Có nhiều người đẹp đã ghé chân vào nghề báo, nhưng rồi lại không trụ được. Có lẽ họ đã sớm nhận ra sự khắc nghiệt của “cuộc chơi” này. Còn chị, có nên gọi chị là “người đẹp lì lợm” không?
Có lẽ sự khác biệt duy nhất giữa tôi và họ là tôi chưa bao giờ dám coi công việc này là một cuộc chơi. Còn anh muốn gọi tôi là gì cũng được, miễn không có hàm ý “khắc nghiệt”.
Người ta nói, nghề báo có sức cám dỗ lớn, đến nỗi đôi khi cái “cám dỗ chết người” ấy của nghề khiến có người hoảng sợ, muốn bỏ chạy. Chị có từng ở tâm thế như thế?
Công việc của tôi chỉ giống nhau cơ bản ở “thao tác”: click chuột và gõ bàn phím. Nhưng mỗi ngày lại là cả một thế giới thông tin cùng những điều mới lạ để khám phá. Và rõ ràng sự thú vị nhất của công việc là mỗi ngày tôi càng nhận ra vốn kiến thức - sự hiểu biết của mình còn quá ít ỏi. Còn “cám dỗ chết người ư”? Đó là cảm giác “phập phồng cùng thời cuộc”. Nhưng tôi chưa bao giờ muốn bỏ chạy, và cũng không hoảng sợ. Có chăng chỉ là những giây phút quá áp lực, quá mệt mỏi với công việc, tưởng chừng bế tắc, nhưng rồi cũng qua.
Thường, người đẹp mà làm cái gì liên quan đến chữ nghĩa hay tri thức, thường dễ bị nghi ngờ. Thế nên thành công của họ cũng vậy. Vậy thì có nên coi cái danh hiệu “Hoa hậu biển” là cái cớ khiến cho chị bị sự ác cảm khi tham gia nghề báo?
Lâu lắm rồi tôi không nghe thấy danh hiệu đó và ở nhà cũng như cơ quan, chẳng ai gọi tôi là hoa hậu. Có lẽ tôi vượt qua cái “cửa ải” đó rồi chăng?
Chị đã có những thành công nhất định trong nghề. Thành công này bao nhiêu % là may mắn, bao nhiêu % là mồ hôi nước mắt và bao nhiêu % là do những thứ danh hiệu của chị đem lại?
Thật khó cân đo để tìm ra đáp án cho câu trả lời này. Và cũng không có lý do gì phủ nhận tất cả các yếu tố trên trong cuộc sống lẫn công việc của tôi. Gạt nước mắt sang một bên, tôi nghĩ rằng phần lớn những điều khiến tôi vẫn gắn bó với công việc này là vì tôi yêu nó.
Chị đang tham gia biên tập, quản lý nội dung của hai trang báo điện tử. Chị có thể chia sẻ một cảm nhận chung về các trang báo mạng VN?
- Hai chuyên trang tôi phụ trách nằm trong “ngôi nhà chung” là báo điện tử Vietnamnet. Cảm nhận của riêng tôi, trên các trang báo mạng cũng có không khí và hình ảnh giống như cuộc sống thường nhật hối hả với những dòng xe chen chúc ngoài đường kia. Khi phần lớn thời gian của những công dân @ dành cho việc đối diện những chiếc màn hình, họ có vô vàn sự lựa chọn. Báo điện tử và những trang thông tin dồn dập ra mắt, và giờ là thời điểm khó khăn cho cả độc giả và những người làm ra những trang thông tin đó.
Chị nói đến thời điểm khó khăn, song có ý kiến cho rằng, báo mạng ở VN nhanh và giỏi nhất ở công nghệ sao chép. Chỉ cần một thông tin giật gân trên một tờ báo là được đăng lại, giật tít khác nhau nhưng nội dung không thay đổi, ở trên hầu hết các tờ báo. Chị có phản ứng gì không?
Điều anh nhận xét là sự thật. Và đó là điều chúng tôi cho là khó khăn, áp lực và cũng có thể phần nào gọi là sự “cám dỗ”. Trên thực tế, loại hình báo điện tử ở VN còn mới mẻ, và như tôi nói phía trên, khi một tờ báo chưa cũ, chưa quen phải chứng kiến sự ra mắt ồ ạt của nhiều website thông tin mới mỗi ngày. Và để giữ chân - lôi kéo độc giả, mỗi trang báo phải tự làm mới - phong phú mình.
Tôi đặt ra những câu hỏi riết róng: Làm mới mình thế nào khi hàng trăm tờ báo khác đăng tải hàng nghìn thông tin mỗi ngày? Làm mới mình thế nào khi làm ra được những “mâm cỗ” có cả món bình dân và đặc sản? Làm thế nào có một sản phẩm truyền thống đa phương tiện - hữu ích và đáng tin cậy? Làm thế nào để làm tất cả những điều trên trong mức kinh phí tiết kiệm nhất? Tôi không có phản ứng gì đâu. Tôi sẽ cố gắng gỡ chúng từng chút một. Hy vọng qua những cơn “khủng hoảng”, không chỉ những trang báo do tôi phụ trách mà nhiều trang khác đều tìm được hướng đi hợp lý nhất với mình - theo thời cuộc.
Báo mạng ở VN đã phát triển rất mạnh, nhưng bản sắc thì chưa thực sự có, vì sự trùng hợp và khá giống nhau. Chị có nghĩ rằng, chính mình chứ không ai khác, phải là một trong những người đặt nền móng cho sự thay đổi? Và chị có niềm tin rằng, những tờ báo chị làm là những “người đẹp có cá tính” sắc sảo?
|
Tôi vẫn còn là một “người học việc” trong nghề báo nên không dám tự đặt cho mình sứ mạng khó khăn đó. Điều tôi đang làm là cố gắng đi tìm một sự khác biệt ngay từ những công việc hằng ngày để tìm ra bản sắc cho mình trước đã. Hiện tại, tôi có lý do để lạc quan về sự phát triển của những trang tin mình đang phụ trách. Tôi đếm lượng truy cập trên Google Analytics mỗi ngày và so sánh với những trang báo khác. Theo suy luận của cá nhân tôi thì có lẽ ít nhiều Tintuconline, Netlife cũng phần nào tạo được cái gọi là bản sắc đó. Làm người bình thường có cá tính đã khó rồi, làm người đẹp có cá tính, lại còn sắc sảo nữa thì kể cũng “bất khả thi” quá nhỉ! Nhưng thôi, tôi sẽ cố.
Một nam đồng nghiệp lớn tuổi nói với tôi, phụ nữ làm báo thì thường có tâm lý lấn át và chỉ đạo đàn ông? Và những người nữ làm báo thường mang tham vọng lớn? Chị có thấy vậy không? Nếu chị có tham vọng, thì tham vọng của chị là gì?
Nếu người nói với anh là một nữ đồng nghiệp lớn tuổi, tôi tin ngay. Nhưng tôi hoài nghi lắm. Hoặc tôi chưa phải là một người làm báo đích thực, hoặc tôi có vấn đề về giới tính (cười). Luôn thấy muốn lấn át ai đó - sẽ trở nên áp đặt và bảo thủ vì không phải bao giờ mình cũng đúng. Tham vọng của tôi (lúc này) là duy trì tốt và tạo nên bản sắc cho những trang báo tôi đang phụ trách. “Tham vọng” nữa là ở nhà tôi không bị chồng con “bắt nạt”, có lớn quá không nhỉ? (cười)
Khi chị bước chân vào nghề báo, có thể chỉ là tình cờ. Khi chị thành công với những bài viết đầu tiên, có thể do may mắn. Nhưng khi cái tên Nhật Mai được coi như một thương hiệu riêng, thì chị có thấy rằng mình đã tạo ra một thứ giá trị? Và lý tưởng của chị với nghề báo từ khi vào nghề đến giờ có khác nhau nhiều không?
Chao ôi, tự nhiên anh đặt từ “thương hiệu” vào tên tôi, khiến tôi rơi vào “ảo vọng” trong chốc lát! Anh có cười tôi không, nếu tôi thú nhận rằng tôi chưa từng đặt ra một lý tưởng nào mặc định với nghề này. Tất cả những gì tôi đang làm và theo đuổi là bằng những kinh nghiệm của hôm qua, làm tốt hơn công việc ngày hôm nay.
Chị làm việc nhiều, Yahoo! Messenger của chị đỏ đèn ngay cả khi đó là 3 giờ sáng. Chị còn làm mẹ của hai đứa con nhỏ và phụ chồng mở nhà hàng. Chị có thấy mình là một “siêu nhân”? Và phụ nữ hiện đại, nếu muốn thành công, phải chăng đều phải có cách nào đó, là trở thành “siêu nhân” theo một cách nào đó?
Nếu là “siêu nhân” thì tôi phải làm xong hết công việc trước 10 giờ đêm để còn đảm bảo cuộc sống điều độ chứ nhỉ. Thực ra tôi kém trong khoản “điều tiết thời gian” đấy, thỉnh thoảng tôi cũng cáu gắt vì mọi việc cứ rối tung lên. Có rất nhiều người phụ nữ tôi biết rất thành đạt, và ở bên ngoài thì không ai nhận thấy họ phải đổi sự thành đạt ấy để mất mát đi điều gì đó. Với tôi, trong công việc thường nhật hiện tại, tôi cho rằng, hiện đại nhất là không cố nghĩ xem phải làm thế nào để biến hình ảnh của mình trở thành siêu nhân trong mắt người khác. Cân bằng được suy nghĩ, cân bằng tâm lý, thời gian và bản lĩnh của chính bản thân mình với cuộc sống này - bạn đã là siêu nhân rồi.
Thử đặt ra một giả thiết rằng, Nhật Mai là người đẹp, người mẫu, diễn viên điện ảnh, thì bây giờ cô ấy sẽ thế nào nhỉ? Hẳn sẽ không tất bật như con mọn với công việc của một thư ký tòa soạn?
Sao anh lại đặt giả thiết với tôi giờ này? Bây giờ là 6 giờ 49 phút chiều, tôi phải trả lời nốt các câu hỏi của anh. Và hôm nay tôi lại thất bại trong việc thu xếp thời gian đi chăm sóc bản thân rồi. Nhưng cũng thú vị đấy, tôi nhắm mắt lại và tưởng tượng rằng, nếu giả sử thế, có thể trông tôi xinh đẹp và bớt căng thẳng hơn bây giờ một chút. Vì câu hỏi cuối cùng của anh khó quá, lại phi thực tế nữa. Nên thôi, chúng ta cứ cùng nhau mơ một chút, rồi lại hối hả cùng nhau…
Cảm ơn Nhật Mai!
Thảo Điền (thực hiện)
Bình luận (0)