Mẹ tôi thường căn dặn các con, trước ra khỏi nhà là phải tắt hết điện, tắt quạt chỉ mất có vài phút mà còn tránh được cháy nổ. Tủ lạnh luôn phải để ý đóng chặt không để lọt không khí bên ngoài vào. Nếu chỉ có 1 - 2 người thì chỉ được bật quạt cây, không bật quạt trần vì công suất lớn, để số vừa đủ mát. Đèn cũng chỉ mở vừa đủ sáng chứ không có chuyện bật hết bóng này tới bóng nọ. Mẹ quan niệm: Điện thì phải trả tiền, mà càng dùng nhiều, tiền điện lũy tiến càng cao, nên chẳng có lý do gì để lãng phí.
Tất cả những thứ đó chúng tôi đều được mẹ nhắc nhở hàng ngày, tới nỗi thành thói quen ăn sâu vào tiềm thức lúc nào không biết. Có lần qua nhà hàng xóm, thấy quạt trần bật không một lúc lâu trong lúc bác hàng xóm ở dưới bếp, tôi cũng đã thấy rất khó chịu, tới nỗi chỉ muốn chạy ngay ra tắt.
Lớn lên, tôi vẫn giữ những thói quen như lúc còn nhỏ học từ mẹ, mặc dù tôi cũng không còn thiếu thốn như hồi đó, dùng điện hơi “phung phí” một chút vẫn có thể chi trả được. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn luôn ý thức mình cần tiết kiệm điện. Bởi giờ đây tôi đã đủ lớn để hiểu: Điện không phải một nguồn tài nguyên vô hạn.
Nguồn điện lớn nhất của chúng ta chủ yếu hiện vẫn tới từ thủy điện. Những con đập thủy điện thực sự đã gây ảnh hưởng rất nhiều tới hệ sinh thái lòng sông, cũng như chất lượng nước ở dưới hạ nguồn, tăng nguy cơ sạt lở, ngập mặn… Điện từ những nguồn khác như điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân, điện than, ít hay nhiều đều gây những ảnh hưởng tới môi trường.
Tôi nghĩ rằng, dù cuộc sống của chúng ta thật khó có thể hoàn toàn không dùng tới điện, nhưng chí ít, mỗi chúng ta đều có thể giảm thiểu nhu cầu sử dụng điện của bản thân. Góp gió thành bão, mỗi việc nhỏ nhặt hàng ngày được thực hiện bởi nhiều người sẽ tiết kiệm được một lượng điện khổng lồ, để từ đó không phát sinh thêm quá nhiều nhu cầu xây những con đập thủy điện hay những nhà máy điện trong tương lai.
Tiết kiệm điện lúc này, với tôi còn là một lối sống, một cách làm gương cho con qua những điều rất nhỏ trong cuộc sống bắt nguồn từ mẹ, ví dụ: Không bật điều hòa trừ khi trời thật sự rất nóng. Khi xây nhà, chồng tôi đã chủ động thiết kế nhà có những lối thông gió, thông sáng tự nhiên, trồng cây xanh quanh nhà, ngoài ban công, những thứ đó hỗ trợ gia đình tôi giảm thời lượng dùng điều hòa rất nhiều; Tận dụng ánh sáng tự nhiên ban ngày để hạn chế bật điện; Sử dụng quạt vừa đủ, không bật quá nhiều quạt nếu chỉ có 1-2 người; Tắt thiết bị điện ngay khi ra khỏi phòng; Gom đủ quần áo 2 - 3 ngày để giặt một lần; Sử dụng nồi ủ, nồi áp suất để nấu các món hầm, luộc cần đun lâu; Cố định khung thời gian tắm rửa vào mùa đông cho cả gia đình để tiết kiệm nhiệt lượng của bình nước nóng, đèn sưởi; Rút sạc điện thoại ra khỏi ổ ngay khi sạc xong. Tắt các công tắc ổ điện nguồn khi không có nhu cầu dùng; Không mở tủ lạnh quá 2 phút.
Học tính tiết kiệm của mẹ tôi, còn rất nhiều điều nhỏ nhặt hàng ngày kiểu như vậy mà tôi vẫn làm một cách rất tự nhiên, không cần quá cố gắng, giống như thói quen đã ăn sâu vào tính cách của tôi từ khi còn nhỏ vậy.
Tôi luôn nghĩ và tự hào rằng, việc có một người mẹ tiết kiệm cũng là một điều may mắn với mình. Và tôi vẫn đang đều đặn cần mẫn làm những việc nhỏ đó mỗi ngày, để con gái tôi có thể nhìn vào, noi gương và dần hình thành được thái độ biết ơn, trân trọng mọi tài nguyên mà trái đất này đã ban tặng cho con người.
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 là nơi để độc giả chia sẻ các câu chuyện hay, sáng kiến mới, phương thức tiết kiệm điện hiệu quả, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp... để mọi người cùng tham khảo, thực hiện.
Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: [email protected] hoặc đường bưu điện, gởi về tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen. Thể lệ chi tiết được đăng tải trên thanhnien.vn.
Bình luận (0)