'Tôi gói gọn hai từ để nghĩ về người bạn ấy: Đạo đức - liêm khiết'

21/07/2024 08:44 GMT+7

Trong căn nhà cấp 4 cũ trên đường Hoa Lư (TP.Nha Trang, Khánh Hòa), ông Kính chia sẻ những câu chuyện và kỷ niệm đẹp về người bạn cùng lớp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Phan Văn Kính (82 tuổi), nguyên Giám đốc Đài PT-TH Khánh Hòa là bạn đồng môn, học chung lớp Văn khóa 8, khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, niên khóa 1963 - 1967 với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ban đầu trường ở thủ đô Hà Nội nhưng do tình hình chiến sự nên trường chuyển lên thôn Tràng Dương, xã Vạn Thọ, H.Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ông Kính kể, lớp có trên dưới 50 người. "Sau năm học thứ 2, tôi theo tổ văn học Pháp và anh Trọng tổ văn học Nga. Hai tổ học này có nhiều điểm chung... Tôi và Tổng Bí thư ở trọ nhà dân, dù 2 nhà khác nhau nhưng chỉ cách 50 m. Bởi thế, 2 người thường xuyên gặp gỡ, có nhiều trao đổi việc học hành, văn chương", ông Kính nhớ lại.

'Tôi gói gọn hai từ để nghĩ về người bạn ấy: Đạo đức - liêm khiết'- Ảnh 1.

Ông Phan Văn Kính và những bức ảnh chụp chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

HIỀN LƯƠNG

Học đến năm học thứ 3, theo tiếng gọi tổ chức, ông Kính xung phong đi B (chiến trường miền Nam) để làm phóng viên chiến trường. Ông Nguyễn Phú Trọng đã vô cùng xúc động, bày tỏ cảm phục với bạn. "Anh Kính đi lớp buồn, vắng một bạn học nhưng chiến trường có thêm cây bút viết văn, viết báo", ông Kính xúc động nhớ lại câu nói của bạn học.

Ngày ông Kính lên đường, mới đi ra tới đầu ngõ, người bạn học Nguyễn Phú Trọng đã đợi sẵn ở đó từ khi nào không hay. Hai người cùng đi bộ đến điểm xe đón.

Ông Kính không thể nào quên giây phút đó. Từ ngõ ra điểm đón khoảng 3 km nhưng lúc đi được tầm 2 km, ông nói bạn dừng lại để tôi đi. "Cái ôm tạm biệt, tôi nhìn hai hàng nước mắt của bạn rơi. Sâu thẳm đôi mắt ấy, tôi đọc được đó là dòng nước mắt chia ly, khó lòng gặp", ông Kính bùi ngùi.

"Ấn tượng nhất với tôi về bạn Nguyễn Phú Trọng là người học hành rất chăm chỉ, có sở trường chính trị.... Trong con người ấy (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - PV), say sưa mỗi khi nghe giảng, nghiên cứu về Chủ nghĩa Mác - Lênin. Anh Trọng có độ nhạy bén, phân tích đánh giá vấn đề chính trị rất rộng, hỏi đến đâu nắm được đó".

'Tôi gói gọn hai từ để nghĩ về người bạn ấy: Đạo đức - liêm khiết'- Ảnh 2.

Ông Kính khoe tập sách do chính những thành viên của lớp biên soạn nên

HIỀN LƯƠNG

Lớp được nhiều giáo sư "gạo cội" như GS Hoàng Như Mai, Hà Minh Đức… giảng dạy. Tuy khó khăn về mọi mặt nhưng thầy cô và nhà trường rất quan tâm đến việc xây dựng các đầu sách, tài liệu nghiên cứu cho thư viện.

"Dù thư viện nhà lá nhưng có nhiều tài liệu quý được mang từ Hà Nội lên. Hầu như ngày nào tôi cũng thấy anh Trọng cũng ở đó. Đọc hết sách này đến tài liệu kia", ông Kính hồi nhớ về người bạn của mình.

Hòa bình lập lại, mỗi người mỗi công việc, ở mỗi nơi và chức vụ khác nhau. Tuy nhiên, lớp vẫn giữ liên lạc giữa các thành viên.

"Năm 1976, tôi ra Hà Nội, gặp lại anh Trọng. Lúc này, cũng là cái ôm, anh cũng khóc. Nhưng khóc vì vui khi được trùng phùng", ông Kính kể. Nhiều lần công tác đến Khánh Hòa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều tranh thủ ghé thăm hay dùng bữa với gia đình bạn học.

Ông Kính nhìn vào bức ảnh chung chụp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rướm lệ: "Biết là quy luật sinh tử, nhưng rất đau xót! Tôi gói gọn hai từ để nghĩ về người bạn ấy: Đạo đức - liêm khiết".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.