Montaigne đã dạy rằng: “Cuộc sống chỉ là một sự chuẩn bị cho cái chết, học tập để làm quen với cái chết”.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường viết trong hồi ký về lần vượt qua tử thần: trong một chuyến đi công tác trong kháng chiến chống Pháp. Đó là khi ông được mời đi bào chữa cho bị can ở TAND Đức Thọ gần chợ Thượng Lâm. Làm xong nhiệm vụ, sáng sớm tinh mơ luật sư Tường đạp xe về Thiệu Hóa, Thanh Hóa là trụ sở của Trường Dự bị Đại học. Ông vừa là giáo sư và là thành viên trong Ban giám đốc cho nên cần có mặt tối hôm đó để dự lễ kết thúc năm học của sinh viên. “Tôi cố gắng đạp xe về tới trường. Khi đạp được hơn 100 cây số, tôi mệt quá ngã xuống Nông Giang bất tỉnh nhân sự. Nếu không có người cứu, nhất định tôi đã chết đuối. Khi tỉnh lại tôi không biết mình là ai, tên là gì, làm việc gì, tại sao lại ngã xuống Nông Giang. Không biết sau đó ai biết tôi và đưa tôi về nhà. Nhưng khi về đến nhà tôi cũng không nhận được vợ con nữa. Hồn bay phách lạc, tôi như con người mất trí. Dần dần từ ngày này sang ngày nọ tôi mới nhận thức được mình là ai, tên là gì, làm gì…”.
tin liên quan
Nguyễn Mạnh Tường - Người luật sư yêu nước: Lòng tự trọng của người trí thứcBà Nguyễn Dung Nghi lại điểm vào một nốt nhạc của bản hồi ức kỷ niệm:“Vào một buổi chiều sẩm tối, trên đường đê Nông Giang, ba tôi đi một xe đạp nam với cặp hồ sơ tài liệu cùng cả giấy tờ tùy thân được treo ở thanh ngang. Trời bắt đầu mưa. Đi trước là hai anh bộ đội đang trên đường công tác. Để tránh mưa, ba tôi đạp xe vượt lên trước. Hai anh bộ đội đi bộ thấy ba tôi vượt lên trước nhưng sau đó mất hút mặc dù trên bờ sông Nông Giang không còn ai nữa. Đi được một đoạn, các anh phát hiện có chiếc xe đạp rơi xuống vệ đê... Sau khi tìm kiếm dưới sông, rồi sơ cứu, các anh đưa ba tôi tới một quán nước gần đó cạnh một cây đa.
Tỉnh dậy, ba tôi thấy trên mình là quân phục bộ đội. Ngạc nhiên, ba cứ tự hỏi: Mình có bao giờ là bộ đội đâu nhỉ? Bà cụ chủ quán khơi thêm bếp lửa sưởi ấm và cho biết các anh bộ đội thay quần áo cho ba tôi rồi sau đó lại tiếp tục lên đường công tác. Trong đêm tối, bà cụ chủ quán đã cho ba tôi ăn một bát cháo nóng. Sáng hôm sau có người đưa ba tôi về nhà với cặp tài liệu còn nguyên vẹn. Rất tiếc gia đình tôi không gặp được người đưa ba tôi về để cảm ơn và hỏi chi tiết về tai nạn đã xảy ra”.
Qua bao thăng trầm của cuộc đời, cụ bà Tống Lệ Dung vẫn thường tâm niệm sống ở trên đời phải biết tự lực, còn nếu ngại khó khăn, ngại lao động là mình thất bại trong cuộc đời, không làm được việc gì có ích cho gia đình, cho đất nước.
Còn luật sư Nguyễn Mạnh Tường, sau khi thoát khỏi lưỡi hái tử thần trở về với nhân dân, người trí thức lớn ấy lại toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Trong hồi ký của mình, cụ viết: “Bổn phận và nghĩa vụ của tôi đối với nhân dân trước đây đã có nay lại được tăng cường lên vì tôi không chỉ là một con người trong nhân dân mà chính là đứa con của nhân dân đẻ ra. Vì vậy, không có gì lạ rằng tôi phải sống và chết vì nhân dân. Dù phải chịu nỗi khổ cực điêu đứng, tai hại đến đâu đi nữa, tôi không thể nào quên được rằng cái gì đã gắn bó tôi với nhân dân và mối tình cốt nhục còn nặng hơn tình yêu hoặc tình bè bạn. Một mối tình như vậy không phải chỉ nói lên trên môi mà phải thấm thía trong lòng, phải biểu hiện bằng hành động cụ thể, bằng những hy sinh để xứng đáng với nhân dân, bố mẹ “tinh thần” của tôi.
Khổ thế này chứ khổ hơn nữa tôi cũng không thể xa rời, từ bỏ bố mẹ để đi mưu cầu một số phận tươi vui hơn được. Một người con làm trọn bổn phận đối với những người đã sinh thành ra mình là cảm thấy rất sung sướng và bình tĩnh.
Đó là bí quyết tại sao tôi vẫn vui vẻ lạc quan và tin tưởng ở tương lai. Nhân dân đã trả lại cho tôi một Tổ quốc, lại cứu sống tôi, tôi nhất định sống và chết với nhân dân trên bờ cõi của đất nước”.
Bình luận (0)