nếu đi bằng metro anh phải chia chi phí cho 2 chặn đi lại và gửi xe. Cụ thể, nếu đi bằng xe ôm công nghệ từ nhà đến ga Khu Công nghệ cao mất khoảng 40.000 đồng/chuyến, một tháng bỏ ra khoảng 960.000 đồng, cho 24 ngày đi làm. Đồng thời khi metro thu tiền thì anh mất khoảng 300.000 đồng cho vé tháng. Tổng lại, anh nhẩm tính chi ra khoảng 1.260.000 đồng/tháng.

Tôi đi metro ở TP.HCM: Nếu đi làm từ Thủ Đức, cân nhắc ví tiền khi chạy xe máy- Ảnh 5.

Sau 15 phút ngồi metro từ ga Khu Công nghệ cao cũng đã đến ga Nhà hát Thành phố. Anh Thức nhanh chóng rời tàu

Tôi đi metro ở TP.HCM: Nếu đi làm từ Thủ Đức, cân nhắc ví tiền khi chạy xe máy- Ảnh 6.

Tiếp tục từ ga Nhà hát Thành phố anh đi bộ khoảng 1,5 km, trong 15 phút nữa mới có thể đến công ty. Đây là hành trình di chuyển cuối cùng khi anh sử dụng metro đi làm

Tuy nhiên, với phương án khác là đi bằng xe máy đến ga Khu Công nghệ cao và gửi xe máy lại anh chỉ chi khoảng 10.000 đồng/ngày. 24 ngày đi làm anh chỉ mất 240.000 đồng/tháng tiền gửi xe máy. Chưa kể tiền xăng xe khoảng 100.000 – 150.000 đồng/tháng. Tổng lại, anh nhẩm tính sẽ chi cho phương án này vào khoảng 690.000 đồng/tháng. "Như vậy, đi metro cũng không hề rẻ hơn đi xe máy là mấy", anh Thức nói.

"Về thời gian nếu đi xe ôm hoặc xe máy từ nhà tôi ra ga mất khoảng 15 – 20 phút, đợi tàu 10 phút, đi metro là 15 phút, đi bộ 15 phút. Tổng lại tôi mất khoảng 1 tiếng để đi làm bằng metro. Ngược lại nếu tôi đi làm bằng xe máy, chạy một mạch thì chỉ mất từ 50 phút là đến nơi", anh Thức cho biết và nói thêm đổi lại đi metro sẽ không mất thời gian nếu bị kẹt xe.

Để thuận tiện cho người dân đi metro, anh mong rằng thời gian tới sẽ có tuyến xe buýt nhanh nào đó để cư dân chung cư nơi anh sống có thể đi thẳng ra các nhà ga. Đồng thời, anh Thức cho biết sẽ không đi xe ôm công nghệ để đến nhà ga metro nữa mà chỉ đi bằng xe máy Dù có nhiều bất tiện và tốn kém hơn một chút nhưng anh Thức vẫn quyết định từ nay về sau sẽ chọn metro để đi làm thay vì xe máy như trước đây.

Đọc Báo Thanh Niên miễn phí khi đi tàu metro

Ở ga Bến Thành, Báo Thanh Niên có đặt những quầy báo giấy phát hành mỗi ngày và hoàn toàn miễn phí dành cho những hành khách đi tàu metro.

Hành khách khi đi metro có thể tự do lấy báo để đọc, cập nhật tin tức nhanh chóng và thuận tiện trong suốt hành trình di chuyển của mình. Những tờ báo được đặt gọn gàng tại quầy thông tin ở khu vực chờ tàu.

Tôi đi metro ở TP.HCM: Nếu đi làm từ Thủ Đức, cân nhắc ví tiền khi chạy xe máy- Ảnh 7.

Quầy báo giấy Báo Thanh Niên được đặt tại sảnh chờ ga Bến Thành

Ảnh: Phạm Hữu



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.