Space.com cho biết lúc chạng vạng tối ngày 3, 4 và 5.11, mọi người trên khắp thế giới có thể nhìn thấy hành tinh sáng nhất, sao Kim, gần trăng lưỡi liềm đang lớn dần. Cũng gần đó là hành tinh "khó nắm bắt" sao Thủy. Phần sáng của trăng lưỡi liềm mỏng manh chỉ về sao Thủy vào tối nay 3.11.
Sau đó, mặt trăng sẽ "trôi" gần sao Kim vào tối ngày 4.11. Trong cả ba đêm, phần tối của mặt trăng sẽ phát sáng với ánh sáng từ trái đất . Đó là ánh sáng mặt trời phản chiếu từ bề mặt trái đất.
Chạng vạng 3.11, trên trời sẽ thấy ngôi sao sáng rực cạnh mặt trăng
Sao Kim và mặt trăng cách nhau chưa đến 5 độ
Chuyên gia cho biết chúng ta đã thấy mặt trăng và sao Kim ở gần nhau vào lúc chạng vạng tối ngày 5.10. Chúng ta sẽ lại thấy chúng gần nhất vào ngày 4.11 và ngày 4.12. Mặt trăng và sao Kim cách nhau chưa đến 5 độ vào ngày 5.10 và đến ngày 4.11, mặt trăng và sao Kim sẽ lại cách nhau chưa đến 5 độ.
"Khoảng cách đó tương đương với khoảng bầu trời bị che khuất bởi ba ngón tay giữa của bạn, giơ ra xa một cánh tay", Space.com thông tin.
Ở Bắc bán cầu, trong đó có Việt Nam, vì chúng ta đang hướng đến ngày đông chí, mặt trời sẽ lặn sớm hơn vào mỗi đêm. Vì vậy, vào thời điểm sao Kim và mặt trăng lại gần nhau vào ngày 4.12, chúng sẽ chìm trong bóng tối thêm một chút nữa.
Bóng tối sớm đó cũng sẽ làm tăng thêm tầm nhìn của bạn. Vào tối nay, người yêu thiên văn vẫn có thể quan sát một số ngôi sao của chòm sao mà chúng ta coi là chòm sao mùa hè, trước khi chúng lặn xuống phía dưới đường chân trời phía tây nam.
Em Đức Duy (17 tuổi, ngụ An Giang) cho biết vào đầu tháng 10, em thấy một ngôi sao rực sáng ở gần mặt trăng nhưng không biết đó là gì. Sau khi tham khảo ý kiến mọi người trên hội nhóm thiên văn, Duy mới biết đó là sao Kim, hành tinh sáng nhất hệ mặt trời.
"Từ đây, em bắt đầu có hứng thú quan sát bầu trời đêm hơn. Em có theo dõi và biết đầu tháng 11 này, sao Kim ở gần mặt trăng hơn. Em đã biết hành tinh ở gần mặt trăng lúc chạng vạng này là gì. Quan sát nó cũng là điều thú vị!", chàng trai cho biết.
Bình luận (0)