Texas còn có thế mạnh về công nghiệp hàng không, vận tải, du lịch... Nhưng đặc biệt hơn cả là tại đây cờ tiểu bang lại được treo ngang hàng với cờ liên bang vì những lý do lịch sử của nó và có cơ quan đầu não của ngành hàng không vũ trụ - NASA.
Trên đất Mỹ có nhiều cơ quan của NASA nằm ở các tiểu bang miền Nam, như San Francisco thuộc Cali, Houston (Texas), Kennedy (Florida)…Nhưng lâu đời và đóng vai trò đầu não của NASA chính là Johnson Space Center ở thành phố Houston. Đây cũng là địa chỉ du lịch thu hút hàng triệu du khách khắp thế giới mỗi năm, mặc dù giá vé tham quan không rẻ chút nào: 28,5 USD/người lớn, thiếu niên và trẻ em mỗi bậc giảm 1 USD.
Nhiều dịch vụ chụp ảnh, bán đồ lưu niệm, cà phê bên trong giá cũng cao hơn bên ngoài gấp 2 lần... Thế nhưng sức hút của NASA vẫn hấp dẫn bất cứ ai đến nước này.
Trung tâm vũ trụ Houston thành lập từ năm 1958, lúc đó Tổng thống Lyndon B.Johnson hãy còn là thượng nghị sĩ bang Texas, với cái tên ban đầu là National Aeronautics and Space Administration (viết tắt là NASA) có chức năng tổ chức những chuyến bay thám hiểm không gian. Khi Tổng thống John F.Kennedy quyết định Mỹ phải trở thành người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng và trở về trái đất an toàn trong một thập niên, và “Mỹ phải trở thành quốc gia dẫn đầu trong các tiến bộ về không gian”, thì Houston đã được chọn thực hiện nhiệm vụ này.
Khi người Nga đưa được loài chó lên không gian bằng tàu vũ trụ Spunik 2 vào năm 1957, kỹ sư Robert Gilruth làm việc tại Ủy ban Quốc gia tư vấn về thám hiểm không gian (NACA) ở Virginia, người đề xuất “cuộc đua vào không gian”, được chỉ định làm Giám đốc nhóm đặc nhiệm vũ trụ (STG - thuộc NASA).
Tháng 9.1958, nhóm đặc nhiệm này gồm 36 nhà khoa học bắt tay nghiên cứu dự án về phi thuyền có người lái mang tên Mercury Project. Từ 1961 - 1963, 6 phi thuyền có người lái của dự án này đã được phóng lên quỹ đạo trái đất, đạt được 3 yêu cầu là đưa tàu vũ trụ có người lái lên quỹ đạo, xác định năng lực con người có thể tồn tại trong điều kiện không trọng lực và khả năng thu hồi phi hành gia về lại khoang tàu một cách an toàn.
Đến cuối tháng 5.1961, NASA chính thức chuyển về Houston, đặt tên là Trung tâm tàu vũ trụ có người lái. Từ các dự án ban đầu mang tên Gemini đến các chương trình Apollo, trạm nghiên cứu không gian, tàu con thoi và ISS, trung tâm này tiếp tục đóng vai trò điều hành các chương trình thám hiểm không gian của Hoa Kỳ và thế giới...
Một người quen của tôi ở Houston cho biết có nhiều nhà khoa học gốc Việt đang làm việc tại trung tâm không gian này.
Những viên đá mang về từ mặt trăng, mô hình các phi hành gia Apollo 11 đi bộ trên mặt trăng, mô hình các tàu con thoi, Trạm không gian USS, hỏa tiễn Saturn V được phục hồi và trung tâm chế tạo các mo đun, tàu đổ bộ, các giàn phóng Apollo, tàu con thoi... đều được trưng bày tại đây. NASA Houston luôn hấp dẫn người xem là vậy.
Trung tâm này có một vườn cây được trồng trong khuôn viên gần khu nhà điều hành. Dưới mỗi gốc cây là tấm bảng ghi tên tuổi những phi hành gia Mỹ đã quá cố. Người hướng dẫn cho biết, đây là công trình được thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm ngành du hành vũ trụ Hoa Kỳ.
Bình luận (0)