Tôi về Báo Thanh Niên được một năm thì được điều từ Văn phòng miền Trung ra Tòa soạn Hà Nội.
Phó tổng biên tập Nguyễn Quốc Phong cứ để theo tạng của tôi là đi viết phóng sự.
Lúc đó Báo Thanh Niên có tờ Thanh Niên bán nguyệt san (sau này là tuần san) do Cao Minh Hiển, Trưởng ban VHVN kiêm luôn Thư ký tòa soạn.
Hiển ở TP Hồ Chí Minh nên tôi chưa từng gặp, chỉ quen trên bài viết và thảng hoặc mới nói chuyện qua điện thoại bàn.
Hiển thích cách viết của tôi nên cứ hối, anh làm sao mỗi số có một phóng sự cho em là được.
Nhờ “hợp tạng” và áp lực mà Hiển tạo ra nên tôi một mình một xe Win đi khắp các tỉnh miền Bắc. Phóng sự đăng tì tì.
Thực sự tôi cám ơn Hiển vì đã mang lại cho tôi niềm cảm hứng để sau này tôi có mấy tập phóng sự dày dặn như bây giờ.
Thay đổi cách đưa tin
Nhưng chuyện tôi sắp kể là chuyện tôi làm… phóng viên thời sự.
Đó là ngày 16.11.2000. Tôi nhớ.
Phó tổng biên tập Nguyễn Quốc Phong gọi tôi vào phòng giao nhiệm vụ: Anh Nguyễn Công Khế (Tổng biên tập) đang ở Thái Lan điện về, bảo phải thay đổi cách đưa tin thời sự, đặc biệt là đưa tin các nguyên thủ đến Việt Nam. Lần này, Tổng thống Bill Clinton sang, nhất định phải có ảnh ông ấy bước xuống sân bay kèm bài tường thuật. Anh Khế chỉ luôn, Nguyễn Thế Thịnh làm.
Anh Nguyễn Công Khế nói thế là vì từ trước đến nay, khi có nguyên thủ nào đến VN thì Bộ Ngoại giao sẽ gửi một thông cáo báo chí, các báo từ đó mà cắt gọt thành cái tin, dài ngắn tùy. Rồi vào kho ảnh TTXVN mua một bức ảnh chân dung đăng lên là xong.
Anh Khế không thích cách làm đó.
Suốt ngày 16, anh Quốc Phong bảo người chuẩn bị.
Chu Ngọc Thắng hướng dẫn cho tôi sử dụng chiếc máy ảnh được gọi là xịn nhất của cơ quan lúc bấy giờ, bình thường Thắng chẳng cho ai sờ vào.
Kiều Minh Long đi thuê một cái máy kỹ thuật số và gọi người hướng dẫn cho tôi cách sử dụng. Hồi đó cái máy ảnh kỹ thuật số to như cái camera.
Cơ quan hợp đồng với mini lab trước cổng trực đêm để làm ảnh. (Hồi đó rửa ảnh xong, scan mới truyền đi).
Tôi ngồi đọc tài liệu và thao tác máy ảnh.
Các nhà báo chờ đợi tác nghiệp bên đường băng, nơi chuyên cơ của Tổng thống Mỹ Obama sẽ hạ cánh - ẢNH: ĐỘC LẬP
|
Chiều tối, Chu Ngọc Thắng lái xe chở tôi lên sân bay. Theo lịch thì Tổng thống Bill Clinton đáp chuyên cơ xuống Nội Bài lúc 23h30.
Vệ sĩ, chó nghiệp vụ và xe… chạy lùi
Tôi vào khu vực dành cho phóng viên lúc 20h.
Ấn tượng đầu tiên là một dàn vệ sĩ, nam có, nữ có cao to cứ như người khổng lồ, tôi phải ngước lên mới thấy mặt họ. Tay mỗi người dắt một con chó to như…con bò.
Lúc đó tôi áng trên sân có chừng 500 phóng viên của các hãng thông tấn báo chí trên thế giới (sau này mới biết hơn nghìn, và riêng phóng viên Nhà trắng đi theo đã 200 người).
Tôi ra dải phân cách chỗ lô dành cho phóng viên để thử máy, tốt, không vấn đề.
Đến giờ đã định, phóng viên ào ra thì nhận được thông báo máy bay đến trễ. Dù thế cũng không ai lui vào.
Tôi đứng đầu tiên, sát cái dây làm vạch phân cách, không hiểu thế nào, lúc sau bị bật ra sau chót.
Máy bay đến.
Tôi cố chen vào nhưng bị hai vệ sĩ xách hai bên nách ném ra xa. May mà hai cái máy ảnh không đập đất. Kệ. Lại xông vào.
Phóng viên nước ngoài ai nấy cao to. Ngay cả phóng viên Nhật Bản thì một người quay phim nhưng 3 người đứng giữ 3 chân cái giá. Họ đứng vững đến mức có đá vào chân cũng không suy suyển.
Tôi cúi xuống nhìn, thấy ai cũng đứng thế trung bình tấn nên cứ thế bò dưới háng họ mà vào.
Đụng chân có đứa đá, có đứa đạp, kệ.
Bỗng có đứa dẫm lên mông tôi, nặng không cựa quậy nỗi. Tôi điên tiết, với tay bóp vào chỗ hiểm. Người đàn ông ngoại quốc đó á lên một tiếng rồi la: “VC, VC!”. Kệ, tôi cứ thế trườn vào.
Đến hàng đầu tiên thì máy bay vừa xuống. Tôi đưa máy ảnh lên bấm thử. Cha mẹ ơi, cái ống kính nó quay qua quay lại không thể bắt hình, bấm không được. Ở nhà Chu Ngọc Thắng bảo tôi đó là máy ảnh ống kính tự động, anh cứ đưa lên, nhắm mục tiêu mà “nẻ” thôi. Ai dè lúc đó sân bay toàn đèn vàng, máy không nhận được tiêu điểm. (Sau này tôi mới biết máy đó có thể chuyển sang chế độ ống kính cơ).
Tôi đưa máy kỹ thuật số lên, vừa lúc Chelsea, con gái Tổng thống bước xuống. Tôi bấm liên tiếp một loạt. Rồi Tổng thống thống Bill Clinton xuất hiện. Bấm tiếp một loạt nữa.
Chưa kịp định thần thì ông Bill Clinton cùng đoàn tùy tùng tiến về phòng họp báo. Chúng tôi a theo. Nhưng rồi cuộc họp báo đã không diễn ra như dự kiến. Đoàn xe hú còi tiến về trung tâm Hà Nội.
Xe chúng tôi chạy theo sau chiếc xe cảnh sát khóa đuôi.
Dân tràn ra hai bên đường rất đông nên đoàn xe đi chậm.
Tôi nhẩm tính, kiểu này thì không thể nào rửa ảnh và viết bài cho kịp, bèn quay sang nói với Chu Ngọc Thắng, chạy đường khác.
Đang ngon trớn thì thấy bóng mấy anh cảnh sát, tụi tôi mới té ngữa, hóa ra đường Đội Cấn chỉ đi một chiều theo hướng ngược lại. Thắng đang lúng túng thì tôi bảo, tắt đèn, quay xe lại. Thắng quay xe rồi tiếp tục lúng túng. Tôi đang bị áp lực nên gắt: Chạy lùi!”. Thắng đạp côn, trả số, cho xe chạy lùi. Thắng lái xe rất xịn, lùi nhanh như tiến nên khi ngang qua, mấy anh cảnh sát bất ngờ không kịp phản ứng (mà chắc đang đêm đường vắng nên cũng không cần gây khó dễ gì). Vậy là thoát.
Về đến cơ quan, tôi chạy vội vào viết bài, còn Chu Ngọc Thắng, Kiều Minh Long cầm hai máy vào hiệu ảnh.
Phải nói ngắn gọn thế này, tất cả ảnh tôi chụp chỉ được ba tấm rõ nhưng bố cục không ra gì. Tôi nghĩ, thế này ngày mai chắc xin một tờ A4 (ý nói viết kiểm điểm).
Thoát nạn nhờ kế hoạch dự phòng
Nhưng có một chi tiết mà tôi cố giấu kín từ đầu, trên xe, có một phóng viên ảnh của báo bạn, anh này là một tay máy chuyên nghiệp. Chúng tôi đã có thêm phương án khi rủ anh đi cùng, mặc cả là xin anh một tấm ảnh nếu có sự cố. Anh đồng nghiệp đồng ý nhưng bảo ảnh cứ ghi tên Nguyễn Thế Thịnh chứ báo anh mà biết ảnh của anh thì không xong. May mắn thay, giờ đó báo của anh đã mang sang nhà in nên kho ảnh của anh chỉ còn giá trị tư liệu. Vậy là chúng tôi chọn bức ảnh đẹp nhất của anh.
Cuối cùng thì Tổng thư ký Nguyễn Khắc Nhượng cũng nhận được bài tường thuật kèm mấy bức hình. Lúc đó đã 2h30 ngày hôm sau.
Báo hôm đó in hơi trễ vì một cách làm mới.
Bình luận (0)