Tôi làm 'người nhện': Những ước mơ bình dị

05/01/2018 08:00 GMT+7

Được trả tiền đúng hẹn, được ký hợp đồng lao động, được đóng bảo hiểm… tưởng chừng là quyền lợi, là điều hiển nhiên mà thợ đu dây lau kính có được. Nhưng không, những điều ấy đôi khi là cả một ước mơ.

Năn nỉ ỉ ôi
Trong những ngày lân la cùng các đội đu dây tự do, lau kính ở nhiều công trình, tôi thật sự ngỡ ngàng khi chứng kiến muôn nỗi niềm của họ.
Có lần cùng nhóm do Lê Văn Ngãi (27 tuổi, quê ở Hưng Yên) phụ trách, đu dây lau kính tại một tòa nhà 5 tầng trên đường Hồng Bàng (Q.5, TP.HCM), nhìn cảnh Ngãi năn nỉ người thuê (chủ cơ sở y tế) mà thấy thương vô cùng. “Chị ơi, em làm đúng tiến độ, nay xong rồi, chị đưa em nửa số tiền còn lại”, Ngãi nói. Đáp lại, vị chủ tỏ vẻ chần chừ: “Để từ từ tôi kiểm tra lại, chứ thấy nhiều chỗ còn bụi bám nhiều lắm”. Cả tiếng năn nỉ ỉ ôi, với mong muốn “có tiền để trả công cho mấy anh em trang trải tiền ăn, tiền thuê nhà”, nhưng Ngãi đều bị người này lấy đủ lý do để... khất nợ. Hết cách, Ngãi cùng những đồng nghiệp tiu nghỉu, thất thểu ra về sau một ngày làm việc mệt mỏi.
“Nhiều người kỳ lắm, khi sắp sửa làm thì nói ngon ngọt “tiền bạc không phải lo”, nhưng làm xong rồi thì họ “giở quẻ”, kiếm cớ này nọ để kéo hoãn thời gian thanh toán, mặc dù đã ký hợp đồng trước đó. Việc đòi nợ chật vật, nhiêu khê vô cùng”, Ngãi tâm sự. Sau này, hỏi Ngãi chủ cơ sở y tế ấy đã trả đủ tiền chưa, Ngãi buồn hiu: “Chưa luôn”.

Nhìn nhiều bạn bè làm công nhân may, điện… khoe về những chế độ mà họ được hưởng, thấy mủi lòng vô cùng. Chỉ mong được đối xử công bằng như bao người làm nghề khác

Công nhân Trương Quang Công

Tình cảnh này chẳng phải của riêng ai, nhất là với giới đu dây lau kính tự do. “Người nhện bay” Trương Nguyễn Duy Thiên (Q.12, TP.HCM) cũng đôi lần gặp cảnh tương tự. “Miệt mài làm xong công trình, được nghiệm thu đàng hoàng nhưng tiền thì... bị ngó lơ. Thế là phải dùng chiêu... than khóc”, Thiên kể.
Tạ Công Ấn (24 tuổi, quê Thái Bình) cho biết: “Có nhiều chủ nhà “chướng” vô cùng. Mình làm trầy vi tróc vảy, mệt bở hơi tai mới lau xong hệ thống kính. Khi làm, luôn cố gắng lau sạch nhất. Vậy mà họ “kiếm chuyện”, săm soi bắt lỗi những điều không đáng. Đã đu xuống tới tầng 2, thì họ ở trên tầng 5 gọi vọng xuống: “Ê! chỗ này còn dơ nè, lên làm lại đi”. Mỗi lúc như vậy, tức lắm, nhưng phận làm nghề này mà, phải cố gắng làm hài lòng khách hàng, nên đu dây lên lau lại”.
“Nhưng cũng có những người dễ thương, tốt bụng lắm. Thấy mình đu dây cực khổ như vậy, họ hỏi thăm, rồi cho chai nước, cái bánh để ăn lấy lại sức. Có khi họ trả thêm năm, bảy chục ngàn. Ước gì chủ nhà nào cũng vậy thì những người làm nghề đỡ tủi thân hơn”, Ấn chia sẻ.
Mong được như những nghề khác
Tôi làm 'người nhện': Những ước mơ bình dị1
Trò chuyện với nhiều thợ đu dây lau kính cả tự do lẫn đang là công nhân tại các công ty dịch vụ vệ sinh công nghiệp ở TP.HCM, nhiều người thú thật không biết các loại bảo hiểm: xã hội, y tế, thất nghiệp, tai nạn là gì. “Lúc làm tự do thì không có tiền để đóng bảo hiểm, nên tôi xin vào công ty chuyên nghiệp mong được ký hợp đồng lao động, được tham gia đầy đủ các chế độ, quyền lợi theo quy định của nhà nước. Vậy mà công ty chẳng ngó ngàng gì. Dù bản thân tôi có thâm niên trong nghề gần 6 năm, nhưng đại diện công ty nói từ từ sẽ đóng, chờ thời gian thử việc”, Trương Quang Công (39 tuổi, quê ở Cà Mau), đang làm việc cho một công ty vệ sinh công nghiệp ở P.Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết.
Chính vì thế, khi sắp sửa bước sang năm mới, nhưng Công bảo chẳng mơ ước gì đến việc được hưởng tháng lương thứ 13. “Nhìn nhiều bạn bè làm công nhân may, điện... khoe về những chế độ mà họ được hưởng, thấy mủi lòng vô cùng. Chỉ mong được đối xử công bằng như bao người làm nghề khác”, Công tâm sự.
Trương Bảo Lâm (37 tuổi, Q.Thủ Đức, TP.HCM) kể, anh từng làm việc cho 4 công ty vệ sinh công nghiệp khác nhau. Nhưng những chế độ, quyền lợi mà đáng ra anh được hưởng đều bị ngó lơ. “Nhiều lúc cũng nản lắm, nhưng mình chấp nhận mưu sinh bằng nghề này thì chịu thiệt thòi thôi”, Lâm nói. Hỏi Lâm ước gì, anh chàng có làn da đen sạm trải lòng: “Mong sao cái nghề chân chính, cái nghề đem lại vẻ đẹp và sự sang trọng cho các tòa nhà mà chúng tôi đang theo đuổi, sẽ được quan tâm nhiều hơn. Chỉ cần được hưởng quyền lợi như bao người làm các ngành nghề khác, là đủ thấy vui và hạnh phúc lắm rồi”.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Công ty vệ sinh công nghiệp TVS Hà Nội, đặc thù của nghề đu dây lau kính cao ốc là rất nguy hiểm. Chính vì thế, công ty luôn có những chế độ đãi ngộ đặc biệt dành cho công nhân làm nghề này. Ngoài việc đưa ra mức lương cao (10 triệu đồng mỗi tháng) thì sau khi tuyển được công nhân là ngay lập tức đóng bảo hiểm. Bên cạnh đó, công ty còn quan tâm đến đời sống của công nhân, có chế độ lương thưởng phù hợp... nhằm giúp họ yên tâm làm việc.
 
 
Thu nhập phập phù
Nhiều người thợ đu dây lau kính cao ốc tâm sự, mới nhìn vào mức lương của nghề này với 500.000 - 1 triệu đồng mỗi ngày tưởng cao. Tuy nhiên, không ai có đủ sức khỏe để đu mình trên hàng chục tầng, liên tục hết ngày này sang ngày khác. Một tháng, giỏi lắm chỉ làm được tầm 20 ngày. Chưa kể thời gian sau tết luôn rơi vào tình cảnh... đói vì không có việc làm. Chính vì thế nghề này thu nhập phập phù, bấp bênh.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Công ty vệ sinh công nghiệp Năm Sao (TP.HCM), thì cho biết 20 công nhân trong lĩnh vực đu dây của công ty đều cảm thấy thoải mái với những chế độ mà họ được nhận. Ngoài việc đầu tư những dụng cụ hành nghề, dây đu an toàn, được kiểm định kỹ lưỡng... để tránh những tai nạn, công ty còn đóng bảo hiểm cho công nhân.
“Đói” công nhân
Chính sự nguy hiểm của nghề đu dây lau kính cao ốc mà nhiều công ty vệ sinh công nghiệp than thở không kiếm được thợ. Có công ty chỉ lèo tèo 1, 2 công nhân lĩnh vực này.
Ông Hưng cho biết dù "trải chiếu hoa" đón mời công nhân nhưng vẫn thiếu, công ty vẫn không kiếm đủ người để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. “Đây là nghề cực kỳ nguy hiểm, nhiều rủi ro không lường trước nên rất khó tìm thợ”, ông Hưng nói. Ông Lê Văn Đức, giám sát công trình của Công ty vệ sinh công nghiệp Không gian sạch (TP.HCM), cũng thừa nhận rất khó kiếm công nhân làm nghề này.
Đặc biệt, trong thời điểm cuối năm, từ tháng 9 trở đi, “việc kiếm thợ đu dây lau kính cao ốc khó như... mò kim đáy bể. Bởi đây là giai đoạn “vào mùa” làm ăn của nghề này. Trong khi người làm nghề này ở TP.HCM không nhiều, khoảng 150 người, nên mỗi khi có đơn đặt hàng, kiếm mỏi mắt mới được một, hai người làm”, Trần Văn Cang, trưởng nhóm đu dây ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.