Tôi là... "nguồn nhân lực công nghệ thông tin"!

19/09/2007 23:00 GMT+7

Còn nhớ, khi cầm tờ thông báo của cơ quan cho đi học chương trình "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) trong bộ máy quản lý hành chính nhà nước" (gọi tắt là dự án 112) tôi đã rưng rưng xúc động thế nào. Một công chức ở một thành phố lớn - một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa công nghệ của khu vực miền Trung, dĩ nhiên, chúng tôi cũng phải là một trong những nơi đi đầu trong ứng dụng các khoa học công nghệ tiên tiến. Cơ hội lớn đã đến...

Cùng đi "phổ cập 112"

Mang tờ thông báo ấy về nhà với một niềm hãnh diện vô bờ, và tất nhiên, một "pháp lệnh" mới về sinh hoạt gia đình được ban bố. Bởi vì, tôi sẽ đi học trong hơn 3 tháng, mỗi tuần 3 buổi vào lúc 17 giờ 30  đến 21 giờ 30. Như vậy, hết giờ làm việc là phải đến lớp ngay, cả thời gian đi về nữa thì cũng sớm lắm sau 22 giờ mới có mặt ở nhà. Như vậy, các thành viên còn lại trong nhà phải chủ động điều chỉnh lịch sinh hoạt cho phù hợp với tình hình thực tế... Tất cả vì tôi, vì thành viên nguồn nhân lực CNTT của đất nước!

Tình thiệt, cho dù chưa được đào tạo ở một lớp tin học nào, nhưng tôi cũng biết sử dụng một vài tính năng của máy tính như soạn thảo văn bản, tính toán với MS Excel, và một vài thứ lặt vặt mà trẻ con thời nay đều biết... Nhưng được tham gia một chương trình đào tạo cấp quốc gia thì khác, chắc chắn trình độ tin học của mình sẽ được mở mang nâng cấp bội phần. Mình được Nhà nước cho đi học miễn phí thế này thì phải hết sức nỗ lực để  không phụ lòng tin của lãnh đạo, của nhân dân - tôi nhủ thầm. Sau khóa học này thì biết tay tôi!

Đứng trong tòa nhà 7 tầng của Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng SOFTECH tôi hồi hộp như một đứa trẻ bước vào lễ khai tâm. Ngay sau lễ khai giảng, mỗi học viên được phát cho 2 tập tài liệu tổng cộng hơn 600 trang, trong đó giới thiệu tính năng máy tính, cách soạn thảo văn bản với MSWord, quản lý bảng tính với Excel, MicroSoft Power Point, Mail, internet, tổng quan về cơ sở dữ liệu, thiết kế dữ liệu bằng bảng, quan hệ truy vấn, Macro.

Tháng đầu tiên với tôi trôi qua một cách nhẹ nhàng vì 6 bài đều có nội dung về Word. Cô giáo trẻ khá xinh giở giáo trình và cứ thế đọc những điều ghi trong sách ra thành tiếng. Thú thực, từng tự mò trên máy thấy cũng dễ, mà nghe cô giảng những điều mình cũng biết rồi tôi lại thấy chẳng hiểu gì cả. Nhìn lui nhìn tới cho đỡ buồn ngủ, thấy hai bác ngồi bàn bên (cũng thuộc hàng chức sắc ở cơ quan họ) cứ cố sức để khỏi gật đầu xuống bàn. 

Giờ kiểm tra đầu tiên, đề bài yêu cầu soạn thảo một văn bản theo mẫu sẵn có. Quá dễ. Tôi tự tin thực hành. Một bác ngồi bên khều khều cái bút vào tay thì thầm: "Bày cho làm cách nào với". Tôi quay sang và dễ dàng nhận ra rằng bác này chưa thạo cách gõ ký tự. Tất nhiên cũng không nên trách bác ấy, mỗi tuần 6 tiết thực hành cái mà mình chưa hiểu, chưa hề làm thì cũng phải vậy thôi, mà ngoài đi học, ở cơ quan bác ấy còn cả núi công việc phải làm nữa chứ bộ ! Và tôi cũng dễ dàng nhận ra bác ấy không phải là trường hợp cá biệt trong cái lớp vốn cũng nhiều chức sắc này.

Tháng thứ hai, những hàm tài chính, thống kê, logic cùng vô vàn những công thức toán học, lượng giác với COUNTIF, FLOOR, SUMPRODUCT... bắt đầu nhảy múa. Thú thật, tôi không thuộc khối chuyên môn sử dụng tính năng này, nghe giảng thì lõm bõm, thực hành thì qua loa. Vậy là tôi lâm vào tình cảnh bác ngồi gần hôm nọ. Tất nhiên các bác ấy càng mù tịt hơn, gõ ký tự chưa xong nói chi chuyện hàm tài chính...

Sau gần 3 tháng, chương trình đào tạo của chúng tôi cũng đến ngày hoàn thành. Ngày chuẩn bị đi thi, tôi cũng đã thức mấy đêm để tập, con gái tôi cổ vũ mẹ bằng cách đặt lên đầu cuốn giáo trình tờ giấy, viết: "Mẹ tự tin chiến thắng!!! Vượt qua dễ dàng như chơi để rồi 10+ 10+ 10... nhiều như nắng trên trời vậy". 

Đã không học thì thôi, học thì phải thi cho đậu. Và thế là những "kỹ xảo" để có điểm cao được áp dụng, cũng đúng thôi, những thao tác mờ nhạt chúng tôi học từ 2, 3 tháng trước rồi để đó không hề được ứng dụng, nay muốn có điểm thì phải có thủ thuật chứ. Một chị đồng nghiệp loay hoay mãi không được, vì bên cạnh cũng không ai rành phần này, bèn rút điện thoại ra gọi về hỏi chồng. Anh này không học lớp nào, chỉ tự mày mò nhưng cũng giúp được vợ thoát nạn. Điểm số là thước đo cơ bản. Và tất nhiên, cuối cùng chúng tôi cũng đa số đều tốt nghiệp, với một tấm bằng chứng nhận rất là đẹp được trao trong buổi lễ tổng kết đầy long trọng. Các bác chưa biết gõ ký tự thở phào: "Thế là vượt được vũ môn!".

Những ngày ngồi trong lớp tôi cứ thắc mắc mãi: sao người ta không phân loại học viên theo chuyên môn, trình độ... Chuyên nghiệp hóa là trước hết phải thành thạo ngay chính lĩnh vực cụ thể của mình đã, chứ đâu phải là cái gì cũng phải biết, để rồi cái gì cũng không biết cả. Vì sao giáo trình dạy cho tất cả đối tượng đều như nhau? Nhưng thôi, dù sao cũng đã xong rồi!

Cứ theo cách cũ mà làm! 

Trở về cơ quan, tôi hăm hở đem mớ kiến thức dù ít ỏi mà mình học được để áp dụng vào công việc. Các văn bản liên hệ công việc, trình duyệt... thay vì cứ in ra trình, người có trách nhiệm sửa rồi lại in ra lần nữa (có khi quá trình sửa đòi hỏi 3, 4 lần in) tôi đề nghị đọc ngay trên máy (vừa tiết kiệm vừa áp dụng công nghệ). Nhưng không ai đồng ý, dù sếp tôi và tất cả cán bộ cốt cán của cơ quan đã trở thành "nguồn nhân lực". Họ vỗ vai tôi: "Cứ cách cũ mà làm!". Tôi mà khăng khăng không khéo trở thành người ưa chơi trội. Thôi cứ theo bà con mà làm... như cũ.

Sau đó ít lâu, theo học một lớp học khác cũng để nâng cao kiến thức điều hành, quản lý cho bộ máy công chức của thành phố, ngày làm tổng luận cuối khóa tôi đem bài làm 20 trang của mình copy vào một chiếc đĩa đến nộp cho giáo viên hướng dẫn. Tôi biết chắc phòng các thầy được trang bị vi tính và các thầy nhất định cũng là thành viên "nguồn nhân lực" và thực tế hơn, chỉ hy vọng thầy giáo sửa đỡ tốn giấy. Nhưng cũng như mọi nơi, thầy yêu cầu in ra thành văn bản chứ không quen đọc trên máy. 

Cũng cần nói thêm rằng, tôi đang ở trong tình trạng là học viên nộp bài chậm vì ngày hẹn nộp lại đang đi công tác xa nên bị thầy khiển trách. Tôi cứ ước ao, giá mà thầy nhận bài bằng đường e-mail thì tôi đâu đến nỗi phải chậm. Thêm nữa, tôi in bài viết của mình ra giấy, thầy đọc xong, tôi mới đến lấy về sửa lại, rồi in ra lần nữa, lần nữa... Lớp tôi có 80 học viên, mỗi năm trường có rất nhiều lớp, thiết nghĩ nếu đọc trên máy, ngoài tiền xăng xe, thời gian chạy đi chạy lại, thu xếp công việc chuyên môn thì chỉ riêng số giấy tiết kiệm được cũng đủ để cho ối học sinh nghèo đi học được rồi.

Nỗi niềm không chỉ... riêng tôi!

Mang chuyện này tâm sự với một cô bạn đồng học, làm ở một cơ quan truyền thông mong được đôi điều chia sẻ, ai dè cô này phá lên cười, cười đã, cô kể chuyện cơ quan mình. Sau khóa học cô ta cũng muốn áp dụng CNTT một tí, bèn đề nghị nộp bài viết bằng đĩa hoặc qua e-mail, không ngờ sếp bảo: "Mai mốt gì, cứ in ra giấy để bộ phận đánh vi tính đánh lại cho thống nhất". Cô này bình thêm: "Sao không thống nhất nhỉ, chắc sếp mình nhầm lẫn gì đây, ông cũng đã tốt nghiệp, mà tốt nghiệp đợt đầu "chương trình Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT trong bộ máy quản lý hành chính nhà nước" rồi mà!?".

Lâu sau, người trong cơ quan nói quá, ông đồng ý cho nộp bài bằng đĩa mềm nhưng dặn: "Tất cả đứng ngoài phòng kỹ thuật gọi họ ra nhận, đừng vào mà mang virus vào theo, tụi nó lan truyền nhanh lắm!". Cả cơ quan bấm bụng không dám cười vì sợ "nguồn nhân lực" tự ái. 

oOo

Lâu rồi, tôi đã không nói điều này ra với ai, để đến khi tất cả chỉ ra rằng Đề án 112 thất bại thì mình mới chạnh lòng thêm lần nữa. Hy vọng câu chuyện mà tôi kể không phải là hành động "tát nước theo mưa" mà chỉ để giải tỏa được một bứt rứt rằng, khi mà Nhà nước tiêu tốn một số tiền không nhỏ vào việc đào tạo và cấp cho tấm văn bằng chứng chỉ hẳn hoi, nhưng rồi hễ cần thao tác chương trình gì mới hay có trục trặc gì là rút điện thoại gọi hết chồng sang con, những người không phải công chức, không hề được đào tạo bằng tiền Nhà nước như mình, vì sao?

Đó vẫn là câu hỏi lớn!

Khôi Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.