Tôi đưa con đi thi tốt nghiệp

07/07/2022 20:52 GMT+7

Sài Gòn những ngày này chợt nắng chợt mưa. Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra náo nức sau mấy năm dịch giã, khi chợt nghe đứa con ngồi trước tô cháo lúc 6 giờ sáng, nói: “Không có tâm trạng để ăn, ba à”. Tôi chợt nghĩ, có lẽ tâm thức của nhiều thí sinh trên cả nước cũng thế!

Tản mạn ngày thi đầu

Là bởi, đây là một khóa trung học phổ thông đầy dấu ấn khác thường. Gần 3 năm lao đao dịch bệnh Covid-19, thời gian học online nhiều hơn học ở lớp. Học trực tuyến thay vì trực tiếp, có lẽ 2 từ khác nhau rất xa ấy rồi sẽ in hằn trong tâm khảm của một thế hệ.

Các sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi chụp ảnh lưu niệm với thí sinh ra đầu tiên trong buổi thi sáng 7.7

Trần Thanh Bình

6 giờ 15, hai cha con lên xe, sau khi đã rà soát lại các loại giấy tờ và dụng cụ thi cử. Buổi sáng thi môn ngữ văn, cho nên chủ yếu là bút viết. Con đường con vẫn đi học ngày thường, bây giờ nhường tay lái xe cho cha. Hơn 5 km và gần 20 phút xe máy. Sài Gòn mới sớm đã nườm nượp người ra đường. Chặng đường ấy, đủ để bàn tán và đoán thử đề thi sẽ thế nào.

Tôi nghĩ chắc phần đọc hiểu sẽ là một đoạn thơ (hoặc văn) luận bàn về tuổi thanh xuân, của tuổi 18 có nhiều ước vọng. Còn phần làm văn, nếu không phân tích một đoạn trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu thì cũng một đoạn trích trong tùy bút Người lái đò sông Đà của ông nhà văn tài tử chuyên về “chủ nghĩa xê dịch” Nguyễn Tuân.

Vậy mà sau đó cuối buổi thi, xem đề lại đúng!

Tiếp sức mùa thi ở điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo, Q.Gò Vấp

Trần thanh bình

Chiều hôm qua (6.7), 14 giờ thí sinh phải có mặt ở phòng thi để làm các thủ tục và nghe giám thị phổ biến quy chế kỳ thi. Chuẩn bị sẵn mọi thứ, con gái cầm sơ mi đựng phiếu báo thi và căn cước công dân, lên đường. Đến trường, đúng 13 giờ 45. Ghé cổng trường và đứng đợi. Bỗng chốc mưa, càng lúc càng to. Tạt vào quán cà phê ngồi, gặp được 2 phụ huynh nam, một lớn một nhỏ tuổi hơn tôi. Dịch ra một chút, anh lớn tuổi nói “ngồi tạm đây anh”. Rồi miên man hàn huyên về chuyện nuôi con, chuyện học hành. Anh kể rằng đưa con gái út đi thi, 3 anh trai của cô út đã ra trường và đã đi làm, rồi tự giới thiệu: “Tôi tên Dũng, dân ở tận ngoài Chí Linh (Hải Dương) vào đây đã hơn 30 năm, trước làm việc ở Khu công nghiệp Tân Bình, nhà ở gần ngã ba cây sộp (đường Nguyễn Văn Quá, P. Đông Hưng Thuận, Q.12)”. Còn anh nhỏ tuổi tên Phúc, đưa con gái đầu đi thi, nhà ở đường Quang Trung (Q.Gò Vấp). Cả hai có con học chung lớp 12 Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp), đều thi tại điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo cùng quận, ngôi trường mà con gái tôi theo học suốt 3 năm qua.

Thí sinh rời phòng thi chiều 7.7 tại điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo, Q.Gò Vấp

trần thanh bình

Chuyện trò cũng dần vãn cạn cốc cà phê, nhưng trời vẫn mải miết mưa. Cho đến khi những giọt bong bóng mưa bên hè trường đã vỡ hết, cũng là lúc các em sinh viên của Trường đại học Công nghiệp TP.HCM làm công việc Tiếp sức mùa thi ướt đẫm áo, lo che ô cho các thí sinh đưa ra tận cổng trường. Một sự tận tụy hồn nhiên khiến ai nhìn cũng bỗng dưng có cảm giác… ái ngại!

Kết thúc 120 phút làm bài của buổi thi thứ nhất, đội quân tình nguyện Tiếp sức mùa thi dàn hai hàng trước cổng đón thí sinh rời phòng, để tiếp nước và tiếp… kẹo. Đó đây, một vài phụ huynh đưa máy livestream và ồ lên “Rất dễ thương. Hay quá”, trong tiếng vỗ tay của những lứa sinh viên đón chào những thí sinh ra sớm nhất. Rồi chụp ảnh, rồi xúm xít hỏi “đề khó hay dễ”. Không khí ấy làm ai cũng vui lây. Dường như mọi nỗ lực nuôi dạy con cái đã dồn tụ trong một mùa thi gặt hái, để rồi mỗi gia đình lại cố gắng vượt qua nhọc nhằn, tiếp bước để các em được học lên đại học, cao đẳng!

Hành trình cho tương lai

Dấu mốc của một buổi thi, hay một ngày thi hoặc cả kỳ thi với tuổi 18 của các em tốt nghiệp kỳ thi này, có lẽ đong đầy trong trí nhớ của các bậc phụ huynh. Bên chiếc cổng trường và lối đi thoáng đãng ấy, tôi chợt nhớ lại một bài thơ của một vị giáo sư dạy văn trung học đệ nhị cấp (THPT bây giờ) ở một ngôi trường tại Quảng Trị ngày xưa: “Khi nắng hạ trở về trong mắt biếc. Các em rồi trăm đứa sẽ trăm phương…”, mà cứ miên man liên tưởng về lứa học sinh thi năm nay rồi cũng sẽ như bao thế hệ đi trước, tiếp tục học lên và mai sau lại tỏa đi khắp mọi miền.

Phụ huynh đưa con em đi thi và chờ dưới tán cây phượng già

trần thanh bình

Lần giở lại tờ báo in Thanh Niên ngày 26.6 vừa qua, ở trang giáo dục, trong có đoạn dẫn lời Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng: “Thí sinh dự thi năm nay chịu ảnh hưởng 3 năm liền bởi dịch bệnh Covid-19, khoảng 70% các em phải học trực tuyến kéo dài nên chắc chắn đề thi sẽ phù hợp với dạy học trong điều kiện như vậy”. Tuy nhiên ông Độ cũng cho rằng dù thế nào cũng phải đánh giá được thực chất chất lượng dạy học.

Và điều đó đã thấy rõ, tiêu chí được đưa ra trong một kỳ thi mang tính chất “đặc thù”, thể hiện bằng cách ra đề của ngày thi đầu tiên với 2 môn chính: Ngữ văn và toán. Ở môn thi toán buổi chiều, lúc tôi đứng đợi ở cổng trường, thí sinh lác đác ra. Một vài em than “đề thi toán hơi khó”. Bởi trong số 50 câu, có lẽ khoảng 10 câu nâng cao (2 điểm) là dành cho các thí sinh khá giỏi. Còn lại, với mức học trung bình khá cộng thêm chăm chỉ cần cù, có lẽ việc giành được 6 hoặc 7 điểm với đa số thí sinh là không khó.

Nhưng dù gì đi nữa, với sự học, việc vượt “vũ môn’ trong một kỳ thi từ xưa đến nay vẫn luôn để lại một cảm giác lo âu xen lẫn hào hứng. Những thử thách ấy, trong các buổi thi tha thẩn chờ con trước cổng trường, dường như tôi vẫn cảm nhận hiển lộ trên gương mặt bừng sáng của các em, giữa lằn ranh thi cử của một thời điểm vô cùng dấu ấn, để mai này bước tiếp những chặng hành trình về phía tương lai…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.