Thú thật, bọn trẻ ngày nay đang lớn lên trong thời đại đủ đầy, tiện nghi hơn rất nhiều so với thế hệ 7X, 8X ngày trước nên nói tiết kiệm điện... hơi khó. Được bao bọc trong ánh sáng của công nghệ nên các con tận hưởng tối đa nhiều tiện ích vượt trội. Nóng đã có quạt máy, điều hòa. Lạnh có lò sưởi, máy sấy. Kết nối và giải trí có sẵn smartphone, máy tính bảng, ti vi, đồng hồ thông minh…
Chính vì vậy, không ít bạn nhỏ hôm nay quen với sự hưởng thụ mà quên mất rằng cuộc sống này cần sự sẻ chia từ việc tiết kiệm điện. Và chia sẻ năng lượng bằng cách tiêu dùng vừa phải, thực hành tiết kiệm là một bài học lớn cần chú trọng uốn nắn trên hành trình lớn khôn của trẻ.
Tôi thường mượn cớ “than nghèo kể khổ” để chia sẻ với các con về quãng thời gian khó nhọc của tuổi thơ để từ trong gian khó biết trân quý hơn hiện tại và tích lũy cho tương lai. Bọn trẻ lại rất thích nghe về những câu chuyện ngày xửa ngày xưa ấy nên cơ hội kết nối quá khứ nhiều vô kể.
Dòng chảy ký ức khắc ghi nhiều nhất là hình ảnh học hành, vui chơi, sinh hoạt dưới ngọn đèn dầu. Những cây đèn bỏng tỏa ánh sáng vàng vọt đã dưỡng nuôi bao bạn nhỏ lớn khôn, dẫu thiếu thốn tiện nghi mà đủ đầy niềm vui dung dị.
Đèn phải đổ dầu, thay tim, chùi bỏng thường xuyên mới sáng nên chúng tôi sớm được dạy ý thức tiết kiệm dầu hỏa, được học cách dùng kim khâu để khêu tim đèn bị lỏng, được thực hành cách cầm chụp đèn (bỏng thủy tinh) để lau sạch phần xỉn màu ám khói mà không bị xước tay…
Rồi ánh điện len lỏi tới, phủ sáng cả một vùng quê. Nhà tôi nghèo nhất nhì trong làng, khi xung quanh đã điện đèn sáng trưng, nhà tôi vẫn leo lét 2 ngọn đèn dầu. Mãi đến khi lên lớp 5, ông cậu đem bóng, nối dây, kéo điện về thắp sáng sự học cho đứa cháu vẫn cứ xuýt xoa: “Thấy con bé học dưới ánh đèn dầu, cứ sợ nó cận thị”. May quá, thị lực tôi vẫn ổn sau dằng dặc tháng ngày tìm con chữ dưới ngọn đèn dầu!
Nếp sống tiết kiệm đã ăn sâu từ thời ông bà, cha mẹ đến khi chúng tôi trưởng thành vẫn nhất nhất thói quen tiêu dùng vừa đủ, đặc biệt là tiết kiệm điện nước để tránh phát sinh chi phí sinh hoạt. Và tôi muốn các bạn nhỏ hôm nay sống đủ đầy vẫn phải biết trân trọng từng hạt gạo thấm giọt mồ hôi, nâng niu từng chút nguồn tài nguyên mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng con người. Tài nguyên không vô hạn, chính cách khai thác tài nguyên của chúng ta hôm nay sẽ quyết định tính vững bền hay bất trắc của tương lai sau này.
Một trong những giải pháp để uốn nắn ý thức tiết kiệm điện của đám trẻ chính là tôi thường mượn câu chuyện thiếu thốn của ngày trước để nhắc nhở từng hành động nhỏ của các con.
Sử dụng thiết bị điện được gắn nhãn tiết kiệm năng lượng, vận hành hệ thống quản lý thiết bị điện thông minh, vệ sinh lau chùi thường xuyên máy móc để giảm hao phí điện năng… là câu chuyện của người lớn. Còn các bạn nhỏ hoàn toàn có thể góp phần thay đổi thói quen sử dụng năng lượng của mình bằng những bài học “nhỏ mà có võ” như:
Tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên và gió trời bằng cách mở cửa sổ, cửa chính tạo không gian thông thoáng, mát mẻ.
Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, không để ti vi, quạt hơi nước, nồi cơm điện… ở chế độ chờ nhằm tránh hao phí điện năng.
Không bật điều hòa thường xuyên và để ở nhiệt độ thấp khiến lượng điện năng tiêu thụ tăng vọt đột biến trong cao điểm nắng nóng.
Sử dụng tủ lạnh đúng cách bằng cách tránh khép hờ cửa tủ, tránh để thực phẩm nóng vào đột ngột, tránh mở cửa tủ thường xuyên…
Trẻ em là tương lai của đất nước, vì vậy giáo dục trẻ ứng xử thân thiện, tử tế với tài nguyên thiên nhiên nói chung và tiết kiệm điện nói riêng chính là cách đầu tư cho tương lai một cách ổn định, bền vững và an yên. Nên, hãy dành thời gian tỉ tê chuyện trò với con, mượn cớ "than nghèo kể khổ" để con biết trân quý hiện tại, thấu hiểu sự vất vả mưu sinh của mẹ cha và hun đúc thái độ sống tích cực.
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên tổ chức và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi dành cho các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: [email protected] hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6-31.8.2023.
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)