Cho dù ở tuổi nào cũng có thể phạm sai lầm và phải trả giá nhưng với một người trí thức như ông, đây là một sự giày vò, dằn vặt đến cuối cuộc đời...
|
Ông mệt mỏi ngồi phịch xuống đất trong khi chờ đợi con trai vào bãi giữ xe. Dường như tất cả sức lực ở tuổi 75 của ông đã vắt sạch sau hơn 1 giờ phải trả lời thẩm vấn và chờ đợi sự phán quyết cuối cùng của tòa.
Những giọt nước vô tình
Theo nội dung bản án sơ thẩm, tối 30-7-2010, ông N.V.P (ngụ quận Tân Phú - TPHCM) đứng trên lầu 1 uống nước rồi rửa tay làm nước văng trúng đầu bà P.T.X.B đang đứng phía dưới. Bà B. lên tiếng cự nự khiến hai bên xảy ra cãi vã, xô xát.
Đang nằm nghỉ trên lầu, nghe tiếng ồn, ông N.V.K bước ra ban công xem, nóng lòng vì thấy vợ bị “ăn hiếp’’, ông K. chạy xuống lấy một khúc cây xông vào “cuộc chiến’’.
Lúc đó, ông P. lấy ghế nhựa loại có lưng tựa đưa lên, ông K. bèn cầm khúc cây bằng hai tay đánh mạnh từ trên xuống làm vỡ chiếc ghế, trúng vào đầu, mặt của ông P., gây thương tích 39%.
Xét xử sơ thẩm, TAND quận Tân Phú tuyên phạt ông K. 3 năm tù về tội cố ý gây thương tích, ông K. kháng cáo xin được hưởng án treo vì tuổi già sức yếu lại bệnh tật. Đó cũng là lý do để có phiên tòa phúc thẩm ngày hôm ấy.
Trả lời thẩm vấn của HĐXX, ông K. thừa nhận toàn bộ tội danh như bản án sơ thẩm đã quy kết. “Tôi có tội. Thấy ông P. cầm ghế lên, tôi sợ ông ấy đánh nên không kiểm soát được hành vi. Lúc đó, tôi không còn là tôi, hành động không bình thường. Đến khi nghe công an nói tôi gây thương tích cho ông P. 39%, tôi chết đứng...’’ - ông K. khó nhọc trình bày.
Về phần mình, ông P. thừa nhận có cầm chai nước đổ một ít rửa tay nhưng không văng trúng bà B., mọi chuyện là do vợ chồng ông K. vu khống.
Sau khi sự việc xảy ra, hai người con của ông K. đến thăm hỏi, xin lỗi và bồi thường nhưng ông P. không nhận.
“Là người gây thương tích cho tôi, ông K. không trực tiếp đến xin lỗi là không thiện chí... Tòa sơ thẩm xử ông ấy 3 năm tù là quá nhân đạo rồi, vậy mà ông K. còn kháng cáo xin hưởng án treo. Tôi không chấp nhận. Bây giờ tại tòa, tôi đề nghị phải tăng án (sau sơ thẩm, ông P. không kháng cáo; sau khi biết ông K. kháng cáo, ông P. mới có đơn đề nghị tòa không chấp nhận kháng cáo - PV)” - ông P. nói.
Mất mát không thể đong đếm
“Đây là tội lỗi cuối đời mà chỉ vì không kiểm soát được hành vi của mình, tôi đã để lại vết nhơ cho con cháu, gây nên thương tích không thể nào khắc phục được cho anh P. Dù quá muộn, tôi thật lòng xin lỗi vợ chồng anh P. Tôi cũng xin lỗi vì đã làm mất thời gian của quý tòa. Mong HĐXX xem xét để tôi được ở ngoài chữa bệnh, sống thêm được năm nào hay năm đó... ’’ - ông K. tha thiết trong lời nói sau cùng.
Giờ nghị án, ông K. ngồi thở dốc, lần mò trong túi áo lấy ra ống thuốc xịt vào miệng để ngăn cơn hen. Khi đã khỏe hơn, ông ngồi lặng thinh, chẳng buồn trò chuyện với ai, kể cả người con trai đang ngồi bên cạnh. Đau đáu nhìn vào khoảng không trước mặt, ông lặng lẽ thở dài.
Người viết bài này chỉ có thể biết thêm thông tin về ông K. qua luật sư Hoàng Thị Mỹ Đức - người bào chữa cho ông từ phiên tòa sơ thẩm cho đến hôm nay.
Không thể nào ngờ được người đàn ông già nua, bệnh tật, luôn rụt rè, khúm núm trước tòa, thậm chí có lúc mất bình tĩnh đến mức xưng “con’’ với HĐXX, lại là một tiến sĩ khoa học (ông được đào tạo ở Liên Xô cũ), có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương...
Tuổi già, trong người ông mang đủ thứ bệnh như lao, hen suyễn, rối loạn hoang tưởng trường diễn làm suy giảm khả năng nhận thức, điều khiển hành vi (căn bệnh ấy đã phát trước, trong và sau khi ông gây án); đặc biệt, hai mảnh bom bi vẫn còn nằm trong thận nhưng không thể mổ vì sức khỏe không cho phép.
“Cho dù ở tuổi nào cũng có thể phạm sai lầm và phải trả giá. Nếu HĐXX cho hưởng án treo sẽ giúp ông ấy có điều kiện điều trị bệnh. Nhưng với một người trí thức như ông ấy, đây là một sự giày vò, dằn vặt ông đến cuối cuộc đời...’’ - luật sư Mỹ Đức tâm sự.
Cuối cùng, HĐXX chấp nhận kháng cáo, tuyên phạt ông K. 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm. Người quen bắt tay chúc mừng kèm theo lời dặn giữ gìn sức khỏe, ông nhè nhẹ gật đầu cảm ơn rồi vịn vào vai con trai, khó nhọc leo lên xe. Chất chứa trong đôi mắt mờ đục ấy là một nỗi đau, một sự mất mát khó nói được bằng lời...
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)