Theo EarthSky, sao chổi 13P/Olbers quay trở lại hệ mặt trời sau 68 năm và hiện tại, bạn có thể nhìn thấy nó qua ống nhòm. Sao chổi định kỳ này đã đạt đến khoảng cách gần nhất với mặt trời vào ngày 30.6 mới đây và sẽ gần trái đất nhất vào hôm nay 20.7.
Trong lần tiếp cận gần nhất, sao chổi này cách hành tinh của chúng ta 283,5 triệu km. Khi đó, sao chổi 13P/Olbers là sao chổi sáng nhất trên bầu trời khi quan sát từ trái đất.
Theo NASA, "vị khách trên trời" này quay quanh mặt trời sau mỗi 68 năm (chính xác là 67,9 năm). Vì nó quay trở lại và có quỹ đạo dưới 200 năm nên nó được phân loại là sao chổi định kỳ hoặc "loại Halley".
Cách quan sát
Chuyên gia cho biết thời điểm tốt nhất để quan sát và chụp ảnh sao chổi 13P/Olbers là tuần này. Sao chổi 13P/Olbers có độ sáng từ 6,5 đến 7, nghĩa là không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Tuy nhiên, chúng ta có thể quan sát được bằng ống nhòm hoặc kính thiên văn nhỏ. Người quan sát ở Bắc bán cầu, trong đó có Việt Nam sẽ có cơ hội tốt nhất để nhìn thấy sao chổi.
Heinrich Olbers đã phát hiện ra sao chổi hiện mang tên ông vào ngày 6.3.1815, từ Bremen (Đức). Vào thời điểm đó, nó chỉ có thể nhìn thấy mờ nhạt bằng mắt thường. Lần cuối sao chổi này đi vào bên trong hệ mặt trời là năm 1956.
Sau khi đi qua trái đất vào năm 2024, chúng ta sẽ không nhìn thấy nó nữa cho đến tháng 3.2094. Đó là lý do để anh Đức Quân (20 tuổi, ngụ TP.HCM) quyết không bỏ lỡ sao chổi lần này.
Anh cho biết mình sẽ mượn kính thiên văn của người quen, sau đó thông qua các ứng dụng thiên văn để tìm vị trí của sao chổi. Theo anh, sao chổi là thiên thể ẩn chứa nhiều điều thú vị, khiến anh tò mò.
“Có lẽ, cả cuộc đời của mình sẽ không bao giờ nhìn thấy lại nó thêm một lần nào nữa. Nên mình sẽ không bỏ lỡ. Hy vọng thời tiết thuận lợi để có thể quan sát sao chổi này”, anh bày tỏ.
Bình luận (0)