Tôi đi metro ở TP.HCM:

Tôi đi metro ở TP.HCM: Nhà cách ga 5-10 km, bỏ xe máy đi làm bằng metro ổn không?

03/01/2025 12:05 GMT+7

Đi metro thì nhanh, thoải mái, ai cũng khen. Nhưng với những điểm đi/đến cách ga cả chục km, mọi người chọn trung chuyển bằng cách nào? Xe buýt, xe đạp hay xe ôm công nghệ...?

Tuần đầu tiên metro vận hành thương mại, PV Thanh Niên trải nghiệm bỏ xe máy đi làm bằng metro. 

Tàu điện chạy với tốc độ gần 100 km/giờ, nếu điểm đi, điểm đến cách ga không quá xa, (khoảng 1 km) thì việc tiết kiệm thời gian, sức lực là điều tất yếu. Với những người có nhà và chỗ làm đều cách xa ga (từ 3 – 10 km), phải kết hợp đi thêm xe buýt, xe máy, xe đạp công cộng… sẽ có những thuận tiện và khó khăn gì? Cùng PV Thanh Niên trải nghiệm đi metro ở TP.HCM.

Trải nghiệm đi metro trong khi nhà cách xa ga khoảng 8 km nên phải đi xe buýt kết hợp đi bộ.

Bỏ xe máy đi metro có ổn không?

Đa số người dân ở TP.Thủ Đức muốn vào trung tâm thành phố với khoảng cách 20 km mất gần 1 tiếng di chuyển. Đường xa, khói bụi, kẹt xe, nắng nóng và cả khi mưa gió khiến người mệt mỏi. Chọn metro làm phương tiện di chuyển chính và hướng đến bỏ hẳn xe máy trong tương lai, kế hoạch này liệu có ổn?

PV Thanh Niên chọn điểm xuất phát là một chung cư trên đường Nguyễn Xiển (P.Long Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức), cách ga metro gần nhất – ga Thủ Đức khoảng 8 km.

6 giờ 30 phút, PV lên chuyến xe buýt điện GRP3 chở miễn phí hành khách đến trạm xe buýt trên Xa lộ Hà Nội, ngã tư Thủ Đức. Trên xe đã có đông hành khách lên từ trạm trước nên không còn chỗ ngồi. Vào giờ cao điểm, chiếc xe buýt điện nhích từng chút giữa dòng xe máy chen chúc nhau. Thời gian di chuyển 8 km mất khoảng 30 phút.

Nguyện ước trên chuyến tàu metro xuyên năm mới: ‘Bình an, thông suốt’

Xe buýt dừng trạm, PV đi bộ khoảng 300 m, men theo mép đường Xa lộ Hà Nội (đoạn đường này không có vỉa hè) thì đến ga metro Thủ Đức. Tại đây, PV chờ tàu điện. Tổng thời gian đi bộ và chờ tàu mất thêm khoảng 10 phút.

Tôi đi metro ở TP.HCM: Nhà cách ga 5-10 km, bỏ xe máy đi làm bằng metro ổn không?- Ảnh 1.

Xuống xe buýt và tiếp tục đi bộ đến ga đi metro tại ngã tư Thủ Đức (TP.Thủ Đức).

Tôi đi metro ở TP.HCM: Nhà cách ga 5-10 km, bỏ xe máy đi làm bằng metro ổn không?- Ảnh 2.

Khu vực ga metro Thủ Đức.

Sau hơn 20 phút ngồi metro, PV đến ga Bến Thành (Q.1) rồi đi bộ ra cổng ga trên đường Lê Lai. Tại đây, mọi người có thể chọn đi bộ, xe đạp công cộng hoặc xe ôm công nghệ để đến chỗ làm. Trong trường hợp này, PV muốn đến tòa soạn Báo Thanh Niên trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), cách khoảng 2 km.

Cạnh ga có trạm xe đạp công cộng nên PV chọn phương tiện này để đi. Xe đạp thuê theo hình thức tải app, nộp tiền, quét mã nhận xe. Tuy nhiên, gần tòa soạn không có trạm xe đạp công cộng để trả xe nên sau khi đạp được khoảng 1 km, PV dừng lại trả xe tại trạm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, tốn 10.000 đồng. Sau đó, PV tiếp tục đi bộ thêm khoảng 1 km nữa mới đến nơi. Tổng thời gian đi xe đạp và đi bộ mất thêm hơn 25 phút.

Tôi đi metro ở TP.HCM: Nhà cách ga 5-10 km, bỏ xe máy đi làm bằng metro ổn không?- Ảnh 3.

Metro những ngày đầu tiên vận hành thương mại miễn phí vé thu hút nhiều người đi trải nghiệm.

Như thế, tổng thời gian di chuyển từ điểm xuất phát ở TP.Thủ Đức đến tòa soạn ở Q.3 với 21 km bằng cách kết hợp xe buýt – metro – xe đạp công cộng – đi bộ mất khoảng 1 giờ 25 phút, trong khi đi xe máy chỉ khoảng 1 giờ.

Lượt về vào lúc 17 giờ, thay vì đi bộ đến trạm xe đạp công cộng thuê xe, PV đặt xe ôm công nghệ, giá cho khoảng 2 km đến ga Bến Thành là 15.000 đồng, đi gần 10 phút.

Tôi đi metro ở TP.HCM: Nhà cách ga 5-10 km, bỏ xe máy đi làm bằng metro ổn không?- Ảnh 4.

Sử dụng xe đạp công cộng đạp 1 km và đi bộ thêm gần 1 km nữa để đến chỗ làm.

Thời gian tăng gần gấp đôi

Một ngày khác trong tuần, PV cũng xuất phát từ chung cư trên đường Nguyễn Xiển (TP.Thủ Đức) đi đến chỗ làm trên đường Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Phú). Với quãng đường gần 30 km, nếu di chuyển bằng xe máy trong thời gian không phải cao điểm kẹt xe mất khoảng 1 giờ 10 phút. Còn nếu đi bằng metro kết hợp xe buýt thì sao?

8 giờ 30 phút, để ra ga metro, PV vẫn chọn đi xe buýt điện miễn phí. Đường thông thoáng, thời gian di chuyển chỉ mất khoảng 20 phút để đến ga Thủ Đức. Tuy nhiên, xe buýt đã chật kín chỗ từ trước nên phải đứng.

Tương tự hành trình trên, sau khi xuống trạm, PV đi bộ vào ga chờ tàu điện, tổng thời gian khoảng 10 phút. Sau đó, PV mất thêm khoảng 20 phút di chuyển bằng tàu điện. Từ ga Bến Thành, PV đi ra cửa ga trên đường Hàm Nghi - nơi có trạm xe buýt để chờ chuyến xe số 65 (Bến Thành – An Sương) để đến đường Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Phú).

Tôi đi metro ở TP.HCM: Nhà cách ga 5-10 km, bỏ xe máy đi làm bằng metro ổn không?- Ảnh 5.

Từ ga metro Bến Thành, đi bộ đón xe buýt số 65 (Bến Thành - An Sương)

Tôi đi metro ở TP.HCM: Nhà cách ga 5-10 km, bỏ xe máy đi làm bằng metro ổn không?- Ảnh 6.

Xe buýt mát mẻ, sạch sẽ.

Sau 5 phút chờ, PV lên xe. Chuyến xe buýt này sạch sẽ, có máy lạnh rất mát, giá vé 6.000 đồng/lượt. Mất 35 phút đi xe buýt theo trục đường Hàm Nghi – Cách Mạng Tháng 8 - Trường Chinh, PV dừng ở trạm ngã tư đường Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý. Để đến được chỗ làm cách trạm xe buýt khoảng 1 km, PV chọn phương án đi bộ thêm khoảng 15 phút nữa.

Như thế, với việc đi 2 tuyến xe buýt và metro kết hợp đi bộ, PV mất khoảng 1 giờ 45 phút để đến nơi. Trong khi đó, nếu đi bằng xe máy chỉ mất khoảng 1 tiếng 10 phút cho quãng đường 26 km.

Lượt về, với cách đi tương tự, PV mất thêm khoảng 1 giờ 45 phút di chuyển nữa. Tổng cộng trong ngày, PV 2,5 giờ dành cho việc đi ngoài đường.

Tôi đi metro ở TP.HCM: Nhà cách ga 5-10 km, bỏ xe máy đi làm bằng metro ổn không?- Ảnh 7.

Ngồi trên xe buýt giữa trưa cảm thấy dễ chịu hơn khi bên ngoài xe đông, nắng nóng.

Tôi đi metro ở TP.HCM: Nhà cách ga 5-10 km, bỏ xe máy đi làm bằng metro ổn không?- Ảnh 8.

Xuống trạm xe buýt trên đường Trường Chinh để đi bộ đến chỗ làm trên đường Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Phú).

Thay đổi thói quen liệu có dễ?

Từ thực tế trên, PV rút ra kết luận, tuyến metro hiện tại sẽ thực sự hữu ích và tiện lợi cho những người sống và có chỗ làm việc gần ga (khoảng 1 km). Nếu khoảng cách từ 2 – 10 km, mọi người buộc phải dùng thêm phương tiện khác như xe máy, xe đạp, xe buýt, xe ôm công nghệ để di chuyển.

Nếu đi xe máy ra ga, mọi người sẽ chủ động được thời gian, không tốn quá nhiều sức lực, tiết kiệm được tiền xăng. Tuy nhiên, sẽ tốn thêm tiền gửi xe máy với giá 10.000 chiếc/ngày. Khi metro bán vé, chi phí cộng thêm khoảng 300.000 đồng/vé tháng cộng thêm tiền xăng khoảng 300.000 đồng/tháng.

Nếu đi xe ôm công nghệ, với quãng đường từ 2 - 10 km, giá khoảng 20.000 - 60.000 đồng/lượt.

Còn nếu đi bằng xe buýt kết hợp đi bộ, mọi người sẽ tiết kiệm được các chi phí đổ xăng, gửi xe hay đi xe ôm công nghệ. Giá vé xe buýt dao động từ 6.000 - 7.000 đồng/chuyến, chưa kể có một số chuyến miễn phí.

Tôi đi metro ở TP.HCM: Nhà cách ga 5-10 km, bỏ xe máy đi làm bằng metro ổn không?- Ảnh 9.

Có hôm, người viết sử dụng xe ôm công nghệ để đi từ ga đến toà soạn Báo Thanh Niên cách gần 2 km thay vì đạp xe, đi bộ, chi phí là 15.000 đồng.

Tôi đi metro ở TP.HCM: Nhà cách ga 5-10 km, bỏ xe máy đi làm bằng metro ổn không?- Ảnh 10.

Một lần ngồi chờ xe buýt vào giờ tan tầm buổi chiều.

Tuy nhiên, đi xe buýt, đi bộ cũng có một số bất tiện khác như:

Đầu tiên là tăng thêm thời gian di chuyển. Việc đi bộ ra trạm xe buýt và chờ xe mất thêm một chút thời gian. Hiện nay, không phải trạm xe buýt nào cũng có ghế ngồi, nhà chờ. Giữa thời tiết nắng nóng, hoặc mưa gió, việc đi bộ và chờ đợi có thể gây bất tiện cho mọi người. Chưa kể vào giờ cao điểm, xe buýt cũng bị mắc kẹt giữa dòng xe cộ trên đường.

Thứ 2 là vấn đề an toàn, vì không phải tuyến đường nào cũng có vỉa hè. Tại một số đoạn đường, tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm, hư hỏng khiến nhiều lần người đi bộ phải đi xuống lòng đường, rất nguy hiểm.

Hiện nay mạng lưới trạm xe đạp công cộng chỉ tập trung ở các quận trung tâm thành phố. Khi di chuyển ra các quận lân cận, cụ thể như trong trường hợp ở Q.Tân Phú, hành khách hoàn toàn không có thêm lựa chọn đi tiếp bằng xe đạp công cộng.

Tôi đi metro ở TP.HCM: Nhà cách ga 5-10 km, bỏ xe máy đi làm bằng metro ổn không?- Ảnh 11.

Trạm xe buýt trên đường Trường Chinh không có nhà chờ, vỉa hè bị lấn chiếm gây bất tiện cho người đứng chờ xe.

Tôi đi metro ở TP.HCM: Nhà cách ga 5-10 km, bỏ xe máy đi làm bằng metro ổn không?- Ảnh 12.

Một lần khác, PV Thanh Niên sử dụng xe máy di chuyển ra ga thay vì xe buýt.

Tôi đi metro ở TP.HCM: Nhà cách ga 5-10 km, bỏ xe máy đi làm bằng metro ổn không?- Ảnh 13.

Một buổi tối, PV Thanh Niên sử dụng metro vào khoảng 21 giờ nhưng người đến trải nghiệm rất đông, phải đứng chờ hơn 30 phút mới được lên tàu.

Tôi đi metro ở TP.HCM: Nhà cách ga 5-10 km, bỏ xe máy đi làm bằng metro ổn không?- Ảnh 14.

Metro có các cầu vượt bộ hành giúp người đi bộ di chuyển an toàn, thuận tiện.

Đi metro nhanh, tiết kiệm thời gian. Tuyến metro số 1 từ Bến Thành đến Suối Tiên dài gần 20 km, chỉ mất khoảng 30 phút, nhanh gấp đôi so với đi bằng xe máy. Nhưng với người dân sống ở các khu vực lân cận buộc phải kết hợp thêm nhiều phương tiện khác như xe máy, đi bộ, xe buýt… metro có thể chưa giải quyết được vấn đề tiết kiệm thời gian cho mọi người. Đồng thời, cũng tốn thêm của hành khách các chi phí xăng cộ, gửi xe...

Tuy nhiên, không thể phủ nhận lợi ích của sử dụng phương tiện công cộng giúp giảm bớt mệt mỏi, căng thẳng, hạn chế các rủi ro sự cố trên đường. Đặc biệt, nếu điều khiển xe máy chen chúc trong dòng người giờ cao điểm hoặc giữa lúc nắng nóng, mưa gió lại khiến mọi người kiệt sức hơn.

Thói quen "chạy một mạch đến chỗ làm, chỗ học" đã được hình thành trong nhiều người dân Việt Nam từ thời ấu thơ. Tuy nhiên, thói quen có thể thay đổi, mọi người có thể xây dựng từ bây giờ. Theo người viết, khi càng có nhiều người sử dụng phương tiện công cộng, lượng xe máy lưu thông trên đường sẽ giảm, từ đó cũng giảm được tình trạng kẹt xe ở nội đô năm này qua năm khác như hiện tại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.