Tôi lênh đênh giữa đôi bờ Âu - Á

24/06/2016 21:05 GMT+7

Có một cảm xúc rất lạ khi bạn ngồi trên du thuyền bồng bềnh trên làn nước biển trong xanh của Thổ Nhĩ Kỳ, lãng đãng trôi giữa 2 châu lục tưởng chừng rất xa nhưng lại rất gần.

Thổ Nhĩ Kỳ không phải là vùng đất duy nhất trên thế giới nối liền 2 châu lục. Ví dụ như nước Nga chẳng hạn, cũng nối liền 2 lục địa Á - Âu bởi dải đất liền rộng bao la trải dài từ tây sang đông, nên được gọi là phần Nga Âu và phần Nga Á với diện tích gần bằng nhau. Nhưng cách mà Thổ Nhĩ Kỳ đứng một chân bên châu Á, còn chân kia bên vùng địa chính trị của châu Âu mới lạ lùng và hào hứng vì bị ngăn cách bởi một eo biển.
Cái eo biển ấy có tên Bosphorus, rất lợi hại về mặt kinh tế lẫn quân sự vì nó kiểm soát toàn bộ tàu bè, kể cả tàu ngầm, từ Địa Trung Hải vào biển Đen và ngược lại. Sự lợi hại của eo biển Bosphorus nằm ở chỗ nó rất hẹp, chỗ rộng nhất là 3,7 km, nơi hẹp nhất chưa tới 1 km.
Vì hẹp như vậy cho nên người ta nói vui rằng, với các thiết bị radar hiện đại mà người Thổ đang sử dụng, họ có thể biết rõ con cá gì vừa mới bơi qua dưới lòng biển chứ nói chi đến tàu ngầm. Từ thời xa xưa, phần eo hẹp này có 2 pháo đài được xây dựng hai bên bờ, sẵn sàng bắn hạ bất cứ chiếc tàu thủy nào “ngoan cố” vượt qua khi chưa được phép. Với khoảng cách quá gần như vậy nên rất thuận tiện để xây cầu và người Thổ đã xây 2 chiếc cầu bắc qua eo biển này.
Cũng nên biết eo biển Manche nối Pháp với Anh có bề ngang dài đến 34 km nên không thể xây cầu được mà buộc phải đào hầm, làm tuyến tàu điện băng qua dưới đáy biển.
Thổ Nhĩ Kỳ có 97% diện tích đất đai nằm trên lục địa châu Á (tạm gọi phần Thổ Á), chỉ có 3% lãnh thổ nằm bên kia châu Âu với một địa danh nổi tiếng: Istanbul (phần Thổ Âu). Xuống bến tàu ở Istanbul, chiếc du thuyền chở đoàn nhà báo chúng tôi từ từ trôi trên eo biển Bosphorus, men theo bờ châu Âu.
Di chuyển được một đoạn, chui qua 2 cây cầu, chiếc tàu quay đầu men theo bờ châu Á. Vì mải mê loay hoay chụp ảnh nên khi trố mắt nhìn phong cảnh hai bên bờ, chúng tôi chẳng còn biết đâu là Thổ Âu và đâu là Thổ Á vì phong cảnh khá giống nhau, kể cả lối kiến trúc nhà cửa và pháo đài cổ. Bosphorus là một trong những eo biển nhộn nhịp nhất thế giới, tàu bè ngược xuôi tấp nập, hình ảnh của một nền kinh tế phồn vinh.
Chắc vì lý do đó mà theo dòng lịch sử, người Thổ quyết tâm bảo vệ Istanbul bằng mọi giá cho dù đất nước “núi chẳng liền núi, sông chẳng liền sông” hay nói cách khác “non sông không liền một dải”. Đây là một nét độc đáo của quốc gia này, khiến có lúc người ta đặt câu hỏi: Thổ Nhĩ Kỳ thuộc châu Á hay châu Âu khi mà họ gia nhập khối NATO, sử dụng đồng euro, tham gia chương trình ca nhạc thường niên Eurovision và dự các giải đấu bóng đá của châu Âu…?
Suy cho cùng, Thổ Nhĩ Kỳ thuộc châu nào có thể quan trọng đối với người dân Thổ nhưng xem ra chẳng còn là vấn đề bận tâm của du khách thập phương. Với những du khách Việt như chúng tôi, điều phấn khích khi đặt chân đến vùng đất này là chứng kiến hiện tượng “hai lãnh thổ của một quốc gia” chỉ cách nhau có 750 m bởi một eo biển.
Lang thang trên eo biển ấy, cho ta cảm giác lâng lâng với phần châu Á khá gần gũi và lục địa châu Âu không xa xôi.
Nghĩ vui, nếu chẳng may vì một nguyên do nào đó khiến đường hàng không bị ngưng trệ thời gian dài trong khi du khách châu Á (có cả VN) đang ở Istanbul muốn quay về nước, thì phải làm cách nào? Câu trả lời có 2 cách: Một là lên tàu thủy ra Địa Trung Hải, qua kênh đào Suez của Ai Cập ra Ấn Độ Dương thẳng tiến về hướng đông; Hai là đi đường bộ, băng qua chiếc cầu nối hai bờ Âu - Á trên eo biển Bosphorus, men theo “con đường tơ lụa” hướng về phương Đông, sẽ về đến nhà.
Nói một cách không quá rằng, đất nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày một giàu lên từ xưa đến nay cũng nhờ vào chính hai con đường này và cái eo ấy. Không bàn cãi gì nữa, đó là một vùng đất khá thú vị nên đến thăm ít nhất một lần trong đời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.